"Đồng chí số 1, số 2 trải lưới, ngành thông tin hạ vật cản, ngành hậu cần chuyển bồn rau, radar quan sát mặt biển, cơ yếu chuyển điện báo cáo sở chỉ huy. Tất cả xong trước 9 giờ để máy bay hạ cánh an toàn. Tuyệt đối không được sai sót" - tiếng đại úy Nguyễn Văn Thanh, vị chỉ huy trưởng trẻ nhất trong 15 nhà giàn DK1 đanh thép, giao nhiệm vụ cho các chiến sĩ từ "pháo đài thép" DK1/10.
Tập trung cao độ cho tác chiến
Nhanh như cắt, chiến sĩ thông tin cúi rạp người "luồn" lên cầu thang, rút chốt hạ cột cờ, tháo cần ăng-ten. Các chiến sĩ số 1, số 2 trải lưới, cố định 6 góc vào vị trí.
Cùng thời điểm, thiếu tá chuyên nghiệp Nguyễn Văn Bảy cùng một chiến sĩ trẻ khiêng bồn rau vào kho để "trốn gió", trong khi nhân viên thông tin gọi trong tổ hợp "01 đâu, 01 đâu nghe rõ trả lời". Ở phòng radar, chiến sĩ đối hải mở máy quét mặt biển, nhân viên cơ yếu dịch điện tín ở phòng cơ yếu...
Tám giờ sáng, biển nhà giàn DK1/10 phẳng như mặt gương trải dài xa tít tắp. Đây cũng là thời điểm nhìn được ở cự ly xa nhất, yên bình nhất. Ở góc biển phía trái nhà giàn, từ mặt nước tỏa những làn hơi mỏng. Trắc thủ radar Nguyễn Văn Long nói đó là hơi nước biển mặn. "Hiện tượng nước biển bốc hơi mà mắt thường nhìn thấy rõ ràng như vậy xuất hiện vào ngày biển lặng nhất. Đây cũng là tín hiệu có biển động sau đó. Thông thường hơi nước biển bốc chừng 2-3 ngày, rồi cá heo nổi lên, sau đó là giông tố hoặc biển động mạnh. Thời tiết đẹp, biển êm, thuận lợi cho việc máy bay tập cất hạ cánh. Năm nào chúng tôi cũng đón nhiều máy bay trực thăng từ Trà Nóc ra luyện tập. Đây là nhiệm vụ thường xuyên mỗi năm vào mùa biển lặng" - anh Long nói.
Giờ G điểm. Xé tan bầu trời yên ả là tiếng máy bay trực thăng rền vang. Chiến sĩ tín hiệu đứng đầu cầu thang trượt, báo hiệu sân đỗ an toàn. Chiếc EC 225 lượn một vòng trên không rồi từ từ đáp xuống. Từ trong buồng lái, thiếu tá Nguyễn Hải Triều, phi đội trưởng, nói to trong tiếng quạt gió: "Hạ cánh an toàn. Xin chào đồng đội nhé".
Thiếu tá Triều cho biết việc luyện tập cất, hạ cánh ở nhà giàn rất khó. Ngoài kỹ năng, trình độ, bản lĩnh, tinh thần thép, mỗi phi công phải có linh cảm tốt mới hạ đúng vị trí. Có khi bay tốt nhưng hạ lệch tâm cũng không đạt yêu cầu hoặc lúc cất cánh nếu để máy bay "đánh võng" thì rất nguy hiểm. "Không có gì có thể nói trước được khi làm nhiệm vụ bay biển. Nhiều khi thời tiết báo biển lặng, sóng yên nhưng khi bay được nửa chặng đường bỗng dưng nổi gió lớn, trời mưa, không hạ cánh được đành bay lòng vòng trên trời. Do đó, nhiệm vụ của phi công là phải tập trung cao độ, phối hợp nhịp nhàng với ê-kíp mặt đất để hạ cánh an toàn, không để bánh máy bay trật khỏi lưới chống trượt" - thiếu tá Triều chia sẻ.
Đại úy Nguyễn Văn Thanh nói để bảo đảm an toàn cho máy bay cất hạ cánh, việc trải lưới chống trượt là quan trọng nhất. Nếu trải lưới chống trượt nhưng cố định không chắc các góc, sẽ gây nguy hiểm cho máy bay. Bởi khi máy bay hạ cánh, gia tốc trượt theo, nhờ lưới ô vuông sẽ giữ bánh máy bay lại. Sức gió của cánh quạt rất lớn, nên khi cất, hạ cánh, chúng tôi đều phải tránh xa, không đứng trên trần nhà. Đây là quy định bộ đội ai cũng nắm được".
Bộ đội nhà giàn DK1/10 đón máy bay trực thăng ra luyện tập
Tàu cá của ngư dân miền Tây cập nhà giàn DK1/10
Nghĩa tình cao hơn sóng biển
Nhà giàn DK1/10 xây dựng cuối năm 1994 trên bãi cạn san hô ngầm ngoài khơi thuộc địa giới quản lý hành chính của tỉnh Cà Mau. Nhà giàn này cách Vũng Tàu gần 600 hải lý nhưng chỉ cách Mũi Cà Mau gần 200 hải lý.
