Gửi những người lính Trường Sa!
Đất liền nơi em ở mùa này nắng vàng trên từng mái ngói, gió mát mơn man từng tâm hồn. Ở Trường Sa thời tiết thế nào các anh nhỉ? Chắc là nắng gió bốn mùa.
Em thương những chàng trai quanh năm uống gió ăn sương, tay bồng súng vững chắc canh giữ từng tấc đất trên bờ dưới biển, từng khoảng trời xanh vời vợi thiêng liêng của Tổ quốc. Em thương các anh tuổi đôi mươi đang sống ở vùng đất sóng gió khắc nghiệt, chịu nhiều thiếu thốn. Em thương người lính hải quân sắt son, chung thủy làm bạn với đảo, làm con của biển suốt tháng quanh năm.
Các anh - những người lính Trường Sa - gánh trên vai sứ mệnh quan trọng giữ cho biển đảo quê hương luôn bình yên, cho đất trời vẹn toàn chủ quyền, cho mọi người ngủ giấc ngon lành. Các anh là những anh hùng trong lòng mọi người.
Xem trên tivi, em thấy Trường Sa bây giờ có những mái nhà khang trang; có điện năng lượng mặt trời để sinh hoạt, kết nối điện thoại; những con đường bê-tông sạch đẹp trải dài theo bóng cây xanh phủ rợp; những trường học cho em thơ con chữ. Những công trình thiết thực ngày càng mọc lên nhiều hơn, như: Khu tưởng niệm Bác Hồ, công viên tượng đài Trần Hưng Đạo, bệnh xá cho mọi người chữa bệnh.
Em còn biết các anh không chỉ giỏi trực gác mà còn trồng bầu bí, rau xanh không thua gì nhà nông. Màu xanh nhuộm cả khu vườn, trái to trái nhỏ lủng lẳng trên giàn nói cho hậu phương biết rằng chiến sĩ hải đảo giỏi giang lắm đấy. Để có được thành quả lao động như thế, các anh đã gom lá rụng của cây phong ba, cây bàng vuông ủ hoai mục rồi bón cho bầu bí, rau xanh có chất dinh dưỡng lớn nhanh mướt mắt. Các anh phải theo dõi thời tiết để che chắn vườn rau theo đúng hướng gió.
Mấy ai biết các anh tiết kiệm từng giọt nước ngọt như thế nào. Biển mênh mông chỉ toàn mang hơi mặn, đôi lúc phải hứng nước mưa dự trữ, vậy mà bằng cách nào đó, các anh bảo vệ được chậu rau, giàn bí tránh khỏi tác động của thời tiết khắc nghiệt, tạo ra bữa ăn đủ rau xanh để thôi thèm những "đặc sản" chân quê này.
Lễ chào cờ ở Trường Sa
Đảo bây giờ không chỉ có chiến sĩ làm nhiệm vụ mà còn có cả những hộ dân. Dân ra đây như muốn hòa chung hơi thở của biển, cùng các anh góp chút công bé nhỏ gìn giữ quê hương, Tổ quốc thân yêu. Với tinh thần "đảo là nhà, biển cả là quê hương", xây dựng Trường Sa "mạnh về phòng thủ, tốt về lối sống, đẹp về cảnh quan môi trường và mẫu mực về quan hệ quân dân", trên từng điểm đảo nơi đây, tình nghĩa quân dân thắm thiết biết bao. Quân và dân cùng giữ đảo, cùng lao động, cùng yêu đời, tạo nên bài ca yêu thương.
Năm 2021, bão số 9 càn quét, gây nhiều thiệt hại cho Song Tử Tây. Nhưng rồi, bằng tinh thần đoàn kết và sức sống mãnh liệt của những con người không bao giờ biết khuất phục, mọi thứ đã sớm được khắc phục sau khi bão đi qua. Điện năng lượng mặt trời lại đem nguồn sáng đến mọi nhà, mạng điện thoại lại được phủ sóng kết nối thông tin với đất liền. Nhịp sống lại rộn ràng đời vui.
Con người mãnh liệt, cây cối cũng mãnh liệt. Dường như chính sự khắc nghiệt của thiên nhiên đã tạo nên sức mạnh cứng cỏi, vững chãi từ đôi bờ vai gan dạ cho đến thân cây đổ ngã. Những cây phong ba, cây bão táp bị sóng đánh cháy, lá chết rụng vẫn tiếp nối vòng đời của mình bằng những chồi non vươn lên tươi tốt và chẳng bao lâu lại phủ xanh cả biển trời. Hệ sinh thái tốt tươi đem lại không khí trong lành là biểu tượng của niềm tin, sức sống mãnh liệt trên đảo. Tình cảm của đất liền gửi tới nơi đầu sóng ngọn gió luôn sâu đậm. Từ những chuyến tàu nghĩa tình tặng cây xanh mà Trường Sa ngày một xanh đẹp hơn. Hẳn các anh hiểu và trân quý tấm lòng hậu phương lắm.
Nhịp sống mới trên các đảo ở Trường SaTrong tương lai gần, nếu như Trường Sa trở thành trung tâm kinh tế biển của cả nước, hẳn huyện đảo này sẽ vui hơn nữa. Khi đó, từng tour du lịch sẽ nối nhau ra thăm Trường Sa thân yêu. Ước mơ ấy không xa vời đâu!
Em biết khoảng cách địa lý luôn khiến trẻ thơ nơi đây mong ước nghe thấy tiếng nói cười từ hậu phương nhiều hơn. Bởi cuộc sống của trẻ đã quen với tiếng hiệu lệnh báo thức, tiếng hô vang đi đều của các chú bộ đội cũng như quen với biển trong xanh, bờ cát trắng, cây muống biển nở hoa tím rực. Trẻ muốn nghe ai đó kể chuyện đất liền nhiều hơn. Đất liền có nhà cao cửa rộng, có khu vui chơi thật thích và nhiều thứ to lớn nữa. Những thứ vật chất hào nhoáng thật lạ lẫm với trẻ em đảo xa.
Nhưng không sao cả! Một ngày nào đó, trẻ sẽ được vào đất liền học tiếp cấp hai. Vậy là cơ hội khám phá nhịp sống sôi động sẽ đến thôi. Nhưng dù đất liền có vui thế nào đi nữa, em nghĩ chắc gì đã bằng ở biển đảo.
Ở đảo có thể chưa đủ đầy về vật chất nhưng tinh thần thì không. Trẻ được vui chơi vô tư trong bầu không khí trong lành cùng bè bạn bên những tán bàng vuông, phong ba hay những đồ chơi làm từ vỏ sò, vỏ ốc. Các em được xem văn nghệ do các chú bộ đội biểu diễn. Hơn thế nữa, các em có gia đình hạnh phúc rất đỗi bình dị.
Em tưởng tượng ra tổ ấm mỗi ngày bọn trẻ đi học, cha chúng đi làm dân quân tự vệ và người mẹ ở nhà coi ngó trước sau. Chiều về, cả gia đình quây quần ăn bữa cơm ngon. Một cuộc sống không xô bồ và cạm bẫy mà chỉ có hạnh phúc và thủy chung. Hẳn từ sâu thẳm trái tim rạo rực tuổi thanh xuân, các anh cũng chỉ mong cuộc sống sau này được bấy nhiêu thôi.
Nhưng em biết trước khi mơ nghĩ cho bản thân, các anh phải hoàn thành tốt nhiệm vụ cấp trên giao. Hơn ai hết, các anh ý thức vùng trời, biển này tồn tại cho đến hôm nay là nhờ công giữ gìn của biết bao thế hệ cha ông đi trước. Trong đó, bi hùng nhất là sự hy sinh oanh liệt của 64 chiến sĩ ở đảo Gạc Ma năm nào. Vẫn còn đây hình ảnh Anh hùng Lực lượng Vũ trang Trần Văn Phương tay giữ chặt cán cờ như giữ chặt đất mẹ thiêng liêng đến hơi thở cuối cùng. Vẫn còn đây câu nói của anh hô vang: "Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo. Hãy để máu của mình tô thắm lá cờ truyền thống của Quân chủng Hải quân Việt Nam anh hùng". Nhắc lại lịch sử để thấy rằng để sống trong hòa bình, chúng ta phải trả giá đắt như thế nào.
Các anh ơi, nước non, biển đảo chúng ta đẹp quá! Tài sản vô giá của cả dân tộc là đây. Thiêng liêng và tự hào cũng chính là đây. Em ước gì được hóa thành chim biển, thả đôi cánh vô tư bay trên trời cao đưa mắt xuống ngắm nhìn đại dương, biển bờ của Tổ quốc. Em ước gì một lần được ra thăm Trường Sa. Mai này du lịch phát triển, biết đâu em sẽ có cơ hội. Trong lòng em luôn dâng trào tình yêu thương đặc biệt dành cho Trường Sa và các anh.
Ngày mai, mặt trời lại mọc đằng Đông. Ở quê nhà, em đón bình minh rực rỡ. Ở khơi xa, các anh chắc cũng chào ngày mới tràn đầy sức sống. Trong phút giây đó, biết đâu các anh nhận được món quà tinh thần là cánh thư của em gửi ra.
Cánh thư gửi muôn vàn lời thân thương, gửi muôn vạn nụ cười. Gửi chút tình hậu phương đến với tiền phương Trường Sa.
Cánh thư này em cũng yêu thương gửi đến ngư dân. Có lẽ mỗi lần ngư dân vào đảo là chở theo bao niềm vui cùng những tàu thuyền đầy ắp cá tôm. Mẹ biển cả ưu ái dâng tặng cho đời bao sản vật nuôi sống con người, góp phần phát triển kinh tế đất nước. Đó là động lực to lớn kéo vực tinh thần ngư dân yên tâm ra khơi bám biển, vừa mưu sinh vừa cùng quân dân trên đảo bảo vệ biên cương thiêng liêng, khẳng định trước sau như một rằng đây là chủ quyền hợp pháp của Việt Nam. Vì chỉ có nơi thuộc quyền sở hữu của chúng ta, Quốc kỳ thắm sắc mới kiêu hãnh tung bay trên những tàu cá ở vùng biển Trường Sa.
Em tin rằng hậu phương kết nối tiền phương thân yêu qua chương trình "Tự hào cờ Tổ quốc" sẽ lan tỏa rộng hơn nữa, để những lá cờ bạc màu trên tàu thuyền được thay mới hoàn toàn, vẽ nên bức tranh sinh động: Cả rừng Quốc kỳ phấp phới vẫy chào quê hương từ khơi xa.
Bình luận (0)