Một trong 4 cổ thụ được Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) tổ chức trao bằng công nhận "Cây di sản Việt Nam ở Trường Sa" là cây phong ba trên đảo Song Tử Tây. Cây phong ba này đến nay đã gần 300 tuổi, rất vững chãi, cao đến 25 m, chu vi thân 3,8 m, tán rộng 35 m.
Dấu ấn của người Việt trên biển
Theo trung tá Nguyễn Viết Chức, nguyên thuyền trưởng tàu HQ 07 - người được coi là "trang sử sống" của Trường Sa, vào thế kỷ XVII, khi những ngư dân Việt xuất hiện ở các "doi cát vàng" giữa đại dương thì đã có những cây phong ba, bão táp ở đó. "Đây là loài cây có sức sống mãnh liệt, chịu đựng được nước biển mặn, khí hậu hanh khô, chịu được cả bão tố quăng quật" - trung tá Nguyễn Viết Chức cho biết.
Theo cựu binh này, những cây phong ba ấy không phải do ngư dân người Việt trồng mà mọc tự nhiên ở triền đảo. Khi triều đình nhà Nguyễn cho người ra Trường Sa đánh bắt thủy hải sản thì đã có nhiều cây mọc ở đảo, chủ yếu là bàng vuông, phong ba và mù u. Mặc dù thời tiết, khí hậu vô cùng khắc nghiệt, nhất là độ mặn của nước biển và sự tàn phá của thiên nhiên, song kỳ diệu thay, những cây phong ba vẫn vươn dài trong nắng gió. Biết đây là loài cây có sức sống mãnh liệt, những ngư dân lúc đó đã chăm sóc và bảo tồn ở "quần đảo bão tố" này.
Giải thích tại sao gọi là "quần đảo bão tố", ông Nguyễn Viết Chức cho biết 21 đảo, điểm đảo trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam nằm tự nhiên trên các bãi san hô ngầm và thường xuyên có sự tác động mãnh liệt của thiên nhiên. Các đảo nằm gọn trong "múi biển" thường xuyên có bão tố đi qua hoặc hình thành gió lốc từ lòng biển. "Gọi là "quần đảo bão tố" là muốn nói đến sự khắc nghiệt của thời tiết, sự trường tồn của các loài cây xanh và tinh thần làm chủ cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ Trường Sa" - ông nhấn mạnh.
Cán bộ, chiến sĩ dưới tán cây mù u di sản ở đảo Sơn Ca thuộc quần đảo Trường Sa
Một cổ thụ khác ở Trường Sa được công nhận cây di sản là cây mù u trên đảo Sơn Ca. Cây này đến nay đã trên 300 tuổi. Khác với các đảo nổi, đảo chìm khác, Sơn Ca là đảo duy nhất được phát hiện có mạch nước ngọt sớm nhất sau ngày giải phóng. Sơn Ca cũng là đảo có lớp mùn đất dày nhất, chim muông và cây xanh nhiều nhất.
Trung tá Hoàng Đức Chiến, Chính trị viên đảo Sơn Ca, cho biết đảo này hiện có trên 3.000 cây lâu năm như: bàng vuông, tra, mù u, dừa… Ông bày tỏ: "Việc công nhận cây mù u ở đảo Sơn Ca là cây di sản không chỉ mang ý nghĩa trong việc bảo tồn thiên nhiên mà còn khẳng định sự có mặt từ rất sớm của người Việt trên đảo này. Sau ngày giải phóng, Sơn Ca có thêm hàng ngàn cây xanh được nhân giống và mang ra trồng từ đất liền".
Hai cổ thụ được công nhận là cây di sản Việt Nam tiếp theo ở quần đảo Trường Sa là cây bàng quả vuông trên đảo Nam Yết và cây mù u trên đảo Sinh Tồn. Trong đó, cây mù u đã gần 100 tuổi, còn cây bàng vuông khoảng 300 tuổi.
Khẳng định chủ quyền Tổ quốc
Theo GS-TS Phạm Ngọc Đăng, Phó Chủ tịch VACNE, tính đến thời điểm này, tỉnh Khánh Hòa có tổng cộng 19 cây di sản, trong đó 15 cây trên đất liền và 4 cây ở quần đảo Trường Sa.
GS-TS Phạm Ngọc Đăng nhìn nhận: "Cả bốn cây được công nhận di sản đều là những cây thân gỗ cổ thụ, tồn tại lâu đời và có giá trị lớn về văn hóa, giáo dục, lịch sử, xã hội, sinh thái, du lịch, được pháp luật cũng như cộng đồng công nhận và bảo vệ. Việc công nhận 4 cây di sản ở Trường Sa là nhằm giữ gìn truyền thống lịch sử, văn hóa quốc gia, bảo vệ đa dạng sinh học và môi trường Việt Nam. Đặc biệt, phong ba và bàng vuông luôn được coi như loài cây đặc chủng của vùng biển đảo ở Việt Nam".
Trường Sa là mảnh đất đặc biệt của Việt Nam, đã trải qua nhiều thăng trầm trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, gắn liền và đồng hành với sự phát triển của dân tộc. Từ thế kỷ XVII, ở "bãi cát vàng" ấy đã có dấu chân của ngư dân ta ra đánh bắt hải sản và gìn giữ chủ quyền. Bốn cây được công nhận di sản ở Trường Sa đã hiện diện từ thủa ấy. Đây là sự minh chứng rằng quần đảo Trường Sa là của Việt Nam, được người Việt bảo vệ, lưu giữ và phát triển theo quy luật tồn tại của một đất nước có chủ quyền.
Cây tâm tình
Cây bàng vuông di sản ở đảo Nam Yết còn có tên gọi khác là "cây tâm tình". Thiếu úy Trần Văn Lợi, đang công tác tại đảo Nam Yết, giải thích: Vào thứ bảy, chủ nhật hằng tuần, gốc cây này là "điểm hẹn tâm tình" của bộ đội - họ ngồi "chat" với đất liền. Mỗi khi có khách từ đất liền ra thăm, dưới tán cây bàng vuông bao giờ cũng có những "cặp tình nhân" sẻ chia tâm sự. Cây này còn chứng kiến giọt nước mắt xúc động của những người lính trẻ phút chia tay hoàn thành nhiệm vụ trở về đất liền.
Bình luận (0)