Khi chưa đến Trường Sa, tôi được nghe, được đọc, được xem nhiều tin tức về chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; về những người chiến sĩ hải quân ngày đêm căng mình với gió sương, nắng cháy, chịu nhiều gian truân vất vả, quyết một lòng canh giữ biển đảo quê hương. Trong lòng dâng lên niềm cảm phục các anh.
Những gì được biết qua tin tức, hình ảnh đã thôi thúc tôi, để khi tốt nghiệp sư phạm, bằng bất cứ giá nào cũng phải viết đơn tình nguyện xin ra Trường Sa dạy học cho bằng được. Tôi khao khát, mong muốn chia sẻ, góp một phần công sức nhỏ bé của mình để cùng với các anh xây dựng bảo vệ vùng trời, vùng biển của đất nước.
Tác giả - thầy giáo Nguyễn Hữu Phú (bìa trái) cùng với thầy giáo Nguyễn Bá Ngọc chia vui với học sinh Trường Tiểu học xã Song Tử Tây trong ngày tổng kết năm học 2020-2021
Tôi được chọn ra Trường Sa dạy học vào cuối tháng 5-2018. Được bước chân lên tàu Trường Sa (HQ-571; tàu vận tải lớp K122 thuộc biên chế Hải quân Nhân dân Việt Nam) là niềm tự hào vô bờ.
Sau 2 ngày khởi hành thời tiết đẹp, biển trong xanh dịu êm, đến ngày thứ 3, áp thấp nhiệt đới xuất hiện, di chuyển theo hướng tàu đang đi. Rồi những ngày liên tiếp sau đó, áp thấp mạnh lên thành bão, con tàu của chúng tôi chao nghiêng, chòng chành, quăng quật dữ dội. Những con sóng cao đổ trắng xóa phủ lên cả mạn tàu. Anh em trong đoàn ai nấy đều nằm bẹp, trong đầu quay cuồng như chong chóng, ăn uống chỉ cầm hơi. Chỉ thấy sóng gió Trường Sa qua tivi, khó có thể cảm nhận hết sự vất vả, nguy hiểm khôn lường nơi đầu sóng ngọn gió.
Khi đến đảo Song Tử Tây, vì sóng to gió lớn nên xuồng không đưa chúng tôi vào đảo được. Tàu HQ-571 phải neo đậu nhiều ngày vòng quanh bên ngoài đảo. Chờ khi nào gió êm, sóng hạ xuống cấp 3, cấp 4 thì lúc đó mới an toàn để đưa chúng tôi vào đảo.
Sau 2 tuần thì thời tiết dần ổn định. Trưởng đoàn quyết định thả xuồng trên tàu xuống để di chuyển mọi người vào đảo. Mặc dù sóng gió đã êm hơn nhiều so với lúc trước nhưng việc đưa chúng tôi vào đảo cũng gặp vô cùng khó khăn. Các chiến sĩ phải ra sức căng kéo dây giằng, quần thảo với sóng để giữ xuồng không bị lật. Có nhiều chiến sĩ bị bong tróc da tay đến chảy máu vì giữ dây cho chúng tôi được lên và xuống xuồng cho an toàn. Thấy anh em bị thương, tôi hỏi thì một chiến sĩ trả lời: "Anh em đã quá quen như vậy rồi. Vào những mùa biển động, việc đưa ngư dân lên bờ còn vất vả hơn nhiều". Nghe chiến sĩ nói, tôi lặng nhìn, thầm cảm phục, biết ơn các anh. Tình cảm giữa quân và dân nơi đầu sóng ngọn gió thật thân tình, ấm áp.
Đến hôm nay, tôi giảng dạy tại Trường Tiểu học xã đảo Song Tử Tây được 3 năm. Khi ra đến nơi đây mới biết, mới thấu hiểu tường tận hết được cụm từ "thời tiết khắc nghiệt" là như thế nào. Nắng, gió, bão ở Trường Sa khác hẳn ở đất liền. Cái nắng ở đây là cái nắng khét nồng, gió táp sém da, bão cuộn sóng cao quăng quật điên cuồng, trắng xóa bốn bề. Nhưng các anh chiến sĩ vẫn ngày đêm súng chắc trong tay, trừng mắt sa trường hiên ngang đứng gác.
