Việc cải tạo các bãi rác, điểm ô nhiễm thành công viên hay khu vui chơi giải trí không chỉ nâng cao chất lượng môi trường sống mà còn là giải pháp ý nghĩa đối với môi trường và xã hội
TP HCM đã có những bước đi quan trọng trong việc xử lý rác thải và chuyển đổi các bãi rác thành không gian công cộng, công trình dân sinh xanh - sạch - đẹp, phục vụ nhu cầu sống xanh của người dân.
Nhiều ý nghĩa
Trong hẻm 1041 Trần Xuân Soạn, phường Tân Hưng, quận 7, TP HCM, công trình cải tạo mảng xanh và lắp đặt dụng cụ thể dục thể thao ngoài trời với tổng diện tích 2.357 m2 mang ý nghĩa thiết thực, cải thiện môi trường sống cho người dân nơi đây.
Khu vực này từng tồn tại một bãi rác. Đó là điểm tập kết rác tự phát ở khu phố 5, phường Tân Hưng; ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sống của người dân và phá vỡ cảnh quan đô thị. Đến nay, bãi rác ngày nào đã được cải tạo thành một công viên nhỏ, trở thành không gian sinh hoạt chung cho cư dân trong khu vực.
Ông Trần Văn Giàu, cư dân hẻm 1041 Trần Xuân Soạn, cho biết khu vực này trước đây rất nhếch nhác. Rác thải đủ loại chất thành đống bốc mùi hôi thối, ruồi muỗi sinh sôi. Ông cho rằng nếu bãi rác không sớm cải tạo như bây giờ thì mức độ ô nhiễm còn nghiêm trọng hơn.
Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Mai, cư dân khu phố 5, từ khi bãi rác được cải tạo, cuộc sống của người dân địa phương đã thay đổi hẳn. Trẻ em có chỗ vui chơi; người cao tuổi có nơi tập thể dục, gặp gỡ bạn bè. Công viên tuy nhỏ nhưng sạch sẽ, thoáng mát, mang lại giá trị thiết thực. Từ ngày công viên được xây dựng, ý thức của người dân cũng được nâng cao, không còn tình trạng đổ rác bừa bãi như trước nữa.
Nằm trong hẻm 354 Lý Thường Kiệt, phường 14, quận 10, TP HCM - cạnh Trường Tiểu học Võ Trường Toản, vườn Trường Sa ở khu phố 12 với diện tích 72 m² đã xuất sắc giành giải nhất Hội thi Xây dựng công trình sạch - xanh - thân thiện môi trường dựa vào cộng đồng dân cư lần thứ 3 năm 2024. Hội thi do Ủy ban MTTQ TP HCM phối hợp cùng Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức.
Đề cập sự hình thành vườn Trường Sa, bà Lê Thị Ánh, ngụ tại phường 14, cho biết trước đây, khu vực này thường xuyên tù đọng nước, là nơi phát sinh muỗi và bốc mùi rất khó chịu. Thậm chí, một số người dân còn tập kết rác tại đây.
"Vườn Trường Sa có nhiều ý nghĩa khi góp phần giúp góc phố trở nên đẹp hơn, sạch sẽ hơn. Việc nơi này trở thành vườn hoa không chỉ nhờ nỗ lực từ các đơn vị mà còn từ sự chung tay đóng góp của cộng đồng cư dân" - bà Ánh nhớ lại.
Ngoài những công trình kể trên, công viên với hồ nước hình trái tim tại khu dân cư Vĩnh Lộc, phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân; công viên trong hẻm 2695 Phạm Thế Hiển, phường 7, quận 8 hay vườn rau hơn 1.000 m² trên đường số 13, phường Cát Lái, TP Thủ Đức… đều được xây dựng trên các khu vực từng là bãi tập kết rác và ô nhiễm. Sau khi cải tạo, những địa điểm này đã góp phần nâng cao chất lượng sống cho cộng đồng dân cư.
Người dân chung tay
Theo đại diện UBND phường Tân Hưng, để bảo đảm tính hiệu quả trong việc thực hiện dự án khu công viên tại hẻm 1041 Trần Xuân Soạn, phường đã phân công rõ ràng nhiệm vụ, trách nhiệm cho từng tập thể, cá nhân tham gia quá trình thi công cũng như quản lý công trình. Toàn bộ kinh phí dự án, tổng cộng hơn 370 triệu đồng, đều được huy động từ sự đóng góp tự nguyện của các cá nhân và tổ chức.
Công viên này sau khi hoàn thiện đã được bàn giao cho cấp ủy, ban điều hành cùng toàn thể người dân khu phố 5 chịu trách nhiệm quản lý, chăm sóc và duy trì chất lượng.
Công trình vườn Trường Sa cũng là một điểm nhấn trong việc biến bãi rác thành không gian xanh. Theo các nhà quản lý, tên gọi vườn Trường Sa được đặt mang ý nghĩa đặc biệt. Đây là nơi trồng cây bàng vuông - món quà quý giá được cán bộ, chiến sĩ đảo Trường Sa Lớn gửi tặng bà Hoàng Kim Chi, Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường 14, trong chuyến công tác thăm quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1.
Bà Chi cho biết tổng kinh phí thực hiện công trình này khoảng 100 triệu đồng. Số tiền này chủ yếu được sử dụng cho việc dọn rác, thay đất và cải tạo đất. Điều khiến bà và nhiều người dân địa phương tự hào là sự đóng góp công sức nhiệt tình của hàng trăm cư dân trong khu vực.
Bà Chi nhấn mạnh vườn Trường Sa không chỉ đơn thuần là một khu vườn xanh mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền ý thức về chủ quyền biển đảo quê hương. Đây cũng là động lực thúc đẩy nhiều phong trào ý nghĩa hướng đến việc bảo vệ và gìn giữ biển đảo thông qua các chương trình như Trường Sa xanh, đóng góp vào Quỹ "Vì biển đảo quê hương, vì tuyến đầu Tổ quốc"...
Xử lý, cải tạo 157 điểm ô nhiễm
Từ khi triển khai Chỉ thị 19 năm 2019 của Ban Thường vụ Thành ủy về cuộc vận động "Người dân TP HCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước", bộ mặt đô thị của TP HCM nói chung và từng địa phương nói riêng đã có những chuyển biến đáng kể.
Trong năm 2024, TP HCM đã triển khai nhiều dự án môi trường với mục tiêu kiểm soát ô nhiễm và mở rộng mảng xanh. Thành phố đã xử lý và cải tạo 157 điểm ô nhiễm; chuyển đổi 153 điểm thành các khu vực sinh hoạt cộng đồng, vườn hoa, công viên.
Việc cải tạo các bãi rác, điểm ô nhiễm thành công viên hay khu vui chơi giải trí không chỉ nâng cao chất lượng môi trường sống mà còn là giải pháp mang ý nghĩa sâu sắc đối với môi trường và xã hội.
Bình luận (0)