So với 14 nhà giàn ở các bãi cạn Tư Chính, Phúc Nguyên, Quế Đường, Huyền Trân, Ba Kè..., nhà giàn DK1/10 đóng quân ở vị trí đặc biệt, giáp ranh với vùng biển Malaysia và vùng biển Philippines. Đây là vùng biển thường xuyên có yếu tố bất ổn định, tàu thuyền đi lại nhiều, đặc biệt có cướp biển, người nhái. Bởi vậy, cán bộ chiến sĩ làm nhiệm vụ ở nhà giàn này phải có bản lĩnh kiên cường, sự chịu đựng gian khổ và sẵn sàng hy sinh hạnh phúc riêng tư.
Đặc biệt, từ ngày thành lập đến nay, DK1/10 luôn là điểm tựa cho tàu cá của ngư dân các tỉnh miền Tây Nam Bộ ra khơi đánh bắt thủy hải sản.
Hằng năm, nhà giàn DK1/10 tổ chức cứu chữa, cấp thuốc miễn phí, hỗ trợ nước sạch, muối ăn cho ngư dân của hàng trăm tàu cá. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2020, cán bộ chiến sĩ DK1/10 đã cấp cứu 5 ngư dân gặp nạn trên biển; hỗ trợ hơn 4 khối nước ngọt, 100 kg muối, dầu ăn, sữa, đường cho 5 lượt tàu cá. Vụ cứu ngư dân gần đây nhất là sáng 18-4, cán bộ chiến sĩ đã cấp cứu ngư dân Trương Đình Hiệp (43 tuổi) bị trĩ nặng và ngư dân Lê Văn Nguyên (63 tuổi) có dấu hiệu đột quỵ khi đang đánh bắt trên biển. Cả hai ngư dân làm việc trên tàu cá Kiên Giang số hiệu 94130TS do ông Lê Văn Nô (quê ở Kiên Giang) làm tài công.
Thượng úy Chính trị viên Trần Khánh Nhật khẳng định nhiều năm qua, DK1/10 là nhà giàn đoạt "thương hiệu 3 mạnh": mạnh về phòng thủ sẵn sàng chiến đấu; mạnh về công tác dân vận; mạnh về cảnh quan môi trường, chăm sóc sức khỏe bộ đội. Trong đó "cứu dân, cùng ngư dân giữ vững môi trường hòa bình trên biển" là tiêu chí hàng đầu trong công tác dân vận.
"Mỗi khi nhận được tín hiệu cấp cứu, nhà giàn nhanh chóng triển khai phương án cứu chữa. Việc cứu giúp bà con ngư dân là mệnh lệnh xuất phát từ tình người, từ trái tim. Ở giữa biển khơi, chỉ có sự cứu giúp mới hiểu được tình người cao cả nhường nào" - thượng úy Nhật nói.
Đại úy Nguyễn Văn Thanh nói rằng với cán bộ, chiến sĩ nhà giàn, tình quân dân cao hơn sóng biển. "Ở nơi "chân trời" Tổ quốc, cán bộ chiến sĩ DK1/10 ngày đêm gồng mình với khí hậu khắc nghiệt và căng thẳng theo dõi những con tàu "không mời mà đến". Dù khó khăn gian khổ thiếu thốn bộn bề, chúng tôi phải cố gắng vượt qua để canh giữ bình yên cho vùng trời, vùng biển của Tổ quốc, hỗ trợ bà con ngư dân vươn khơi bám biển" - đại úy Thanh bày tỏ.
Chuyện tình DK
Năm năm trước - mùa thu 2015, thượng úy Võ Quang Thường, Phó Chỉ huy trưởng DK1/10, thương thầm cô thiếu nữ An Giang sau sự việc cứu bố cô gái bị cá thu cờ (cá cờ lá) đâm bị thương giữa biển.
Chiều hôm ấy, trong khi cán bộ chiến sĩ nhà giàn vừa ngồi vào mâm cơm chiều thì máy I-com báo có một ngư dân của tàu cá An Giang bị cá thu cờ đâm thấu đùi, gây sốt và nguy cơ hoại tử. Ngư dân ấy là ông Phạm Văn Bé, 53 tuổi. Sau khi đón ngư dân gặp nạn, y sĩ nhà giàn đã mổ, gắp đầu nhọn của mõm cá thu cờ ra khỏi đùi, sát khuẩn, băng bó, truyền dịch. Sau 3 ngày điều trị, sức khỏe ông Bé hồi phục. Hôm chia tay để về đất liền, ông Bé đưa cho thượng úy Thường tấm ảnh con gái ông, rồi khoe: "Nó thích bộ đội hải quân lắm. Tui cũng muốn có rể hải quân, anh làm con rể tui được không?". Chàng lính nhà giàn gãi tai xin số điện thoại và bảo: "Cháu sẽ về An Giang...".
Sau 12 tháng làm bạn biển khơi, Thường về đất liền rồi bắt xe đò về An Giang tìm cô gái trong ảnh. Họ quen nhau rồi yêu nhau từ đó. Hiện chàng lính nhà giàn đang học ở Học viện Hải quân Nha Trang, còn cô gái làm ở ngành du lịch tại tỉnh Cà Mau. Thường nói: "Cuối năm em làm đám cưới. Em sẽ làm rể miền Tây và tiếp tục đi nhà giàn DK1".
Bình luận (0)