Bộ Dân chính Trung Quốc ngày 18-4 ra thông cáo Quốc vụ viện nước này mới đây đã phê chuẩn quyết định thành lập cái gọi là "quận Tây Sa" và cái gọi là "quận Nam Sa" trực thuộc "thành phố Tam Sa" thuộc tỉnh Hải Nam.
Đây là những đơn vị hành chính được tuyên bố thành lập tại 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền theo luật pháp quốc tế. Động thái này diễn ra tiếp liền với một loạt các hoạt động trên thực tế tại Biển Đông từ đầu năm 2020.
Trong đó, đáng lưu ý, Reuters cho biết theo dữ liệu từ Marine Traffic, một trang web theo dõi dữ liệu hàng hải thì hôm 14-4, tàu khảo sát Hải Dương địa chất 08 đã xuất hiện trở lại trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, cách bờ biển Việt Nam 158 km, được hộ tống bởi ít nhất một tàu hải cảnh. Khi đó cũng có 3 tàu cảnh sát biển Việt Nam đang di chuyển gần khu vực hoạt động của các tàu Trung Quốc này.
Dư luận đang hết sức quan tâm đến các sự kiện này, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc đang lợi dụng diễn biến trầm trọng của đại dịch Covid – 19 đang lan tràn và đe dọa đến tính mạng của loài người để triển khai nhiều hoạt động gây căng thẳng trên Biển Đông.
Câu hỏi được đặt ra là: Tại sao Trung Quốc ngang ngược công bố quyết định về tổ chức bộ máy hành chính ở quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa trong bối cảnh hiện nay và động thái này nhằm mục đích gì và chúng ta phải làm gì?
Tàu Hải Dương 08 của Trung Quốc đã xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở bãi Tư Chính từ đầu tháng 7 đến cuối tháng 10-2019.
Hợp thức hóa yêu sách "lưỡi bò" chiếm trọn Biển Đông
Qua theo dõi toàn bộ hoạt động của Trung Quốc kể từ sau khi họ sử dụng vũ lực để đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa vào năm 1956, năm 1974 và đánh chiếm quần đảo Trường Sa vào năm 1988 thì đây không phải lần đầu tiên Trung Quốc ngang ngược công bố quyết định về tổ chức bộ máy hành chính ở 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Trước đây, sau khi dùng vũ lực đánh chiếm 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, Trung Quốc đã từng có quyết định thành lập cái gọi là thành phố Tam Sa (bao gồm "quần đảo Tây Sa, Nam Sa, Trung Sa" theo cách gọi của Trung Quốc) thuộc tỉnh Hải Nam (có lúc Trung Quốc còn gọi là "Tứ Sa" để gộp thêm nhóm đảo Pratas mà Trung Quốc gọi là "Đông Sa quần đảo" vào "thành phố Tam Sa"). Vì vậy, quyết định lần này chỉ là một bước tiếp theo nhằm cụ thể hóa nội dung của quyết định đã ban hành. Mục đích của động thái này là:
Thứ nhất: Hợp thức hóa yêu sách chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam ở giữa Biển Đông mà Trung Quốc đã sử dụng vũ lực để xâm chiếm.
Để biện minh cho hành động xâm chiếm bằng vũ lực phi pháp đó, Trung Quốc đang tìm cách khỏa lấp những lỗ hổng, những điểm đen trong hồ sơ pháp lý nhằm bảo vệ yêu sách chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Và việc ngang nhiên công bố quyết định thành lập 2 đơn vị hành chính cấp quận, huyện trong Biển Đông, tiếp theo hành động đâm chìm tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam tại vùng đánh cá truyền thống ở quần đảo Hoàng Sa, ra quyết định cấm đánh bắt cá hàng năm ở khu vực này, liên tục vu khống tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam thực hiện nhiệm vụ "tình báo", thăm dò vị trí và hoạt động của các căn cứ quân sự của Trung Quốc khu vực này… đều nằm trong tính toán, bày binh bố trận để mở màn cho một chiến dịch xâm chiếm tiến sâu xuống phía Nam Biển Đông. Đây có thể gọi là cuộc "xâm lược cứng" hay "xâm lược mềm" mà Trung Quốc đã và đang tổ chức thực hiện.
