xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Giúp dân giàu lên từ biển

Nguyễn Thị Minh (Trung tâm Lưu trữ tỉnh Bắc Ninh)

Nước ta có 28 tỉnh, TP giáp biển nhưng kinh tế biển chưa phải là nền kinh tế chủ lực, chưa đủ lớn mạnh để người dân thực sự giàu lên từ biển

Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế biển nhưng trong những năm qua, chúng ta chưa biến đây thành nguồn kinh tế chủ lực của đất nước.

Bỏ nghề biển, ly hương

Đã từ lâu, diêm dân một số tỉnh miền Trung gặp khó khăn trong việc sản xuất và tiêu thụ muối. Nhiều người vẫn cứ lam lũ, đằm mình trong nắng cháy bên những ruộng muối bạc trắng, vất vả lo toan cho cuộc sống.

Ở Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, tỉnh Quảng Bình, khá đông nhân viên lái xe đưa đón khách du lịch là nữ giới. Họ cho biết bản thân ở lại bên gia đình để làm việc với mức lương đủ sống, trong khi nhiều đàn ông, những người chồng đã rời quê hương đến các thành phố để tìm việc làm khác.

Ở Quảng Bình cũng như nhiều tỉnh ven biển, đa phần thanh niên không muốn gắn bó với nghề biển. Họ chuyển sang làm đầu mối thu gom hải sản hoặc di cư lao động. Tỉnh Quảng Bình có bờ biển dài tới gần 130 km nhưng từ Quảng Trạch, Bố Trạch đến Lệ Thủy... vẫn thấy nhiều nhà cửa thấp bé, dân cư thưa vắng.

Dọc các tỉnh, TP duyên hải miền Trung, cuộc sống của nhiều người dân miền biển vẫn còn nghèo. Đà Nẵng là địa phương phát triển kinh tế biển tốt nhất nhưng đáng tiếc, TP này chỉ có đường biển dài chưa đến 40 km. Đà Nẵng cùng với TP HCM là 2 địa phương có đường bờ biển ngắn nhất trong tổng số 28 tỉnh, TP ven biển.

Ra khỏi quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng mới thấy nguồn lực kinh tế biển chưa đủ mạnh để kéo đỡ cuộc sống người dân. Các huyện giáp biển của tỉnh Quảng Nam đều có những bãi tắm, làng chài truyền thống nhưng tất cả đều chưa phát triển lớn mạnh. Nếu kinh tế biển tạo ra được nhiều việc làm và nguồn thu ổn định thì sẽ gánh đỡ được cho toàn bộ cư dân ở các huyện miền núi phía Tây Quảng Nam vốn chưa khởi sắc.

Các điểm du lịch ở TP Đà Nẵng và TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) đã thu hút được một lực lượng lao động lớn từ các tỉnh ven biển miền Trung về đây nhưng chưa đủ sức để bao dung mọi người. Do vậy, nhiều lao động vẫn phải ly hương để vào TP HCM làm ăn và lập nghiệp.

Chưa dựa vào biển để phát triển

Đến mùa hè, những bãi tắm Hải Thịnh, Quất Lâm ở tỉnh Nam Định vẫn vắng khách. Nguyên nhân là vì biển ở đây nước đục và độ sâu lớn. Dù tỉnh có nhiều di tích và các điểm tham quan hấp dẫn nhưng lại chưa kết nối được thành một chuỗi dịch vụ chuyên nghiệp để thu hút du khách. Có lẽ do đặc tính của vùng biển này mà nguồn hải sản tự nhiên cũng rất ít ỏi, chưa đủ phục vụ nhu cầu của người dân sở tại.

Nam Định vốn là một tỉnh giàu có và phát triển vào những năm 1980 - 1990 nhờ có nhà máy dệt khổng lồ. Dù đường biển khá dài nhưng kinh tế biển chưa bao giờ là nguồn lợi chính trong thu nhập của người dân địa phương. Trải qua một thời gian chuyển mình trong thời kỳ hội nhập kinh tế, đến nay, quê hương của nhà Trần lại giàu lên nhờ kinh tế công nghiệp khi có các doanh nghiệp của Nhật Bản, Hàn Quốc.

Giúp dân giàu lên từ biển - Ảnh 1.

