Rạng sáng một ngày cuối tháng 7-2021, tàu Cảnh sát biển 4035 của Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 - Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam trên đường làm nhiệm vụ đã phát hiện 2 tàu cá di chuyển từ hướng Malaysia về Việt Nam có dấu hiệu nghi vấn. Khi 2 tàu cá này vào đến vùng biển Việt Nam, tổ công tác đã xuống xuồng cao tốc, tiếp cận để kiểm tra nhưng cả 2 tàu tăng tốc bỏ chạy về 2 hướng khác nhau.
Xử lý nhiều vụ vi phạm pháp luật trên biển
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng cảnh sát biển đã dừng tàu cá và lên kiểm tra. Xác minh nhanh, lực lượng chức năng phát hiện tàu cá số hiệu KG-94793-TS đã cố tình che biển kiểm soát, tháo thiết bị kiểm soát hành trình. Thuyền trưởng Nguyễn Văn Tính (ở huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang) và 18 ngư dân trên tàu cá đều không xuất trình được giấy tờ tùy thân và các giấy tờ liên quan.
Đầu tháng 8-2021, lực lượng thuộc Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 khi thực hiện nhiệm vụ trên vùng biển giáp ranh Việt Nam - Malaysia đã phát hiện tàu cá CM-99275-TS của tỉnh Cà Mau có hành vi tự ý tháo thiết bị giám sát hành trình, sang vùng biển Malaysia khai thác hải sản bất hợp pháp.
Thiếu tướng Bùi Quốc Oai, Chính ủy Cảnh sát biển Việt Nam, trao tờ rơi những thông tin cần biết về chống khai thác thủy hải sản bất hợp pháp cho ngư dân đảo Bạch Long Vĩ, TP Hải Phòng. Ảnh: NGÔ NHUNG
Gần đây, chiều 19-10, trên khu vực biển cách Côn Đảo khoảng 115 hải lý về hướng Đông Nam, lực lượng chức năng của Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 đã tiến hành kiểm tra tàu BT-99998-TS sau khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm. Theo lời khai ban đầu của thuyền trưởng Lê Minh Tính (quê tỉnh Cà Mau), tàu này đang vận chuyển khoảng 60.000 lít dầu DO nhưng không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hàng hóa. Các thuyền viên không có giấy tờ tùy thân, chứng chỉ chuyên môn...
Thời gian qua, hàng trăm tàu cá vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) hay tàu cá vận chuyển dầu DO trái phép, vi phạm pháp luật trên biển… đã bị lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam phát hiện, xử lý. Lãnh đạo Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam cho biết kể từ khi Luật Cảnh sát biển Việt Nam đi vào thực tiễn cuộc sống (từ 1-7-2019), lực lượng đã có cơ sở pháp lý vững chắc để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc.
Đồng hành với ngư dân
Với bờ biển dài hơn 3.260 km, hơn 3.000 đảo lớn nhỏ và vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa rộng hơn 1 triệu km2, biển đảo đã mang lại nguồn lợi, đóng góp to lớn vào sự phát triển kinh tế nước ta. Song, cùng với hoạt động ngày càng nhộn nhịp của các ngành kinh tế biển là sự gia tăng tình hình vi phạm, tội phạm trên biển.
Trước diễn biến phức tạp đó, đặc biệt từ khi Luật Cảnh sát biển Việt Nam có hiệu lực thi hành, lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam đã tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát ở các vùng biển trọng điểm; thực hiện đồng bộ các giải pháp để phối hợp có hiệu quả với lực lượng chức năng trong phòng chống tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng hóa trái phép trên biển...
Cảnh sát biển Việt Nam thường xuyên tổ chức tuyên truyền các chính sách pháp luật, đặc biệt là quy định tại Luật Cảnh sát biển Việt Nam, nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành các quy định pháp luật cho ngư dân. Từ đó, giúp người dân thêm hiểu biết về công tác quản lý nhà nước bằng pháp luật trên các vùng biển đảo; sẵn sàng chung sức, chung lòng cùng với lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia trên biển; giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn cho các vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Theo lãnh đạo Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, lực lượng đã tập trung làm tốt nghiệp vụ cơ bản, thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của cảnh sát biển là tuần tra, kiểm soát, thực thi pháp luật trên biển; đấu tranh phòng chống tội phạm, các hành vi vi phạm pháp luật gắn với việc bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Cảnh sát biển đã triệt phá, bắt giữ các đối tượng phạm tội, tổ chức tội phạm quốc tế trên đường biển như cướp biển, tội phạm về ma túy, tội phạm về buôn lậu, gian lận thương mại…
Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam cũng đã xây dựng nhiều kế hoạch triển khai thực hiện toàn diện công tác phòng chống khai thác IUU với nhiều hình thức, nhất là ở các vùng biển giáp ranh. Đặc biệt, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam đã chỉ đạo các đơn vị triển khai công tác tuyên truyền chống khai thác IUU gắn với thực hiện chương trình "Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân" và công tác dân vận "Cảnh sát biển với đồng bào dân tộc, tôn giáo". Các hoạt động này đã góp phần làm chuyển biến nhận thức, nâng cao tinh thần trách nhiệm của ngư dân trong việc tuân thủ pháp luật về đánh bắt, khai thác hải sản.
Tăng cường phối hợp các tỉnh, thành ven biển
Theo Thiếu tướng Bùi Quốc Oai - Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Cảnh sát biển Việt Nam - lực lượng tiếp tục tăng cường hoạt động tuần tra, kiểm soát trên các vùng biển; tăng cường công tác kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật Việt Nam về khai thác thủy sản; nắm chắc tình hình tàu cá vi phạm IUU và triển khai các biện pháp nghiệp vụ tiếp theo sau điều tra cơ bản trên các địa bàn trọng điểm; làm tốt công tác hợp tác quốc tế theo kế hoạch phòng chống khai thác IUU, kịp thời liên hệ phối hợp trong việc giải quyết, xử lý các vụ việc tàu cá Việt Nam bị lực lượng chức năng nước ngoài bắt giữ…
Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam cũng sẽ tăng cường phối hợp với UBND các tỉnh, thành ven biển tổ chức thực hiện tuyên truyền, phổ biến Luật Cảnh sát biển Việt Nam kết hợp phát tờ rơi… nhằm giúp ngư dân nắm chắc phạm vi vùng biển nước ta, tự giác chấp hành pháp luật khi hoạt động trên biển; không có hành vi vi phạm vùng biển nước ngoài đánh bắt hải sản trái phép; nỗ lực chung tay cùng các cấp, các ngành và cả nước tháo gỡ "thẻ vàng" cho xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.
Bình luận (0)