Giữa trùng khơi phía Nam, đảo Hòn Khoai (tỉnh Cà Mau) là nơi sinh sống, công tác của những người lính mang sứ mệnh thiêng liêng với Tổ quốc, với những con tàu trên biển cả mênh mông. Họ đã gác lại thanh xuân, những hạnh phúc giản đơn để đến đây cùng nhau xây dựng, bảo vệ từng tấc đất, tấc biển quê hương.
Mắt thần của biển
Theo chân những người lính radar, trên những con đường đầy đá lởm chởm, dốc núi dựng đứng ở đảo Hòn Khoai, tôi phải rón rén chậm rãi từng bước mặc dù các anh không ngớt lời căn dặn. Chỉ một bước sơ sẩy là có thể rơi xuống vực sâu.
Đảo Hòn Khoai - nơi mà điều kiện tự nhiên vô cùng khắc nghiệt, không có dân cư sinh sống, thiếu thốn mọi bề. Ở đây quanh năm phải đối mặt với nắng lửa, phong ba. Đường đi chỉ toàn đá với dốc cao, cây cối cũng chẳng còn sức sống với cái nắng Tây Nam này. Điện lưới quốc gia thì không có, ở đây chủ yếu là dùng điện máy nổ và điện mặt trời. Mùa khô có điện nhưng thiếu nước ngọt trầm trọng, khí hậu nóng bức. Ngược lại mùa mưa sấm sét khủng khiếp, có nước sinh hoạt nhưng lại không có điện (pin mặt trời không hoạt đông, chỉ trông chờ vào máy phát điện).
Hơn ai hết những người lính trạm radar 595 (Tiểu đoàn 551, Vùng 5 Hải quân) trải qua tất cả những khó khăn vất vả, thiếu thốn trên đảo. Trạm các anh nằm ở đỉnh ngọn núi trên đảo Hòn Khoai. Mùa khô, các anh cùng nhau xuống núi tắm nhờ. Nhiều lúc phải xách can, gánh téc xuống núi xin nước ở đơn vị bạn, đường dốc gồ ghề đá, gánh nhiều đến vai rỉ máu. Mùa mưa, có lúc đang ngủ sét đánh ngay sát giường.
Mặc dù cuộc sống vất vả nhưng các anh luôn khắc phục khó khăn ngày ngày túc trực, giờ giờ cảnh giác cao độ nắm chắc tình hình trên không trên biển, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, quân đội, nhân dân giao phó. Với sứ mệnh thiêng liêng của người lính các anh được ví như "Con mắt thần của biển cả".
Trung úy Nguyễn Đình Phúc, Phó Trạm trưởng Trạm radar 595, cho biết: "Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn về điều kiện địa hình, khí hậu tự nhiên, nhưng đơn vị luôn quán triệt mọi mệnh lệnh của cấp trên. Các chiến sĩ luôn duy trì hoạt động radar kết hợp quan sát mắt 24/24, bảo đảm hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng đóng quân trên địa bàn, nắm chắc tình hình trên không, trên biển để kịp thời thông báo, báo cáo giúp chỉ huy các cấp không bị động, bất ngờ trước các tình huống".
Xa xôi và thiếu thốn nhưng tất cả đều vượt lên để hoàn thành nhiệm vụ canh giữ, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Một chiến sĩ cho biết: "Tết vừa rồi em ở lại đơn vị trực, là lần đầu tiên đón Tết trên đảo nên em thật sự háo hức và có sự trải nghiệm thú vị. Bố mẹ và các em ở nhà thường xuyên gọi điện động viên, dặn em yên tâm làm nhiệm vụ, ở nhà mọi người đều khỏe mạnh, bình an".
Đường lên trạm radar 595 Hòn Khoai
Tăng gia sản xuất cải thiện đời sống
Lặng lẽ gác đèn
Nơi đây xen lẫn giữa thiên nhiên nguyên sơ là những kiến trúc Tây phương gần trăm tuổi. Trải qua lịch sử, hải đăng Hòn Khoai vẫn đi cùng năm tháng, định hướng cho tàu thuyền qua lại nơi này. Để những ngọn hải đăng không bao giờ tắt, cán bộ, kỹ sư, nhân viên trạm phải làm việc ngày đêm.
Anh Phạm Huy Hiệp, Trạm trưởng Hải Đăng Hòn Khoai, chia sẻ: "Ở đây không có dân cư sinh sống, đời sống còn khó khăn, thiếu thốn trăm bề, anh em nương tựa vào nhau để hoàn thành nhiệm vụ. Cuộc đời người gác đèn như những người đi thắp lửa trong đêm. Mỗi khi nhìn ngọn hải đăng chớp sáng trên bầu trời, chúng tôi như thấy đó là ánh sáng của Tổ quốc giữa trùng khơi. Từng nhịp đèn chớp nháy, là nhịp thở và sự sống của người gác đèn".