Ngư dân tỉnh Quảng Nam đánh bắt thủy sản trên biểnẢnh: TRẦN THƯỜNG

Tương tự là "hàng xóm" Thái Bình, dù có biển Đồng Châu, Cồn Đen, Cồn Vành đẹp như tranh vẽ nhưng lại thiếu sự quan tâm đầu tư đồng bộ nên những khu vực này nay vẫn còn hoang sơ. Ngoài tiềm lực là những cánh đồng lúa lớn nhất đồng bằng sông Hồng, quê hương 5 tấn còn phải thu hút thêm sự đầu tư từ các nhà máy Trung Quốc và Đài Loan - Trung Quốc để làm giàu cho tỉnh thuần nông này.

Nhiều người đi du lịch ở tỉnh Bình Định, khi về đều ghé qua chợ trung tâm TP Quy Nhơn để mua một vài đặc sản từ vùng biển Nam Trung Bộ. Những chợ dân sinh lớn nhỏ đều bạt ngàn tôm cá với chủng loại phong phú. Hải sản ngon, nhiều và rẻ, thứ gì cũng muốn mua về. Giá như ngành công thương phát triển hơn thì con đường thương mại trong nước sẽ rất thuận lợi. Lúc đó, hải sản ở đây sẽ được chuyển lên cho bà con vùng núi Tây Nguyên và Tây Bắc, chia sẻ thêm với người dân ở đồng bằng sông Hồng không phải ăn thịt heo giá đắt mà không còn nguồn thực phẩm nào để lựa chọn.

Thông thương hải sản trong nước vừa giúp cải thiện chất lượng bữa ăn gia đình vừa tăng thu nhập cho ngư dân, tránh cảnh ép giá, nơi thì thừa, nơi thì thiếu nhưng lợi nhuận lại rơi nhiều vào túi của thương nhân. Ở đâu cũng thế, ngư dân vốn đã vất vả với mỗi chuyến ra khơi lại gặp khó khăn để tìm đầu ra, trong khi ở nhiều nơi, người dân không được ăn hải sản vì giá quá đắt.

Phải tận dụng thế mạnh

Nước ta có bờ biển dài hơn 3.260 km, trải dài từ Bắc tới Nam và hơn 3.000 hòn đảo lớn nhỏ, nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế biển tổng hợp. Cha ông ta bao đời nay vẫn kiên cường bám biển, đổ xương máu hy sinh để giữ vững chủ quyền biển, đảo vì đó là tài nguyên, là nguồn sống để làm giàu cho đất nước.

Nguồn lợi từ biển là rất to lớn và đúng ra phải là nguồn lực kinh tế chính của quốc gia. Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa khai thác được tối đa tiềm năng mà thiên nhiên đã ban tặng. Hơn thế, dù với 28 tỉnh, TP giáp biển nhưng kinh tế biển chưa phải là nền kinh tế chủ lực của nước ta, chưa đủ lớn mạnh để người dân thực sự giàu lên từ biển.

Ở miền Bắc, trừ số ít các địa phương có kinh tế biển phát triển như Quảng Ninh, Hải Phòng thì còn lại đều vẫn đang ở mức chậm phát triển. Ở miền Nam, kinh tế biển phát triển hơn nhưng vẫn chưa phát huy hết nguồn lực to lớn như khai thác và nuôi trồng hải sản, các cảng biển và khu du lịch lớn. Tại miền Trung, dải đất dài ven biển này tuy có rất nhiều thế mạnh nhưng thiên nhiên khắc nghiệt và nhiều thiên tai nên còn nhiều khó khăn.

Dân phải giàu, nước phải mạnh và phát triển bền vững kinh tế biển phải gắn liền với bảo vệ chủ quyền là điều mà chúng ta hằng mong muốn. Và muốn làm được điều này, chúng ta cần có tư duy quản lý mới, chiến lược mới để khai thác hiệu quả các nguồn lực kinh tế biển. 

Sớm đưa nội dung phát triển kinh tế biển vào thực tiễn

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh. Để sớm đưa nội dung phát triển kinh tế biển được nêu trong nghị quyết vào thực tiễn, cần nắm rõ các chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển kinh tế biển 10 năm tới; đánh giá đúng tình hình triển khai, thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Từ đó, có những đề xuất, kiến nghị nhằm hiện thực hóa Nghị quyết của Đảng về phát triển kinh tế biển.

G.Nguyên

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo