xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Kết nối Trường Sa với đất liền

Bài và ảnh: THÁI PHƯƠNG

Các chuyến đi của những đoàn đại biểu đến Trường Sa và nhà giàn DK1 đã tiếp thêm sức mạnh, tình cảm, ý chí cho chiến sĩ hải quân và các lực lượng đang ngày đêm vững vàng nơi tuyến đầu để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc

Những ngày đầu tháng 5-2023, đoàn công tác của Quân chủng Hải quân Việt Nam đã đưa các đại biểu đi thăm, làm việc tại huyện đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 với hành trình đến 6 đảo và nhà giàn.

Xúc động lễ tưởng niệm giữa biển

Chuẩn đô đốc Phan Tuấn Hùng - Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân, trưởng đoàn công tác - cho biết những chuyến đi thăm và làm việc tại quần đảo Trường Sa được tổ chức nhằm động viên, tuyên truyền, khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông; là cầu nối để đưa Trường Sa về gần hơn với đất liền.

"Đến Trường Sa, về càng thêm yêu Tổ quốc" - trung tá Nguyễn Ngọc Linh, Phó Chủ nhiệm Chính trị Tập đoàn Viettel, bày tỏ sau khi kết thúc chuyến hải trình nhiều ngày trên biển đến thăm các đảo và nhà giàn DK1 cùng đoàn công tác. Nhiều đại biểu trong đoàn công tác cũng cho biết cảm nhận khó quên sau chuyến đi là niềm tự hào dân tộc, sự nể phục và biết ơn các chiến sĩ, quân - dân trên các đảo và nhà giàn DK1. Mỗi chuyến đi đưa đoàn đại biểu đến Trường Sa và DK1 cũng đã tiếp thêm niềm tin, sức mạnh cho chiến sĩ hải quân và các lực lượng đang ngày đêm vững vàng nơi tuyến đầu để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo.

Trong chuyến công tác, đoàn đã thực hiện nhiều hoạt động ý nghĩa, tặng nhiều phần quà tri ân quân và dân đang sinh sống, thực hiện nhiệm vụ. Đoàn đã tổ chức lễ tưởng niệm các cán bộ, chiến sĩ hải quân đã anh dũng hy sinh tại quần đảo Trường Sa và thềm lục địa phía Nam; dự lễ chào cờ cùng cán bộ, chiến sĩ trên đảo Song Tử Tây; tổ chức các buổi biểu diễn phục vụ bộ đội và nhân dân trên các đảo, nhà giàn DK1; giao lưu văn hóa, thăm nơi ăn chốn ở, sinh hoạt của các lực lượng…

Những người lần đầu tiên đến Trường Sa và cũng lần đầu tiên dự lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh trên quần đảo này đều không giấu được sự xúc động. Nhiều người đã bật khóc khi hoa và hạc giấy được thả xuống biển…

Kết nối Trường Sa với đất liền - Ảnh 1.

Lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh khi bảo vệ quần đảo Trường Sa

Lễ tưởng niệm được tổ chức trên tàu, trước khi đoàn lên đảo Cô Lin. Cách đảo Cô Lin không xa là đảo Gạc Ma - nơi cách đây 35 năm, ngày 14-3-1988, đã diễn ra cuộc chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam chống lại kẻ xâm lược để bảo vệ biển đảo. Trong cuộc chiến đấu không cân sức này đã xuất hiện những tấm gương ngời sáng của cán bộ, thủy thủ tàu và các chiến sĩ trên đảo, như: Liệt sĩ thiếu úy Trần Văn Phương, Phó chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma; đại úy Vũ Phi Trừ, thuyền trưởng tàu HQ-604…

Trong đoàn công tác có chị Trần Thị Thủy, con gái của liệt sĩ - thiếu úy Trần Văn Phương. Chị Thủy - đang công tác tại Lữ đoàn 146 Vùng 4 Hải quân - không giấu sự xúc động tại lễ tưởng niệm, bật khóc nức nở khi thắp nhang và thả hoa, hạc giấy cho cha và đồng đội của ông…

Kết nối Trường Sa với đất liền - Ảnh 2.

Chị Trần Thị Thủy (bìa phải), con liệt sĩ Trần Văn Phương, tại lễ tưởng niệm

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, chị Trần Thị Thủy cho biết dù là lần thứ 4 tới Trường Sa nhưng cảm xúc vẫn như lần đầu tiên. "Tôi luôn mong muốn được đi theo con đường của bố để góp một phần công sức nhỏ bé của mình cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Khi ra thăm các đảo ở Trường Sa, tôi rất hạnh phúc, thấy niềm tin của mình mãnh liệt hơn, tin tưởng những thế hệ đi sau luôn ngày đêm canh gác, bảo vệ chủ quyền biển đảo, đất liền" - con gái của liệt sĩ Trần Văn Phương bày tỏ.