Trước mắt, Trung Quốc toan tính "xí phần" nguồn lợi biển hoàn toàn thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các nước xung quanh Biển Đông.
Nấp sau cái gọi là chủ trương "chủ quyền thuộc Trung Quốc, gác tranh chấp cùng khai thác", Trung Quốc tìm mọi cách để buộc các nước phải lệ thuộc vào mình, cả về kinh tế, chính trị, an ninh quốc phòng...
Nhóm tàu khảo sát Hải Dương địa chất 08 đang di chuyển xuống phía Nam Biển Đông chắc chắn không phải chỉ để hưởng thụ "quyền tự do hàng hải" thông thường, mà thực chất là Trung Quốc đang nhằm từng bước độc chiếm Biển Đông theo yêu sách "lưỡi bò" phi pháp.
Thứ hai: Thành lập cái gọi là "quận Tây Sa" và "quận Nam Sa" còn nhằm đề hoàn thiện ý đồ nâng cấp một cách toàn diện các cấu trúc địa lý ở 2 quần đảo này nhằm phục vụ cho việc giải thích và áp dụng quy định tại Điều 121, khoản 3, Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS1982) mà quan điểm sai trái này của Trung Quốc đã bị phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế The Haye năm 2016 bác bỏ hoàn toàn.
Tòa Trọng tài quốc tế không chấp nhận yêu sách cho rằng các cấu trúc địa lý của quần đảo Trường Sa có hiệu lực để xác định vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý như lập luận của Trung Quốc. Vì xét từ nguồn gốc thì các cấu trúc này quá nhỏ bé, không thích hợp cho con người ở và không có đời sống kinh tế riêng, cho nên chúng chỉ có phạm vi lãnh hải rộng không qua 12 hải lý tính từ đường cơ sở được vạch ra cho từng cấu trúc luôn nổi trên mặt nước khi thủy triều lên cao nhất.
Rõ ràng là cho dù Trung Quốc tìm mọi cách để tạo cho chúng có diện mạo mới về phạm vi địa lý, về kinh tế, dân cư và về tổ chức hành chính được nâng cấp, cũng không thể làm thay đổi hiệu lực pháp lý vốn có của chúng theo UNCLOS1982.
Thứ ba: Trong bối cảnh hiện nay, việc công bố quyết định thành lâp hai đơn vị hành chính cấp quận ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam cũng là một trong những mũi tiến công được triển khai theo mưu kế "mượn gió bẻ măng" trên Biển Đông. Bởi vì dịch bệnh bùng phát tại Vũ Hán, Trung Quốc vào cuối năm 2019 mà mãi đến mấy tháng sau, khi trở thành đại dịch toàn cầu, người ta mới nhận diện được mức độ khủng khiếp của nó.
Thứ tư: Việc Trung Quốc đơn phương ngang ngược công bố 2 đơn vị hành chính cấp quận này đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, bất chấp luật pháp quốc tế.
Bởi lẽ, theo thông lệ quốc tế, một quốc gia khi thực hiện chủ quyền trong phạm vi lãnh thổ của mình, hoàn toàn có quyền thành lập các đơn vị hành chính các cấp. Tuy nhiên, việc này phải tùy thuộc vào điều kiện địa lý, dân cư, kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng và đặc biệt là phải nằm trong phạm vi lãnh thổ được xác lập một cách hợp pháp, phù hợp với nguyên tắc thụ đắc lãnh thổ theo luật pháp và thông lệ quốc tế hiện hành. Đây là một nội dung pháp lý hết sức quan trọng, một yếu tố không thể thiếu được khi chứng minh quá trình xác lập và thực thi chủ quyền quốc gia với tư cách nhà nước trong phạm vi lãnh thổ của mình, nhất là đối với các vùng lãnh thổ đang trong tình trạng tranh chấp hay có bất đồng. Về điểm này, Trung Quốc hoàn toàn không có chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, quá trình thực thi chủ quyền, Việt Nam có đầy đủ chứng cứ hết sức quan trọng chứng minh 2 quần đảo này thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Các chứng cứ này đã được Việt Nam gửi trong Công hàm lưu chiểu vĩnh viễn tại Liên Hiệp Quốc, khẳng định: Nhà nước Việt Nam là nhà nước đầu tiên trong lịch sử đã chiếm hữu và thực thi chủ quyền của mình đối với 2 quần đảo này từ khi chúng còn là đất vô chủ, chí ít là từ thế kỷ thứ XVII.
