Câu hát "Chân trời rất xanh gọi nắng xôn xao/Con thuyền rất vui và gió hát ngọt ngào" (lời bài "Biển hát chiều nay" của Hồng Đăng)... ngân vang trong gió khi tôi vừa tan ca trực sáng, làm trái tim tôi thổn thức khôn nguôi.
Biển vẫn hát dịu dàng từ ngàn đời nay và càng gắn bó với biển bao nhiêu, tôi lại càng thêm yêu vẻ tĩnh lặng của những làn nước xanh mênh mông ấy bấy nhiêu. Để ngày hôm nay, tôi thật vinh dự được mang trên mình bộ quân phục mà tôi hằng mơ ước, cùng với các đồng đội thân yêu gìn giữ biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Các chiến sĩ Cảnh sát biển trong một lần cứu nạn cho nhân dân trên đảo
Quê tôi là một vùng quê nhỏ bình yên ven biển miền Trung, nơi những con sóng ngày đêm vỗ bờ. Biển nuôi chúng tôi lớn lên. Qua bao thăng trầm, qua bao kiếp đời, biển vẫn mang đến những ngày bình yên, những khát vọng cho tuổi thơ chúng tôi.
Lớn thêm một chút, gia đình chúng tôi rời biển, theo mẹ trở về thành thị. Sự ồn ào của phố thị làm tôi nhanh chóng quên đi cái tĩnh lặng của biển. Tôi không còn được ra biển mỗi ngày, không còn được chứng kiến những mẻ cá nặng trĩu. Tôi đã quên mất mùi biển mặn mòi, từng xem như một phần không thể thiếu trong cuộc sống của mình. Tôi lớn lên trong sự đủ đầy mà quên mất những ngư dân vẫn lầm lũi bám biển, quên mất những con thuyền nằm yên trên bến đỗ.
Rồi một ngày trời trở gió, ai đó mang theo mùi biển mặn vào khu tôi ở, làm tôi da diết một nỗi nhớ xưa cũ. Có cái gì đó quá thân quen mà vì cuộc sống vồn vã mỗi ngày tôi đã đánh mất. Rồi tôi hối hả đi tìm. Biển vẫn lặng lẽ ở đó, vẫn hát ru tôi mỗi khi tôi vui buồn, vẫn đem đến cho tôi những rộn rã và hy vọng nhiều không kể xiết mà tôi đã đánh mất. Và tôi biết, có lẽ hương vị mặn mòi đó sẽ còn bên cạnh tôi cho tới khi những hơi thở trong tôi vẫn còn tha thiết.
Tôi trăn trở với chính mình về những lý tưởng về tương lai. Có lẽ biển đã mang đến cho tôi nhiều hơn những ưu ái, bởi tôi có cha, một người lính biển mà tôi vô cùng yêu mến. Cha vẫn thường kể cho chúng tôi về những điều kỳ diệu của biển khơi, về công việc theo dấu con tàu và những mùa gió nơi cha đã đi qua với biết bao vui buồn của người lính. Cha giúp tôi vẽ ước mơ của mình.
Khi còn nhỏ, tôi ngưỡng mộ và thần tượng cha. Mỗi khi thấy cha mặc bộ quân phục của người lính biển, tôi ước một ngày nào đó sẽ khoác lên mình bộ quân phục ấy. Tôi luôn mong ngóng những ngày phép ít ỏi của cha để được khoác chiếc áo quân phục rộng thùng thình lên người và nghe những câu chuyện nơi biển đảo xa xôi. Hơn ai hết, cha tôi luôn luôn ủng hộ cho những đam mê, những khát khao của tôi. Cha muốn tôi sống một cuộc đời ý nghĩa và giúp ích được cho đời. Vì vậy, tôi luôn đau đáu một nỗi niềm, không ngừng học hỏi nhiều hơn để chuẩn bị cho mình thật nhiều kiến thức. Thật hạnh phúc vì sau bao ngày đèn sách vất vả, công lao của tôi được đền đáp xứng đáng khi nhận được giấy báo trúng tuyển vào ngôi trường đại học mà mình hằng ao ước. Vậy là tôi có thể thực hiện giấc mơ của mình, tiếp nối cha bảo vệ vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc. Tôi luôn ý thức rằng "đi bất cứ đâu Tổ quốc cần", để tiếp nối truyền thống anh dũng của thế hệ những người lính trung kiên, trong đó có cha mình.
Kiểm tra tàu buôn lậu nước ngoài
Những ngày đầu đi học ở ngôi trường mới, biết thêm nhiều thông tin thú vị về biển đảo Việt Nam, tôi càng say mê học hỏi. Ngôi trường với những người thầy tận tụy tâm huyết, với bề dày lịch sử hào hùng, đã từng bước chỉ dẫn tôi trên con đường trở thành một người lính biển, như những ngọn hải đăng mãi soi sáng cho những con thuyền nhỏ ngoài khơi xa. Ở nơi ấy, tôi được chắp cánh vươn cao như những cánh buồm căng gặp gió lộng, đã cho tôi tâm thế vững vàng để đương đầu với những ngọn sóng cao, những cơn bão lớn để sẵn sàng cho sự nghiệp bảo vệ đất mẹ cùng những đồng đội thân yêu của mình.
Cảm xúc vui mừng khó tả khi tốt nghiệp ra trường, tôi được biên chế về tàu tuần tra của Cảnh sát biển Việt Nam, một con tàu hiện đại mang sứ mệnh giữ gìn trật tự, an ninh, an toàn trên biển. Vậy là tôi được thỏa sức sống và làm việc với những đam mê về biển.
