Lực lượng Vùng Cảnh sát biển 1 thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam vừa phối hợp với Chi cục Thủy sản 2 tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An tuần tra trên khu vực biển Bắc vịnh Bắc Bộ, dọc đường phân định Việt Nam - Trung Quốc để kiểm tra tình hình chấp hành các quy định về phòng chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU), kết hợp tuyên truyền pháp luật cho ngư dân đánh bắt tại đây.
Hướng dẫn ngư dân tuân thủ pháp luật
Đoàn công tác liên ngành đã kiểm tra kết hợp tuyên truyền pháp luật cho các chủ tàu và hàng trăm ngư dân của hơn 40 tàu cá. Quá trình kiểm tra cho thấy tình trạng tàu cá Việt Nam vượt ranh giới đường phân định vịnh Bắc Bộ, kể cả tàu cá nước ngoài vi phạm vùng biển Việt Nam không xảy ra. Một số tàu cá có nguy cơ vượt đường ranh giới, vi phạm vùng biển nước ngoài đã được đoàn công tác kịp thời ngăn chặn.
Các chiến sĩ Cảnh sát biển xuống tàu tuyên truyền pháp luật cho ngư dân. (Ảnh do Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 cung cấp)
Các chủ tàu, thuyền viên, người làm việc trên tàu tham gia khai thác ở khu vực lân cận đường phân định đã được đoàn công tác liên ngành tuyên truyền các quy định của pháp luật như Luật Thủy sản 2017, đặc biệt là các quy định về phòng chống khai thác IUU.
Bên cạnh việc kiểm tra, nhắc nhở các chủ tàu về các thủ tục, giấy tờ cần thiết khi hoạt động trên biển, trong chuyến công tác này, đoàn liên ngành cũng đã tổ chức phát 200 tờ rơi tuyên truyền IUU và trao tặng cờ Tổ quốc cho ngư dân tham gia khai thác quanh khu vực lân cận vùng biển của 2 nước Việt Nam và Trung Quốc. Qua đó góp phần động viên ngư dân yên tâm bám biển, cùng lực lượng thực thi pháp luật trên biển bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, cũng như nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, không đánh bắt ở vùng biển nước bạn.
Thời gian qua, nhằm tuyên truyền về các quy định IUU cho ngư dân làm ăn trên biển và cụ thể hóa điều 9 Luật Cảnh sát biển Việt Nam 2018, Hải đội 202 thuộc Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 (đóng quân tại huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) cũng đã triển khai toàn diện công tác phòng chống khai thác IUU với nhiều hình thức. Lực lượng của Hải đội 202 trực tiếp xuống các âu tàu, tàu cá để động viên, nhắc nhở, hướng dẫn ngư dân tuân thủ các quy định về đánh bắt, không để xảy ra vi phạm.
Một ngư dân ở cảng Cửa Việt (huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) nói: "Ở đây, tàu nào cũng lắp đặt đầy đủ thiết bị giám sát hành trình theo quy định và bật liên tục trong quá trình hoạt động trên biển. Chúng tôi luôn đánh bắt đúng ngư trường theo giấy phép khai thác đã được cấp, không vượt ranh giới ra khai thác ở vùng biển nước ngoài".
Nỗ lực ngăn chặn vi phạm
Năm năm qua, kể từ ngày Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo "thẻ vàng" đối với ngành thủy sản của Việt Nam (từ ngày 23-10-2017) do vi phạm các quy định về IUU, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương nỗ lực triển khai các biện pháp xử lý vi phạm, cam kết thực hiện đầy đủ các khuyến nghị của EC nhằm phát triển nghề cá bền vững, có trách nhiệm và hội nhập quốc tế.
Trong các các nhóm nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Đề án "Phòng chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định đến năm 2025" được ban hành vào tháng 9-2022, Chính phủ giao các lực lượng thực thi pháp luật trên biển, trong đó có Cảnh sát biển, tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên các vùng biển, đặc biệt là tại các khu vực vùng biển chồng lấn, tranh chấp, chưa phân định để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài; kiên quyết đấu tranh khi lực lượng chức năng nước ngoài kiểm soát, bắt giữ, xử lý trái phép tàu cá, ngư dân Việt Nam.
Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam cho biết từ nay đến cuối năm 2022, lực lượng Cảnh sát biển tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, các cấp, ngành, tỉnh, thành phố ven biển thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng chống khai thác IUU, góp phần duy trì trật tự an toàn, phát triển bền vững kinh tế biển gắn với củng cố quốc phòng, an ninh, quyết tâm thực hiện mục tiêu gỡ "thẻ vàng" IUU.
Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam tích cực, chủ động phối hợp, tham mưu cho các bộ, ngành liên quan xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý, cơ chế, chính sách pháp luật quản lý tàu cá; xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về quản lý, đăng ký tàu cá, giấy phép khai thác hải sản theo khu vực biển; xây dựng, vận hành trung tâm giám sát tàu cá; quy định kích thước tàu, thuyền hoạt động trên các vùng biển; lắp đặt thiết bị giám sát, định vị GPS, thông tin liên lạc ICOM, quy định khai báo trước, trong và sau khi ra khơi… Các biện pháp này nhằm tạo hành lang pháp lý để các lực lượng chức năng kiểm tra, giám sát hoạt động của tàu cá.
Toàn lực lượng Cảnh sát biển nêu cao quyết tâm phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng quản lý, nắm chắc tình hình trên biển, kiểm tra, xác minh thông tin hành trình, phạm vi hoạt động của tàu cá; nỗ lực cùng hệ thống chính trị ngăn chặn, giảm thiểu, tiến tới chấm dứt vi phạm, giữ vững trật tự, an toàn, môi trường hòa bình, ổn định trên biển.
Ngăn chặn kịp thời 7 tàu cá bị phía nước ngoài bắt giữ
Trong 6 tháng đầu năm 2022, lực lượng Cảnh sát biển đã phát hiện, phối hợp với chính quyền địa phương, cơ quan chức năng và lực lượng bảo vệ biển các nước bắt giữ, xử lý 29 vụ, 48 tàu, 326 ngư dân vi phạm IUU; kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính 178 tàu, thu nộp ngân sách nhà nước trên 382 triệu đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu như: thuyền trưởng, máy trưởng không có văn bằng hoặc chứng chỉ theo quy định; không có giấy tờ tùy thân; tháo thiết bị giám sát hành trình tàu cá.
Đặc biệt, lực lượng Cảnh sát biển đã ngăn chặn kịp thời 4 vụ với 7 tàu cá ngư dân Việt Nam bị lực lượng chức năng nước ngoài bắt giữ ở khu vực biển giáp ranh.
Bình luận (0)