Việc chiếm hữu và thực thi chủ quyền của Việt Nam ở 2 quần đảo này là rõ ràng, liên tục, hòa bình, phù hợp với nguyên tắc thụ đắc lãnh thổ hiện hành - nguyên tắc chiếm hữu thật sự - của công pháp quốc tế. Việt Nam có đầy đủ các chứng cứ lịch sử có giá trị pháp lý để chứng minh và bảo vệ chủ quyền của mình đối với 2 quần đảo này qua các thời kỳ lịch sử.
Hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền lãnh thổ Việt Nam
Làm gì để phá kế "mượn gió bẻ măng"?
Ưu tiên hàng đầu hiện nay là đoàn kết ngăn chặn ngay hiểm họa của đại dịch Covid-19. Hạn chế không để tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu xảy ra vào thời kỳ hậu Covid -19.
Tiếp tục đấu tranh loại bỏ khả năng áp dụng chiến thuật "mượn gió bẻ măng" tại khu vực Biển Đông.
Tình hình Thế giới nói chung và Biển Đông nói riêng, sẽ tiếp tục diễn biến căng thẳng, phức tạp, nhất là thời kỳ hậu đại dịch Covid -19. Trước những diễn biến phức tạp, căng thẳng đó, để có được phương án đấu tranh và hành xử có hiệu quả, trước hết cần hết sức thận trọng nghiên cứu đánh giá mọi tình huống một cách thật sự khách quan, khoa học.
Vì vậy, cần tiếp tục công tác tuyên truyền giáo dục nâng cao kiến thức cơ bản về chính trị, pháp lý liên quan đến việc xác lập và bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia ven biển theo quy định của Luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS1982.
Nếu kiến thức về biển đảo của cán bộ và nhân dân được nâng cao thì mọi phương án đấu tranh và phương cách hành xử sẽ thích hợp, hiệu quả và cũng chính là yếu tố cơ bản tạo lập và củng cố niềm tin chiến lược, cơ sở để gắn kết khối đoàn kết vững chắc trong cộng đồng.
Trên thực địa chúng ta phải theo dõi giám sát thật chặt các động thái, các tính toán bài bản mưu mẹo của họ, không để Trung Quôc dễ dàng áp dụng chiêu trò "mượn gió bẻ măng".
Phương châm hành động của chúng ta trong tình hình hiện nay là: "Kiên quyết và Kiên trì", phải "Dĩ bất biến, Ứng vạn biến".
Tuy nhiên, nếu Trung Quốc vẫn tiếp tục lấn tới, bất chấp công lý và đạo lý, gây tổn thất nặng nề về người và tài sản, xâm phạm chủ quyền và các quyền hợp pháp của quốc gia, thì chắc chắn nhân dân Việt Nam buộc phải sử dụng đến quyền tự vệ chính đáng như bao đời nay Tổ tiên đã thực hiện vì sự trường tồn và phát triển của đất nước, dân tộc.
Hình ảnh lũy tre bao bọc, che chở làng quê Việt Nam từ muôn đời nay vẫn còn đó, vẫn là hình ảnh tiêu biểu cho sức mạnh đoàn kết, yêu thương đùm bọc lẫn nhau của con dân Đất Việt, chịu thương chịu khó trong lao động sản xuất, kiên cường, bất khuất trong chiến đấu bảo vệ quê hương đất nước và luôn sẵn sàng nhường cơm sẻ áo cho đồng loại trong cơn hoạn nạn, can qua…
Vì vậy, dù Trung Quốc có toan tính sử dụng kế sách "mượn gió bẻ măng" hay cố tình "gieo gió" nguy hiểm đến đâu chăng nữa thì trước sau cũng bị phá sản và ắt cũng phải "gặt bão" mà thôi!
Bình luận (0)