Những người gác đèn phải lau chùi bảo quản, bảo dưỡng thiết bị thường xuyên trong điều kiện khí hậu rất khắc nghiệt. Do nhiễm nước biển mặn, những ngọn hải đăng thường xuyên bị gỉ sét, nếu không bảo quản tốt thì đèn dễ chập điện, cháy nổ. Giữa nắng cháy da và gió rát mặt, các chiến sĩ thường xuyên leo lên đỉnh cao cột đèn chót vót để bảo dưỡng. Ở đỉnh cao ấy, chỉ cần sơ suất là có thể xảy ra tai nạn bất cứ lúc nào. Khi màn đêm buông xuống, cũng là ngọn hải đăng bắt đầu hoạt động. Những người thợ đèn phải chia ca nhau trực từ 18 giờ chiều hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau, luôn bảo đảm ánh đèn chiếu sáng dẫn đường cho tàu bè trên biển.
Một ngư dân lên đảo xin nước chia sẻ: "Nếu đi biển gặp trời tối, chỉ cần nhìn thấy ánh sáng của ngọn hải đăng là cảm thấy rất yên tâm đánh bắt. Ghe của bà con ngư dân từ đất liền ra khai thác hải sản, họ luôn lấy ánh sáng của ngọn hải đăng làm điểm tựa. Những ghe tàu bị mất định vị, hỏng máy, trong đêm tối chỉ cần nhìn thấy ánh sáng của hải đăng là yên tâm và không bao giờ lo lạc đường".
Nơi đây còn là nơi tiếp nước và trú ẩn của tàu bè đánh bắt trên biển mỗi khi gặp thời tiết bất thường. Tình quân dân càng thêm gắn bó khi nơi tuyến đầu của Tổ quốc luôn có các chiến sĩ ngày đêm bảo vệ biển đảo, sát cánh cùng ngư dân.
Khi hoàng hôn dần buông xuống, Hòn Khoai trở nên trầm mặc bởi những con đường, những tán cây, bãi đá dần chìm vào màn đêm huyền bí mới cảm nhận được sự bình yên nơi đây quý giá đến nhường nào. Trên đảo luôn sáng những ngọn đèn từ các đơn vị công tác giữa màn đêm đen kịt. Trong tương lai, người dân sẽ đến nơi đây xây dựng nhiều hơn cùng những "lá chắn thép", xây dựng một Hòn Khoai ngày càng tươi đẹp vàtrù phú.
Lũy thép biên phòng
Các anh - những người lính Biên phòng đồn 700 (Cà Mau) hàng vạn lần trèo rừng, vượt biển, luôn có niềm tin mãnh liệt kiên cường giữ từng hải lý biển đảo thiêng liêng. Sau những chặng đường tuần tra, tấm áo của các anh lúc nào cũng đẫm mồ hôi, muối biển. Mùa biển lặng hay bão tố khi có nhiệm vụ, khi có ngư dân gặp nạn các anh đều lao mình đi ra biển để bảo đảm cho ngư dân, để hoàn thành nhiệm vụ tốt nhất có thể.
Thiếu tá Trần Văn Khởi, Đồn trưởng Đồn Biên phòng 700, chia sẻ: "Đồn là nhà, biển đảo là quê hương, ngư dân, cán bộ, chiến sĩ trên đảo là anh em ruột thịt. Với phương châm "An ninh trên biển là nhiệm vụ trọng tâm", cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng 700 (Cà Mau) đã không quản ngại khó khăn vất vả, chủ động tăng cường, tuần tra kiểm soát nơi "biển sâu, sóng dữ". Bên cạnh đó, đơn vị còn làm tốt công tác dân vận, thực hiện tốt chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, thường xuyên giúp đỡ ngư dân, đặc biệt khi gặp hoạn nạn trên biển.
Khác với trạm radar, Đồn Biên phòng nằm gần biển hơn, nên cũng đỡ vất vả hơn khi lên xuống biển hay tiếp nước sinh hoạt vì có nước suối. "Để dành nước ngọt cho ăn uống, tăng gia sản xuất, giúp đỡ các đơn vị bạn thiếu nước. Những sinh hoạt bình thường không cần thiết chúng tôi dùng nước biển cho đỡ tốn nước" - một chiến sĩ kể.
Bình luận (0)