Khi đến mùa biển động, có bão, tôi nhìn thấy những con sóng cao hàng chục mét như muốn nuốt chửng những chiếc tàu đang chao đảo giữa mênh mông biển cả bất cứ lúc nào. Mặc dù lúc trời đang giông gió, các anh ở đội âu tàu vẫn ra đứng bờ kè trước cửa âu, cầm cờ báo hiệu, hướng dẫn tàu thuyền đi vào trong âu để tránh trú. Còn các anh trong ban chỉ huy đảo đội mưa gió đi khắp nẻo, gõ từng nhà, thăm hỏi, động viên, dặn dò từng li từng tí một. Các anh huy động chiến sĩ phụ giúp dân chằng chống nhà cửa, giúp ngư dân neo, cột dây tàu thuyền, luôn theo dõi sát sao tình hình mưa bão để ứng phó bảo vệ đồng bào kịp thời.
Khi mưa bão qua đi, các anh trong ban chỉ huy đảo gọi các chiến sĩ đến phụ thu dọn những cây gãy đổ và tặng những vật phẩm như mì gói, đồ hộp... Còn các anh quân y thì thăm khám, cấp thuốc men cho các ngư dân để tiếp tục vươn khơi bám biển.
Một trong những hình ảnh gây cho tôi xúc động, đầy niềm tự hào, thiêng liêng đó là buổi lễ chào cờ trước cột mốc chủ quyền. Tôi đã từng dự lễ chào cờ trong suốt bao nhiêu năm học trong trường phổ thông nhưng lần chào cờ này, tôi không kìm nén nỗi xúc động, đã rơi nước mắt.
Đứng giữa đảo xa, giữa trùng khơi mênh mông sóng nước, nơi Trung Quốc vẽ "đường lưỡi bò", "đường chín đoạn" phi pháp; nơi mà các chiến sĩ đã hy sinh tuổi thanh xuân, xa gia đình, vợ con đang ngày đêm căng mình canh giữ bảo vệ quê hương, nước mắt tôi cứ chực trào. Và lúc tất cả mọi người xếp hàng ngay ngắn, thẳng tắp trước cột mốc, trước lá cờ Tổ quốc, người quân nhân bước lên dõng dạc, đanh thép đọc mười lời thề, ai nấy đều tập trung hát Quốc ca trên nền nhạc với khí thế hào hùng, trong tôi, lòng tự hào, tự tôn dân tộc trỗi dậy mãnh liệt.
Tất cả những hình ảnh đó đã giúp tôi mạnh mẽ hơn, kiên cường hơn, càng yêu biển đảo quê hương mình hơn. Những năm tháng dạy học ở Trường Sa là hành trình trải nghiệm quý báu để mai này trở về đất liền, tôi lại tiếp tục đưa vào bài giảng, kể cho các em, thế hệ mai sau về biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Trường Sa anh hùng, luôn là niềm kiêu hãnh. Chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc luôn bất khả xâm phạm!
Thi viết về biển đảo
Cuộc thi viết "Chủ quyền biển đảo bất khả xâm phạm" năm 2020-2021 do Báo Người Lao Động tổ chức diễn ra từ ngày 1-8-2020 đến hết ngày 15-5-2021. Lễ trao giải dự kiến tổ chức vào ngày 1-6-2021, gồm 1 giải nhất 50 triệu đồng, 1 giải nhì 30 triệu đồng, 1 giải ba 20 triệu đồng và 2 giải khuyến khích, mỗi giải 10 triệu đồng.
Tác phẩm dự thi gửi về Báo Người Lao Động - 127 Võ Văn Tần, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP HCM; email: chuquyenbiendao@nld.com.vn.
Bình luận (0)