Đoàn tàu chúng tôi mới đây đã đến bãi cạn Phúc Nguyên để thả hoa tưởng niệm 11 liệt sĩ hy sinh tại vùng biển DK1. Nơi đây, 24 năm trước - năm 1998, cơn bão Fathes đã nhấn chìm nhà giàn DK1/6 xuống đáy đại dương. Một trong 3 liệt sĩ vĩnh viễn nằm lại ngàn khơi ở nhà giàn này vẫn được nhiều cán bộ, chiến sĩ DK nhắc nhớ như một niềm kiêu hãnh. Đó là chuẩn úy Lê Đức Hồng, người con quê hương xứ Nghệ.
Sau chuyến tuần tiễu trên biển 10 ngày, tôi và trung úy Trương Công Định, nguyên chiến sĩ DK1, đến nhà bà Nguyễn Thị Cháu, mẹ liệt sĩ Lê Đức Hồng. Trung úy Định và chuẩn úy Hồng vừa là bạn thân học chung trường vừa là đồng đội cùng cam cộng khổ trên nhà giàn Phúc Nguyên năm 1998.
Căn nhà nhỏ của bà Nguyễn Thị Cháu nằm gần cuối hẻm 888, đường 30 Tháng 4, phường 11, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Bà Cháu xúc động khi chúng tôi thắp nén hương cho liệt sĩ Hồng. Mắt của bà cụ tuổi ngoài 80 ngấn lệ. 24 năm qua, bà chưa thể nguôi ngoai nỗi đau mất con.
Câu chuyện về liệt sĩ Lê Đức Hồng hy sinh 24 năm trước vẫn vẹn nguyên trong ký ức đồng đội và người thân. Song, có một chi tiết mà mỗi lần nhắc tới, chúng tôi không cầm được nước mắt. Đó là những dòng tâm sự viết cho mẹ chưa kịp gửi về đất liền thì anh đã vĩnh viễn nằm lại biển xanh.
Thư của chuẩn úy Hồng có đoạn: "Thêm một năm nữa con không về đón Tết cùng gia đình. Tết năm nay mẹ đừng buồn nhé. Con chuyển sang quân nhân chuyên nghiệp rồi. Là người lính thì phải biết hy sinh vì Tổ quốc, đúng không mẹ. Mẹ ơi, con của mẹ luôn tự hào, kiêu hãnh. Ở quê mùa đông lạnh lắm, mẹ mặc thêm áo ấm và giữ gìn sức khỏe. Con đi chuyến biển này về, sẽ đưa mẹ vào Vũng Tàu sống cho bớt lạnh…".
Trung úy Định cho biết đó là lá thư chuẩn úy Hồng viết trước lúc hy sinh 3 ngày. "Hồng còn cho em xem thư, rồi bảo: "Tao muốn đưa mẹ vào Vũng Tàu sinh sống. Ngoài quê mùa này rét lắm. Tao thương bà già quá mà chưa làm được gì". Ai ngờ, sau đó Hồng hy sinh..." - anh Định nhớ lại.
Ngoài thư viết gửi về đất liền cho người thân, gia đình, bạn bè, anh Hồng còn viết 2 lá thư cho bạn gái mới quen. Trung úy Định kể: "Hồng còn bảo nếu thành công sẽ khao cả nhà giàn một thùng bia. Ở nhà giàn viết thư chung, thư đến từ đất liền cũng đọc chung. Có khi, mấy thằng "thiết kế" thư cho một đứa. Hồng "xấu tướng" mà lãng mạn lắm. Lúc ra nhà giàn, nó chưa có người yêu. Lần nào tàu về đất liền nó cũng viết thư kết bạn. Bạn gái Hồng cũng người Hà Tĩnh".
Theo trung úy Định, trong nhiều thư kết bạn của chuẩn úy Hồng, có một lá thư anh viết: "Lính nhà giàn bọn anh không có đất, dưới là sóng, trên là trời. Trước biển rộng lớn mới thấy mình cô đơn. Ngày đêm nhớ đất liền lắm. Mình hy vọng nhận được hồi âm nơi ấy nhé". "Lúc Hồng hy sinh, tàu tìm kiếm không thấy thi thể nó mà lại vớt được thư tình..." - anh Định xúc động.
Bà Nguyễn Thị Cháu, mẹ liệt sĩ Lê Đức Hồng
Tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh trên vùng biển DK1
Nhà giàn DK1 mãi mãi trường tồn giữa ngàn khơi Tổ quốc
Bà Nguyễn Thị Cháu đang sống cùng con gái và con rể. Thấy tôi mặc quân phục, chưa kịp giới thiệu, bà vội bước đến nắm chặt tay. Rồi bà nhìn lên tấm ảnh con trai trên bàn thờ. Nước mắt cứ thế chảy dài trên khuôn mặt gầy gò của người mẹ già.
Mời tôi ly nước chè xanh, bà Cháu kể lại: "Năm 1998, Hồng ăn Tết xong rồi đi. Tui giục lấy vợ, nó bảo: "Sau chuyến đi biển ni về, chuyển sang chế độ quân nhân chuyên nghiệp, con sẽ lấy vợ cho mệ". Ai ngờ nó đi mà chẳng về. Hơn 20 năm rồi, tui chẳng quên được nó. Gia đình tui nghèo lại neo đơn. Hồng mất đi, gia đình tui mất một điểm tựa".
