Đã là con dân nước Việt mang trong mình dòng máu Lạc Hồng thì ai trong chúng ta cũng đều có trách nhiệm, nghĩa vụ góp sức mình vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhưng không cần "đao to búa lớn", hãy bắt đầu từ những việc đời thường, cố gắng làm tốt nhất công việc của mình, không vô cảm, thờ ơ với những vấn đề cộng đồng, xã hội là đã góp phần vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.
Chắc hẳn nhiều người còn nhớ vụ việc tàu cá QNg 90617TS của ông Trần Hồng Thọ (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) bị tàu Hải cảnh Trung Quốc đâm chìm ở vùng biển Hoàng Sa vào đầu tháng 4-2022. Mất tàu, gặp vô vàn khó khăn nhưng ông Thọ vẫn kiên trì để bám biển, giữ vững ngư trường truyền thống, tiếp tục cùng những người lính bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Với người nông dân, như ông Nguyễn Văn Mọi, chủ thương hiệu nho Ba Mọi ở Ninh Thuận, mặc dù tuổi cao nhưng ông vẫn luôn say mê nghiên cứu cải tiến kỹ thuật, vừa phát triển kinh tế vừa góp phần vào chính sách an sinh xã hội, tạo việc làm cho lao động địa phương.
Với công nhân trong nhà máy, xí nghiệp, họ không ngừng học hỏi, tích lũy kinh nghiệm nâng cao kỹ năng, tay nghề, tiếp thu công nghệ, nâng cao năng suất lao động góp phần đưa chúng ta vào một mắt xích trong đại công trường công nghiệp thế giới... Đó cũng là góp phần bảo vệ Tổ quốc.
Hay cụ Nguyễn Văn Thái (90 tuổi) ở Hà Tĩnh đóng góp 1 kg gạo, 1 quả bầu, một ít rau xanh và 20.000 đồng để cùng nhà nước chống dịch COVID-19. Một món quà nhỏ nhưng vô cùng ý nghĩa. Khi đất nước gặp khó khăn thì không ai đứng ngoài cuộc, từ trẻ con đến người già.
Nói thế để thấy mỗi người mỗi việc, mỗi nhiệm vụ, đóng góp tùy theo sức mình để cùng nhau xây dựng quê hương đất nước.
Ngư dân Việt Nam kiên trì bám biển, giữ ngư trường và luôn tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước
Chúng ta không thể nào quên sự kiện Gạc Ma năm 1988. 64 anh hùng đã vĩnh viễn nằm lại với biển cả, có những người còn ở độ mười tám đôi mươi, máu các anh tô thắm một vùng biển trở thành trang lịch sử hào hùng, bi tráng. Thương lắm, xót lắm nhưng cũng rất tự hào về một đất nước không lúc nào biết chùn bước, không cúi đầu trước mọi kẻ thù. Thế hệ cha ông đã "lấy thân mình làm cột mốc" để "một lần nữa Tổ quốc được sinh ra" thì thế hệ chúng ta hãy là người giữ vững những cột mốc máu xương đó để biển đảo của Tổ quốc mãi trường tồn.
Đâu phải tự nhiên mà bao máu xương đã đổ, bao nước mắt đã rơi, từ thế hệ này qua thế hệ khác vẫn không hề chùn bước, vì sự nghiệp đấu tranh bảo vệ toàn vẹn chủ quyền, lãnh thổ biển, đảo của đất nước.
Chính vì vậy, với giới trẻ hiện nay, chúng ta hãy bắt đầu làm tốt nhất công việc của mình: Học tập. Hãy cố gắng trau dồi cho mình những kiến thức liên quan đến biển đảo, lịch sử, địa lý… để thêm tự hào, hun đúc thêm lòng tự hào, tự tôn dân tộc. Tri thức và ý thức về bảo vệ chủ quyền được hun đúc trong giới trẻ sẽ làm cho niềm tin với Đảng, với Nhà nước trở thành thành đồng, vách sắt vững chắc, không thể nào công phá.
Trước thời đại công nghệ thông tin phát triển như vũ bão ngày nay, cuộc chiến không chỉ xảy ra trên chiến trường mà còn có cả trên không gian mạng. Bằng chứng rõ ràng là trong những năm gần đây nhiều bộ phim được giới trẻ Việt Nam yêu thích có xuất hiện "đường lưỡi bò" như "gửi thời thanh xuân ấm áp của chúng ta", "bà ngoại trưởng" và gần đây nhất là phim "Em là thành trì doanh lũy của anh". Hình ảnh "đường lưỡi bò" xuất hiện mấy phút ngắn ngủi nhưng đã bị khán giả Việt Nam phát hiện, phản ánh và vụ việc cũng đã nhanh chóng được giải quyết, khắc phục. Ngoài yêu sách "Đường lưỡi bò", bộ phim tài liệu "Nam Hải - Nam Hải" đã tinh vi lồng ghép đưa vào những hình ảnh, tư liệu, chi tiết sai sự thật xuyên tạc về lịch sử biển Đông. Những điều đó là một liều thuốc cảnh tỉnh cho chúng ta. Hãy làm một khán giả biết chọn lọc thông tin, có như thế chúng ta mới góp phần loại bỏ các ấn phẩm độc hại, xuyên tạc lịch sử, xâm hại đến chủ quyền của đất nước!
Không những trên phim ảnh mà các tin, bài trên internet cũng đang có rất nhiều thông tin sai lệch gây hoang mang, làm cho nhiều người có suy nghĩ sai lệch về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước trong vấn đề biển đảo. Nếu chúng ta không đủ tỉnh táo để nhận diện thì rất dễ sa vào "hiệu ứng đám đông" và vô tình tiếp tay cho thế lực thù địch để chống phá chính đất nước mình, Tổ quốc mình. Chính vì vậy, trước khi nghe, đọc, tìm hiểu bất kỳ một thông tin gì trên mạng, chúng ta không vội vàng bàn tán, chia sẻ, bình luận, nghe theo, tiếp tay trước những vấn đề chưa được kiểm chứng, không chính xác gây hoang mang dư luận. Điều cần làm nhất là thật sự bình tĩnh suy xét và tin tưởng tuyệt đối vào Đảng, Nhà nước.
Giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc có mối quan hệ chặt chẽ, gắn bó mật thiết với nhau. Xây dựng đất nước giàu mạnh, kinh tế - xã hội phát triển là để tạo ra tiềm lực và sức mạnh quốc gia, củng cố và phát triển nền quốc phòng toàn dân vững mạnh.
Và bảo vệ Tổ quốc không nhất thiết là phải trực tiếp cầm súng ra tận biển đảo, nhà giàn để chiến đấu. Chúng ta có thể góp sức bằng cách cố gắng làm tốt nhất những việc nhỏ nhất, đời thường nhất mà hằng ngày vẫn đang làm.
Bình luận (0)