Trong lịch sử, Việt Nam đã phải trải qua nhiều cuộc chiến tranh chống ngoại xâm. Phần lớn thư tịch cổ quốc gia trong các giai đoạn đó đã bị quân xâm lược tiêu hủy với mục tiêu xóa sạch văn hóa Việt để dễ bề đồng hóa. Tuy nhiên, chỉ với những tài liệu chính sử còn lại đến nay cũng đủ để chứng minh người Việt Nam đã có chủ quyền lịch sử từ rất lâu đời trên 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, hoàn toàn phù hợp với tập quán cũng như luật pháp quốc tế về việc xác lập và khẳng định chủ quyền lãnh thổ.
Cảnh sát biển Việt Nam thực thi nhiệm vụ trên biển (Ảnh tư liệu)
Nhiều năm qua, nhất là trong thời gian gần đây, Trung Quốc thể hiện rõ mưu đồ độc quyền kiểm soát biển Đông bằng việc đẩy mạnh các hoạt động xây dựng, cải tạo bồi đắp đảo trái phép; đưa tàu chiến, phương tiện, vũ khí quân sự ra Hoàng Sa, Trường Sa; thường xuyên diễn tập phô trương sức mạnh quân sự trên biển Đông… Những hành động phi pháp của Trung Quốc làm phức tạp tình hình, đe dọa đến độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.
Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích quốc gia - dân tộc là chủ trương chiến lược nhất quán của Đảng, Nhà nước. Trên cơ sở đó, nhằm góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo trong tình hình mới hiện nay, tôi xin đề xuất một số giải pháp.
Một là, tăng cường công tác giáo dục chính trị - tư tưởng, nâng cao nhận thức trách nhiệm cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân về nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Theo đó, tập trung giáo dục chủ trương, quan điểm của Đảng về chiến lược biển, chiến lược bảo vệ Tổ quốc; Luật Biển; các chính sách, pháp luật của nhà nước về biển, đảo.
Hai là, phát huy vai trò, trách nhiệm của hệ thống chính trị nhằm huy động sức mạnh toàn dân cho sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Để thực hiện giải pháp này, trước hết cần tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Đảng phải luôn giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc, quyền tự quyết của một quốc gia có chủ quyền và vì lợi ích, nguyện vọng tha thiết ngàn đời của dân tộc để xây dựng quan điểm, hoạch định chủ trương đấu tranh khôn khéo nhằm bảo vệ bằng được chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Ba là, xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh, làm nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Cụ thể là không ngừng nâng cao chất lượng huấn luyện bộ đội, công an, dân quân tự vệ, dự bị động viên. Tiếp tục xây dựng quân đội nhân dân, công an nhân dân theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Tăng cường diễn tập, tuần tra chung của lực lượng vũ trang trong nước; tăng cường giao lưu, diễn tập hải quân, cảnh sát biển, biên phòng với các nước trong khu vực để tăng cường hiểu biết, chia sẻ kinh nghiệm, thắt chặt đoàn kết, tạo môi trường hòa bình trong khu vực…
Bốn là, tăng cường đấu tranh ngoại giao và pháp lý để góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Để hiện thực giải pháp này, cần quán triệt sâu sắc đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại. Tăng cường công tác đối ngoại quốc phòng, tham gia có hiệu quả các cơ chế hợp tác trong khuôn khổ diễn đàn ARF, ADMM, ADMM+, đối thoại cấp cao Đông Á (EAS)… nhằm tăng cường xây dựng lòng tin chiến lược, sự tin cậy về chính trị, hạn chế xung đột. Tích cực, chủ động tìm kiếm, sưu tầm tài liệu, chứng cứ pháp lý, lịch sử; hoàn thiện hệ thống luật pháp về biển, đảo, nhất là sau khi Tòa Trọng tài quốc tế (PCA) có phán quyết về "đường 9 đoạn" phi pháp của Trung Quốc, tạo điều kiện để đấu tranh pháp lý thuận lợi.
Để bảo vệ chủ quyền biển đảo, mỗi chúng ta cần nghiên cứu và nhận thức sâu sắc về ý nghĩa thiêng liêng chủ quyền biển, đảo và giá trị to lớn chủ quyền mà ông cha ta đã đổ xương máu để xây dựng; không ngừng tu dưỡng phẩm chất người Việt Nam mới, tích cực tham gia xây dựng đất nước giàu mạnh, có định hướng lý tưởng yêu nước và đoàn kết để tạo nên sức mạnh bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Bên cạnh đó, mỗi người chúng ta cần sẵn sàng chuẩn bị tinh thần tham gia trực tiếp vào công cuộc giữ gìn biển, đảo quê hương bằng tất cả những gì mình có thể.
Thực tế cho thấy bảo vệ chủ quyền, an ninh biển, đảo không chỉ trông cậy vào các lực lượng chuyên trách, vấn đề có tính quyết định là phải xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân trên biển. Bằng tất cả lòng yêu nước, bằng những việc làm và hành động thiết thực, mỗi chúng ta hãy góp sức mình để cùng Đảng, Nhà nước kiên trì đấu tranh, thực hiện thắng lợi sự nghiệp bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích quốc gia - dân tộc.
Thi viết về biển đảo
Cuộc thi viết "Chủ quyền biển đảo bất khả xâm phạm" năm 2020-2021 do Báo Người Lao Động tổ chức diễn ra từ ngày 1-8-2020 đến hết ngày 15-5-2021. Lễ trao giải dự kiến tổ chức vào ngày 1-6-2021, gồm 1 giải nhất 50 triệu đồng, 1 giải nhì 30 triệu đồng, 1 giải ba 20 triệu đồng và 2 giải khuyến khích, mỗi giải 10 triệu đồng.
Tác phẩm dự thi gửi về Báo Người Lao Động - 127 Võ Văn Tần, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP HCM; email: chuquyenbiendao@nld.com.vn.
Bình luận (0)