Không chỉ có nắng gió, có bão mưa và nguy hiểm rình rập, trên những hòn đảo xa xôi nơi quần đảo Trường Sa (huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hoà) còn có những cổ thụ rất đặc biệt, đã được công nhận là cây di sản Việt Nam. Đó là món quà quý báu, là sợi dây liên kết mà những thế hệ tiền nhân đi mở cõi để lại cho con cháu đời sau.
Trăm năm nơi sóng dữ
Ngày 5-6-2020, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam phối hợp UBND huyện Trường Sa, Lữ đoàn 146, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường tỉnh Khánh Hòa tổ chức lễ công nhận cây di sản Việt Nam cho 4 cây tại các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Đó là 1 cây phong ba trên đảo Song Tử Tây, 12 cây bàng vuông trên đảo Nam Yết, 2 cây mù u trên đảo Sinh Tồn và đảo Sơn Ca. Đây đều là những cây có tuổi đời khoảng 300 năm, gắn liền với lịch sử khai phá, phát triển của người dân Việt Nam trên những đảo này.
Hồ sơ công nhận cây di sản Việt Nam của cơ quan trên cho biết các cổ thụ còn sót lại này được các quan triều Nguyễn (1802 - 1945) trồng. Nhiều nhà sử học cho rằng trong thời gian đầu đặt chân lên đảo, triều đình nhà Nguyễn cho trồng rất nhiều cây với mục đích thu hút các loài chim biển tới trú ngụ, từ đó lấy phân để làm thuốc nổ.
Trải qua hàng trăm năm, những cây xanh cổ thụ còn sống và phát triển ở Trường Sa chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Việc công nhận đó là những cây di sản không chỉ để cho đời sau hiểu rõ hơn về lịch sử khai phá các hòn đảo ngoài Trường Sa mà còn để gìn giữ, nâng niu hơn những điều đang có.
Nếu ai đã từng đi biển hoặc ra những hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa chắc hẳn đều biết rằng sóng gió nơi ngoài xa đại dương luôn khắc nghiệt hơn trong gần đất liền rất nhiều. Cụ thể, cùng một cấp gió nhưng ở đất liền, nó sẽ yếu hơn rất nhiều ngoài biển bởi trong đất liền có nhiều công trình, vật cản đồi núi. Gió cấp 3-4 ở ngoài xa đại dương sẽ mang đến cảm giác mạnh cấp 5-6 trong đất liền. Tương tự, cùng một nhiệt độ nhưng ở ngoài đảo, thời tiết khắc nghiệt hơn. Những tia nắng mặt trời ở đất liền thường bị hấp thụ bớt bởi những vật chất khác, còn ngoài đảo, chúng gần như nguyên vẹn... Đó là những lý do khiến có rất ít loại cây xanh đủ điều kiện để sinh sống tự nhiên ngoài đảo. Ngoài những cây mù u, phong ba, bàng vuông, thông… đến nay, nhiều loại cây không thể trụ vững nơi đảo xa.
Nói vậy để thấy rằng tồn tại tới mấy trăm năm giữa bão gió Trường Sa thực sự là một kỳ tích với những cổ thụ. Điều quan trọng hơn, những cây di sản quý báu này có giá trị đặc biệt về lịch sử, khoa học, văn hóa và cảnh quan; là biểu tượng chủ quyền Việt Nam ở quần đảo Trường Sa.
Cây phong ba trên đảo Song Tử Tây (ảnh trên) và cây mù u trên đảo Sơn Ca được công nhận là cây di sản Việt Nam
Gắn bó đất, cây và con người
Tôi nhớ rõ buổi trưa tới đảo Song Tử Tây trời khá nắng nóng, cộng thêm gió biển thổi vào rát cả mặt nhưng mọi người trong đoàn chúng tôi cảm thấy mát mẻ khi đặt chân lên đảo. Nơi đây hiện nay là một thế giới của rất nhiều loài cây khác nhau. Những cây ở đảo không chỉ giúp mang đến bóng mát, chắn gió, sóng biển mà còn có thể "che mắt" kẻ thù từ xa.
Trong vô vàn cây cối ấy, những chiến sĩ dẫn chúng tôi tới thăm cây phong ba 300 tuổi. Cây có chiều cao chừng hơn 20 m nhưng tán rất rộng, um tùm một góc đảo. Gốc cây có lẽ phải 2 người ôm mới hết.
Trong rất nhiều điều đặc biệt ở Song Tử Tây, có lẽ cây phong ba di sản này là điều đặc biệt nhất. Nó chứng minh cho sự gắn bó giữa đất, cây và con người nơi đây. Bắt đầu được gầy dựng bởi cha ông của nhiều thế hệ đi trước, cây phong ba bền bỉ ở nơi đầu sóng ngọn gió, chứng minh người dân Việt Nam đã đặt chân lên Trường Sa từ rất lâu.
Theo quan sát của tôi, dù không còn khai thác phân chim làm thuốc nổ như thời triều Nguyễn nhưng những cây trên đảo Song Tử Tây hiện có rất nhiều chim. Các cán bộ, chiến sĩ trên đảo bảo rằng mùa mưa bão về, số lượng chim còn nhiều hơn. Thậm chí có những đêm, cả ngàn con chim biển bay về đậu kín các cây trên đảo. Trước những trận bão, chim thường cảm nhận được và tìm tới những hòn đảo giữa mênh mông đại dương trú ngụ.
Nhưng không chỉ có vậy, theo những cán bộ, chiến sĩ trên đảo, để cây phong ba được xanh tốt, phát triển như ngày nay, suốt mấy chục năm qua, mọi người đã bỏ ra nhiều công sức để chăm sóc, bảo vệ. Những đợt bão lớn, cây cũng phải được cắt tỉa cẩn thận nhằm tránh bật gốc. Việc cây ngoài đảo bật gốc thì không lạ mà thực tế đã diễn ra khá thường xuyên. Nhiều trận bão lớn, hàng loạt cây trồng bị gãy đổ, bật gốc khiến việc cán bộ, chiến sĩ trồng lại cây mới sau mùa bão gió đã thành thói quen.
Hai cây mù u di sản trên đảo Sơn Ca và đảo Sinh Tồn cũng rất đặc biệt. Loài cây này có tán rộng nhưng ít nhánh, thấp, gốc to và rễ dài. Nhờ những đặc điểm đó mà cây có thể đứng vững qua mấy trăm năm tới ngày nay. Trên đảo Sinh Tồn, một vài công trình kiến trúc còn được xây gần cây mù u di sản để che chắn bớt bão gió, giúp cây sống thuận lợi hơn.
Thật lòng, đi dưới tán cổ thụ ngoài đảo xa mang đến cho người ta cảm giác yên bình đến lạ lùng. Nó dường như làm dịu đi những bão giông và hiểm nguy nơi đại dương xa xôi vậy...
Bình luận (0)