Hội ngộ giữa trùng khơi

Đoàn công tác đã thăm và làm việc trên các đảo Song Tử Tây, Đá Nam, Đá Tây A, Cô Lin, Sinh Tồn, Trường Sa, nhà giàn DK1/7 Huyền Trân. Mỗi lần bước chân lên một đảo, nhiều đại biểu cho biết đều có những cảm xúc thật khó quên.

NSND Nguyễn Mạnh Cường khẳng định nếu được phép và có điều kiện, ông vẫn tiếp tục đăng ký đi Trường Sa. Ông bảo hễ nhắc tới Trường Sa là trong lòng lại nôn nao nhớ biển, nhớ đảo, nhớ hình ảnh những chiến sĩ đang đứng canh gác để bảo vệ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc mình.

Trong chuyến công tác lần này, chúng tôi đã chứng kiến những hình ảnh xúc động: Bố đi thăm con, vợ thăm chồng đang là chiến sĩ trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Không chỉ người trong cuộc mà các đại biểu trong đoàn cũng xúc động khi chứng kiến khoảnh khắc đoàn tụ, hội ngộ sau nhiều tháng xa cách, chỉ có thể nghe tiếng nói qua điện thoại.

Chị Phan Thị Huyền Trang (ngụ tỉnh Khánh Hòa) là vợ của chiến sĩ Trịnh Văn Thành, đang công tác trên đảo Sinh Tồn. Chị cho hay chuyến đi lần này không chỉ là lần đầu được đến Trường Sa mà còn là một cuộc trùng phùng, được gặp chồng sau thời gian dài xa cách. Do đặc thù công việc, anh Thành thường xuyên công tác ở các đảo Song Tử Tây, An Bang, Sinh Tồn… Thời điểm chị báo tin sẽ được tham gia đoàn công tác ra thăm quân và dân trên đảo Trường Sa, anh Thành vừa mừng vừa lo lắng vợ bị say sóng.

"Nếu đi theo đoàn thân nhân thì sẽ được ở lại vài ngày trên đảo nhưng đi theo đoàn công tác thì chỉ có 2 giờ ngắn ngủi. Anh Thành lo vợ mệt, không ăn uống được và ở nhà còn con gái nhỏ. Tôi đùa, bảo em ra thăm anh chỉ là phụ, còn đi Trường Sa mới là chính, bởi không phải lúc nào cũng có cơ hội ra đây" - chị Trang hạnh phúc.

Nếu ngày thứ 4 của hải trình, chị Trang đã được gặp người chồng thương nhớ thì phải đến ngày thứ 6, ông Lê Mạnh Dần (ngụ TP Hải Phòng; đang công tác tại Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực I) mới được ôm người con trai là chiến sĩ Lê Thành Đức. Anh Đức xin tham gia quân ngũ khi đang là sinh viên năm nhất Trường Đại học Hàng hải, sau khi bảo lưu kết quả học tập.

Nhìn con trai rắn rỏi, mạnh mẽ, toát lên khí chất của một người lính đảo, ông Lê Mạnh Dần cho biết ông đã yên tâm và tin tưởng hơn nhiều. Tham gia quân ngũ là nguyện vọng chính đáng của con nên ông và gia đình rất ủng hộ...

Với chúng tôi, chuyến đi lần này là hành trình đặc biệt. Mỗi lần tạm biệt chiến sĩ và người dân Trường Sa, đoàn đều giơ tay cao vẫy chào cùng với những lời nhắn nhủ và hy vọng một ngày không xa sẽ được trở lại quần đảo thân thương này. 

Mang hơi ấm từ đất liền đến các đảo

Chuẩn đô đốc, Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân Phan Tuấn Hùng cho biết trong thời gian tới, Quân chủng Hải quân sẽ tổ chức nhiều chuyến đi thăm Trường Sa.

"Với tinh thần "Tất cả vì Trường Sa thân yêu", đoàn công tác đã mang hơi ấm từ đất mẹ đến cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên các đảo và nhà giàn DK1; động viên và tạo động lực cho cán bộ, chiến sĩ yên tâm công tác, khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ" - Chuẩn đô đốc Phan Tuấn Hùng nhấn mạnh.

13-hinh-3-trang-13-ngay-14-5

Chuẩn đô đốc Phan Tuấn Hùng (thứ 2 từ phải sang) cùng các văn công, chiến sĩ hát giao lưu qua vô tuyến với chiến sĩ nhà giàn DK1/7 Huyền Trân

Theo ông Lê Đình Hải, Chủ tịch UBND huyện Trường Sa, so với trước đây, cuộc sống trên các đảo hiện đã có nhiều đổi thay. Cơ sở hạ tầng, điều kiện sinh hoạt, làm việc ngày càng được cải thiện. "Chúng tôi mong muốn tất cả người dân Việt Nam, kể cả kiều bào ở nước ngoài, đều có dịp ra thăm Trường Sa để biết cuộc sống, sinh hoạt, sự cống hiến của các chiến sĩ đang ngày đêm bảo vệ chủ quyền biển đảo và cả sự đổi thay của quần đảo này" - ông Lê Đình Hải bày tỏ.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo