Trên cơ sở tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW, đánh giá 2 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định phát triển bền vững kinh tế biển là một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để đưa Việt Nam đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.
Tiềm năng nhiều, thách thức lớn
Việt Nam có 28 tỉnh, thành ven biển, với bờ biển dài 3.260 km, đứng thứ 27 trong số 157 quốc gia ven biển, các đảo quốc và lãnh thổ trên thế giới. Biển Đông là cầu nối liền Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, nằm trên ngã tư của tuyến hàng hải và hàng không quốc tế. Trong đó, diện tích biển của Việt Nam chiếm khoảng 29% diện tích của biển Đông (gần 1 triệu km2), rộng gấp ba lần diện tích lãnh thổ đất liền.
Biển Đông chứa đựng nhiều nguồn tài nguyên, đặc biệt là dầu khí. Nguồn dầu khí đã thăm dò, khảo sát ở nước ta có trữ lượng khoảng 3-4 triệu tấn dầu quy đổi. Bên cạnh nguồn tài nguyên hải sản dồi dào, chúng ta còn có tài nguyên du lịch ven biển, với dọc bờ biển của cả nước có khoảng 125 bãi biển lớn, nhỏ, rất thuận lợi cho phát triển du lịch - nghỉ dưỡng.
Đó là những tiềm năng to lớn để nước ta phát triển kinh tế biển, đặc biệt là các ngành khai thác khoáng sản, nuôi trồng đánh bắt hải sản và phát triển du lịch, thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết số 36-NQ/TW đã đề ra.
Tuy nhiên, nhiệm vụ trọng yếu phát triển bền vững kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền trong tình hình mới vẫn còn nhiều thách thức được đặt ra. Những thách thức đó là các tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Theo đánh giá thì Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu trong 30 năm tới. Bên cạnh đó là những thách thức về ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, việc phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng. Tiến sĩ Dư Văn Toàn (Viện Nghiên cứu biển và Hải đảo - Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam) nhận định dải ven biển nước ta có nhiều nguồn tiềm ẩn gây ô nhiễm, hầu hết những chất gây ô nhiễm đều từ đất liền đổ ra sông và theo đường sông đổ ra biển.
Nước ta có tới trên 100 con sông đổ ra biển Đông, trong đó hơn 10 con sông đang ở mức độ ô nhiễm nặng, điển hình như sông Cầu, sông Đáy, sông Thị Vải… Báo cáo hiện trạng môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết hằng năm, các con sông thải ra biển 880 km3 nước và 270-300 triệu tấn phù sa, kéo theo nhiều chất có thể gây ô nhiễm biển như các chất hữu cơ, dinh dưỡng, kim loại nặng và nhiều chất độc hại khác từ những khu dân cư tập trung, khu công nghiệp và đô thị các khu nuôi trồng thủy sản ven biển, các vùng sản xuất nông nghiệp.
Một trong những thách thức lớn cho phát triển kinh tế biển ở Việt Nam là ô nhiễm môi trường biển Ảnh: TRẦN VĂN
Phải hành động quyết liệt
Trong khi đó, môi trường sinh thái biển Việt Nam tiếp tục suy giảm tính đa dạng sinh học, nhất là vùng ven bờ ngày càng bị đe dọa. Đó là tốc độ đô thị hóa và phát triển các khu công nghiệp, khu du lịch nghỉ dưỡng ven biển nhưng thiếu quy hoạch, thiếu hệ thống xử lý nước thải, dẫn đến môi trường sinh thái của hàng trăm ngàn km2 biển ven bờ bị ảnh hưởng. Cùng với đó là ô nhiễm từ nuôi trồng thủy sản một cách bừa bãi; nạn khai thác khoáng sản ồ ạt đã tác động xấu đến môi trường. Thêm vào đó, rừng ngập mặn bị tàn phá nghiêm trọng, 90% rạn san hô bị đe dọa hủy hoại, khoảng 85 loài thủy sản trong tình trạng nguy cấp ở nhiều mức độ khác nhau, trong đó có 70 loài được đưa vào sách đỏ.
Những năm gần đây, tại các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa… đã xảy ra hiện tượng thủy triều đỏ gây thiệt hại lớn cho ngành nuôi trồng thủy sản. Chưa kể ô nhiễm không khí cũng có tác động mạnh tới môi trường sinh thái biển, bởi nồng độ khí C02 trong không khí gia tăng sẽ làm lượng C02 trong nước biển thay đổi dẫn đến môi trường sống của các loài sinh vật biển thay đổi.
Để kinh tế biển thực sự phát triển bền vững, chúng ta phải sớm có hành động quyết liệt nhằm giải quyết những bất cập trên. Phải ngăn chặn cho được tình trạng ô nhiễm và suy thoái môi trường nghiêm trọng tại các điểm, khu vực, vùng bị ô nhiễm; đồng thời chú trọng công tác phòng ngừa và kiểm soát môi trường. Một trong những giải pháp đó là xây dựng các trạm kiểm soát môi trường tại những cửa sông đổ ra biển, cùng với phát triển và bảo tồn các khu rừng ngập mặn ven biển.
Trong khai thác và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, điều quan trọng là phải hoàn thiện khung thể chế quản lý biển một cách khoa học và phù hợp với thực tiễn. Đó là xây dựng các khu bảo tồn biển kết hợp với giới hạn thời gian khai thác hải sản trong năm, tạo điều kiện cho các loài sinh vật biển phát triển.
Để làm được như vậy cần có sự chung tay của các cơ quan, tổ chức và từng cá nhân trong xã hội. Trong thời gian qua, ở các địa phương, những mô hình nuôi trồng đánh bắt thủy sản gắn với bảo vệ môi trường biển được áp dụng mang lại nhiều tác động tích cực đến bảo vệ môi trường, như mô hình nuôi trồng thủy sản đa canh kết hợp với bảo vệ rừng ngập mặn tại Bến Tre, Trà Vinh; áp dụng chi trả dịch vụ môi trường ở một số tỉnh duyên hải miền Trung; sử dụng đèn led để đánh bắt hải sản ở Ninh Thuận…
Mời bạn đọc tham gia cuộc thi viết "Chủ quyền quốc gia bất khả xâm phạm"
Từ thành công của cuộc thi viết "Chủ quyền biển đảo bất khả xâm phạm" lần 1 năm 2020-2021, Báo Người Lao Động phát động cuộc thi viết lần 2 năm 2021-2022 với chủ đề "Chủ quyền quốc gia bất khả xâm phạm".
Nội dung, phạm vi đề tài:
- Phản ánh việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của đất nước, của ngành, của địa phương trong công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, nhất là đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; công cuộc bảo vệ, xây dựng, phân giới, cắm mốc, bảo vệ đường biên giới trên bộ.
- Phản ánh khách quan, sinh động, sâu sắc về đường lối ngoại giao của Việt Nam trong công cuộc bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ quốc gia của Việt Nam.
- Biểu dương tập thể, cá nhân, gương điển hình trong thực thi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền; sự hy sinh, cống hiến của người chiến sĩ Hải quân, Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng... đang ngày đêm canh gác ngoài biển khơi, vùng biên giới.
- Đề xuất ý tưởng, giải pháp có căn cứ khoa học trong việc tuyên truyền đấu tranh bảo vệ chủ quyền; về phát triển kinh tế biển, văn hóa biển, bảo vệ môi trường biển Việt Nam, phát triển kinh tế khu vực biên giới...
Thể lệ, yêu cầu:
- Là bài viết thể loại phóng sự, ký sự, ghi chép, bình luận, phản ánh, tường thuật, ghi nhanh...
- Tác phẩm dự thi (bài và ảnh; clip/video) chưa đăng, phát trên bất kỳ phương tiện đại chúng nào, kể cả trang cá nhân.
- Các tác phẩm có liên quan đến tư liệu, tài liệu lịch sử..., tác giả phải gửi kèm bài viết hoặc trích nguồn, dẫn nguồn.
- Mỗi bài dự thi chỉ đăng 1 kỳ, không quá 1.700 chữ; bắt buộc có ít nhất 3 ảnh chụp nhân vật hoặc liên quan tình tiết, nội dung bài báo. Ảnh gửi kèm theo bài, không dán ảnh vào bản thảo dự thi.
- Mỗi tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm dự thi.
Đối tượng tham gia:
Tất cả công dân Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam và nước ngoài, người nước ngoài đang sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam đều được tham gia.
Thời gian:
- Nhận tác phẩm dự thi từ ngày 28-8-2021 đến hết ngày 15-5-2022. Lễ trao giải dự kiến trong tháng 6-2022.
- Tác phẩm dự thi gửi qua email: chuquyenbiendao@nld.com.vn. Tác phẩm dự thi ghi rõ tên tác giả, bút danh, kèm địa chỉ, số điện thoại liên lạc, tài khoản ngân hàng. Tác phẩm dự thi đăng báo được trả nhuận bút theo quy định của Báo Người Lao Động.
Cơ cấu giải thưởng:
- Giải nhất (1 giải): 50 triệu đồng.
- Giải nhì (1 giải): 30 triệu đồng.
- Giải ba (1 giải): 20 triệu đồng.
- Giải khuyến khích (2 giải): 10 triệu đồng/giải.
Đơn vị đồng hành
Bình luận (0)