Ngày 23-3, tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, Học viện Ngoại giao (DAV) và Quỹ Konrad Adenauer Stiftung (KAS) đồng tổ chức Chương trình Đối thoại Biển lần thứ 10 với chủ đề "Năng lượng tái tạo ngoài khơi: Cơ hội và thách thức đối với chuyển đổi xanh". Gần 200 đại biểu đã dự chương trình trực tiếp và trực tuyến, trong đó 16 diễn giả là các chuyên gia uy tín từ 10 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Đối thoại Biển lần thứ 10 gồm 4 phiên với các chủ đề: Năng lượng tái tạo ngoài khơi và địa chính trị; Công ước Luật Biển và năng lượng tái tạo ngoài khơi; Thực tiễn khu vực và quốc tế về năng lượng tái tạo ngoài khơi; Khuyến nghị chính sách về phát triển năng lượng tái tạo ngoài khơi ở Biển Đông.
Các đại biểu thảo luận tại Đối thoại Biển lần thứ 10 với chủ đề "Năng lượng tái tạo ngoài khơi
Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cho rằng trong dài hạn, năng lượng điện gió ngoài khơi sẽ có giá thành rẻ hơn so với các công nghệ dựa trên nhiên liệu hóa thạch hiện nay. Bên cạnh đó, các dạng năng lượng tái tạo ngoài khơi cũng đang trở thành nhân tố không thể thiếu của nền kinh tế biển xanh hiện đại… Tuy nhiên, năng lượng tái tạo vẫn phải đối mặt với thách thức, đại dịch, xung đột, tranh chấp thương mại có thể dẫn tới bất ổn trong thị trường năng lượng và nguy cơ suy giảm đầu tư khi các quốc gia cần tập trung vào các mục tiêu khác cấp thiết hơn.
Việt Nam cam kết tham gia nỗ lực chung của nhân loại thúc đẩy năng lượng sạch, thể hiện qua các cam kết tại COP26 và Thỏa thuận Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP). Việt Nam là thị trường hấp dẫn, hy vọng có thể thu hút sự tham gia và hỗ trợ của các đối tác nước ngoài thông qua đầu tư, công nghệ, tài chính và nâng cao năng lực để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nền kinh tế carbon thấp, có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu.
Điện gió ở Ninh Thuận
Trong bài tham luận với chủ đề "Cân bằng điện năng với lưới điện ASEAN để kết nối năng lượng gió ngoài khơi ở Biển Đông", bà Giulia Cretti, Viện Clingendael (Hà Lan - nghiên cứu viên tại Đơn vị Các vấn đề Toàn cầu và EU của Clingendael), cho rằng khu vực này có tiềm năng năng lượng gió ngoài khơi dồi dào và chưa được khai thác. Khu vực này có thể phục vụ ASEAN trong tham vọng tăng tỉ trọng năng lượng tái tạo lên 23% vào năm 2030.
Phía Việt Nam cho biết có kế hoạch phát triển các dự án điện gió ngoài khơi với tổng công suất lên tới 7 GW vào năm 2030. Trong khi đó, Philippines có kế hoạch phát triển một dự án điện gió 100 MW ngoài khơi tỉnh Batangas.
Nhiều đại biểu cũng cho rằng các chính sách sẽ cho phép sử dụng những công nghệ mới; cơ sở hạ tầng hỗ trợ, lực lượng lao động lành nghề và các ưu đãi tài chính sẽ thúc đẩy lĩnh vực tái tạo phát triển. Những bài học kinh nghiệm từ châu Âu có thể cung cấp những định hướng ban đầu cho các quốc gia đang thực hiện những bước đi đầu tiên. Do đó, mối quan hệ khí hậu - đại dương cần phải trở thành trung tâm của việc hoạch định chính sách hàng hải nhằm làm xanh Biển Đông để biến các vùng ven biển thành nền kinh tế xanh.
Bình luận (0)