Thời gian thấm thoắt trôi, tôi cũng đã gắn bó với biển được hơn 5 năm. Quãng thời gian ấy, có biết bao kỷ niệm, biết bao khó khăn, gian khổ mà tôi cùng đồng đội thực thi nhiệm vụ. Đó là những lần truy bắt tàu vi phạm, trực đường biên tiếp xúc đấu tranh với các tàu vi phạm nước ngoài; những lần trực tại các nhà giàn, các điểm đảo, được tiếp xúc trò chuyện với bà con nhân dân trên đảo, được thắp những nén nhang cho các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống khi bảo vệ đảo... Hay đó là những ngày biển động, những con sóng cao lớn táp vào mạn thuyền chao đảo, chúng tôi lại lên đường thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, bảo vệ ngư dân của mình. Cứ mỗi lần cứu hộ, cứu nạn thành công, chúng tôi rất hạnh phúc, hãnh diện vì làm một việc có ích cho đời.
...
Lại ngân vang lời "Biển hát chiều nay": "Mỗi một tình yêu, mỗi một cuộc đời/Qua bao nhiêu thăng trầm lửa thử vàng mới nên người…". Càng gắn bó với biển bao nhiêu, trái tim tôi càng yêu những gì thuộc về biển, về những con thuyền, những cánh buồm, về những con người bé nhỏ mưu sinh giữa biển cả thêm bấy nhiêu.
Càng gắn bó với biển, tôi càng thấy cuộc đời mình càng có ý nghĩa bởi những nỗ lực giữ bình yên cho biển, đảo được đền đáp xứng đáng bằng niềm hạnh phúc của những ngư dân bên những mẻ lưới đầy tôm cá. Tôi luôn mong muốn được truyền lửa cho những thế hệ nối tiếp, để biết yêu thương, trân trọng và chung tay giữ gìn, bảo vệ biển làm cho biển ngày càng gần gũi và xinh đẹp hơn.
Lời bài hát vẫn còn vang vọng đâu đây. Những chú chim biển vẫn bay lượn trong gió. Ngoài xa kia, những mẻ lưới tiếp tục được giăng, ánh mặt trời đang bừng tỉnh phía chân trời. Một ngày mới lại đến và nhiều hy vọng mới cũng sẽ đến. Một niềm hạnh phúc lâng lâng và một sự lạc quan ngập tràn trong lòng. Ngày hôm nay, cùng những đồng đội, tôi tiếp tục thực hiện ước mơ của mình, để những bão táp phong ba kia sẽ được đẩy lùi, để nụ cười tiếp tục rạng ngời bên những mẻ lưới đầy ắp cá tôm.
Mời bạn đọc thi viết về chủ quyền biển đảo
Với mục đích đẩy mạnh tuyên truyền, lan tỏa truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, Báo Người Lao Động phát động cuộc thi viết "Chủ quyền biển đảo bất khả xâm phạm" năm 2020-2021.
* Phạm vi đề tài:
- Các tác phẩm dự thi phải đề xuất ý tưởng, giải pháp có căn cứ khoa học trong việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam; cũng như góp phần phát triển kinh tế biển, văn hóa biển và bảo vệ môi trường biển Việt Nam.
- Cảm nhận về biển đảo; tình yêu đối với biển đảo Tổ quốc Việt Nam.
- Sự hy sinh, không ngại khó, ngại khổ của người chiến sĩ Hải quân, Cảnh sát biển... đang ngày đêm canh giữ biển khơi cho Tổ quốc.
- Lực lượng ngư dân có quá trình bám biển lâu dài, không quản gian lao, thậm chí hy sinh tính mạng để ngoài nhiệm vụ làm kinh tế, họ còn là những cột mốc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc...
* Thể loại:
- Bút ký, phóng sự, ký sự, tường thuật, ghi nhanh...
* Yêu cầu:
- Tác phẩm dự thi phải bảo đảm tính chân thực, khách quan; chưa đăng/phát trên bất kỳ phương tiện đại chúng nào, kể cả trang cá nhân.
- Tác phẩm tham dự cuộc thi không quá 1.700 chữ. Mỗi tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm dự thi.
* Đối tượng dự thi:
- Tất cả công dân Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam và nước ngoài, người nước ngoài đang sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam.
- Đơn vị tài trợ và phóng viên, cộng tác viên cơ hữu của báo không được tham gia.
* Thời gian:
- Bắt đầu nhận bài từ ngày 1-8-2020 đến hết ngày 15-5-2021.
- Dự kiến trao giải vào ngày 1-6-2021 (nhân dịp kỷ niệm 2 năm chương trình "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển").
* Giải thưởng:
- Giải nhất (1 giải): 50 triệu đồng
- Giải nhì (1 giải): 30 triệu đồng
- Giải ba (1 giải): 20 triệu đồng
- Giải khuyến khích (2 giải): 10 triệu đồng/giải
- Tác phẩm dự thi đăng báo được trả nhuận bút theo quy định của Báo Người Lao Động.
* Địa chỉ nhận tác phẩm:
- Tòa soạn Báo Người Lao Động: 123-127 Võ Văn Tần, phường Võ Thị Sáu (phường 6 cũ), quận 3, TP HCM.
- Điện thoại: 028.3930 5376 - 0903.343439.
- Email: chuquyenbiendao@nld.com.vn
- Bài dự thi ghi rõ "Bài dự thi viết về chủ quyền biển đảo trên Báo Người Lao Động".
Tòa soạn
Bình luận (0)