Bà Cháu cho biết ngày con trai hy sinh, bà ngất lịm. Chồng bà chỉ biết lẳng lặng nhìn lên bàn thờ. Ông không muốn trên ấy thêm một bát nhang nữa. Ông vẫn hy vọng biển xa sóng lớn, biết đâu con trai mình chỉ "lạc sóng" rồi sẽ lại về. Nhưng điều đau đớn nhất đã đến, đó là ngày ông nhận giấy báo tử của con. Ông ôm tờ giấy báo tử gào khóc. Bà con lối xóm đến chia buồn cũng rơi nước mắt. Ngôi nhà ngói âm dương rêu phong, mảnh sân gạch cũ tràn ngập sự tiếc thương.
Hôm nay, trước hương hồn đồng đội, một lần nữa tôi nghẹn ngào khi nghe câu chuyện kể từ mẹ liệt sĩ. 24 năm qua, bà Cháu luôn đau đáu một phép nhiệm màu - biết đâu anh Hồng trở về, dẫu điều ấy chẳng thể xảy ra. Tiễn khách ra đầu ngõ, bà nắm chặt tay tôi, bảo: "Từ ngày Hồng hy sinh, đêm đêm tôi vẫn mơ thấy nó trở về".
Cũng ngần ấy thời gian, vượt lên trên nỗi nhớ con, người mẹ già tin rằng linh hồn anh đã hóa thành hoa sóng, giữ bình yên cho biển trời Tổ quốc.
Mời tham gia cuộc thi viết "Chủ quyền quốc gia bất khả xâm phạm"
Với mục đích đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức giữ gìn, bảo vệ vững chắc biển đảo nói riêng và lãnh thổ quốc gia Việt Nam nói chung; đồng thời tiếp nối thành công của chương trình "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển", Báo Người Lao Động phát động cuộc thi viết "Chủ quyền quốc gia bất khả xâm phạm" lần 3 năm 2022-2023.
NỘI DUNG, PHẠM VI ĐỀ TÀI
- Phản ánh việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của đất nước, của ngành, của địa phương trong công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, nhất là đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; công cuộc bảo vệ, xây dựng, phân giới, cắm mốc, bảo vệ đường biên giới trên bộ.
- Phản ánh khách quan, sinh động, sâu sắc về đường lối ngoại giao của Việt Nam trong công cuộc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia.
- Tập thể, cá nhân, gương điển hình trong thực thi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo, biên giới, lãnh thổ quốc gia; sự hy sinh, cống hiến của người chiến sĩ hải quân, cảnh sát biển, bộ đội biên phòng... đang ngày đêm canh gác ngoài biển khơi, vùng biên giới.
- Đóng góp của người dân, ngư dân, các phong trào "Ngày biên phòng toàn dân", "Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới"; các mô hình "Kết nghĩa bản - bản", "Xuân biên cương"... cùng các chương trình vận động, tuyên truyền tình đoàn kết, nâng cao ý thức bảo vệ chủ quyền cho nhân dân khu vực biên giới, hải đảo.
- Đề xuất ý tưởng, giải pháp có căn cứ khoa học trong việc tuyên truyền đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, biên giới, lãnh thổ quốc gia; về phát triển kinh tế biển, văn hóa biển, bảo vệ môi trường biển Việt Nam, phát triển kinh tế khu vực biên giới...
THỂ LỆ, YÊU CẦU
- Là bài viết dưới dạng bình luận, bút ký, phóng sự, ký sự, tường thuật, phản ánh, ghi nhanh, bài cảm xúc...
- Mỗi bài dự thi chỉ đăng 1 kỳ, không quá 1.700 chữ; bắt buộc có ít nhất 3 ảnh chụp nhân vật hoặc vấn đề liên quan tình tiết, nội dung bài viết.
- Bài đã gửi tham dự cuộc thi viết "Chủ quyền quốc gia bất khả xâm phạm" lần 3 năm 2022-2023 do Báo Người Lao Động tổ chức thì không được gửi cho nơi khác, cuộc thi khác.
ĐỐI TƯỢNG DỰ THI
- Tất cả công dân Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam và nước ngoài, người nước ngoài đang sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam.
- Thành viên trong Ban Tổ chức, Ban Giám khảo, đơn vị tài trợ và phóng viên, cộng tác viên cơ hữu của Báo Người Lao Động không được tham gia.
THỜI GIAN
- Thời gian nhận tác phẩm từ ngày phát động 23-6-2022 đến 15-5-2023.
- Địa chỉ nhận tác phẩm dự thi:
Tòa soạn Báo Người Lao Động: 123-127 Võ Văn Tần, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP HCM.
Điện thoại: 028.3930 5376 - 0903343439.
Email: chuquyenbiendao@nld.com.vn.
CƠ CẤU GIẢI THƯỞNG DỰ KIẾN
- Giải nhất (1 giải): 50 triệu đồng.
- Giải nhì (1 giải): 30 triệu đồng.
- Giải ba (1 giải): 20 triệu đồng.
- Giải khuyến khích (2 giải): 10 triệu đồng/giải.
Bình luận (0)