Ngoài hải quân và cảnh sát biển là lực lượng chủ lực bảo vệ biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc, còn có một lực lượng hùng hậu luôn giúp đỡ ngư dân, bảo vệ ngư trường đánh bắt truyền thống. Đó là lực lượng kiểm ngư Việt Nam.
Xông pha nơi đầu sóng ngọn gió
Trước diễn biến phức tạp của an ninh biển Đông và yêu cầu bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, thềm lục địa của Tổ quốc trong tình hình mới, ngày 29-5-2014, Chi đội Kiểm ngư số 2 thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được thành lập, trụ sở đặt tại phường 12, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Với chức năng, nhiệm vụ tuần tra kiểm soát, phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật và thanh tra chuyên ngành thủy sản; đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, giữ vững môi trường hòa bình trên biển; tìm kiếm cứu nạn, bảo vệ ngư dân, 8 năm qua, những con tàu của Chi đội Kiểm ngư số 2 đã thực hiện hàng chục lần cứu hộ tàu cá của ngư dân các tỉnh Bình Thuận, Phú Yên, Bà Rịa - Vũng Tàu gặp nạn. Đặc biệt là giải cứu tàu cá ngư dân thoát khỏi sự vây ráp, rượt đuổi của tàu Hải giám Trung Quốc khi đánh bắt cá trong vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam.
Kiểm ngư viên Chi đội Kiểm ngư số 2 phát tờ rơi, tuyên truyền ngư dân đánh bắt đúng quy định trên biển
Trong đó, đáng chú ý là lần Chi đội Kiểm ngư số 2 cứu hộ 5 ngư dân tàu cá BĐ 93317 TS bị chìm khi đánh bắt thủy hải sản trên vùng biển Trường Sa của Việt Nam ngày 10-10-2021. Khi đó, tàu KN272 của Chi đội Kiểm ngư số 2 đang làm nhiệm vụ bảo vệ ngư trường tại khu vực nhà giàn DK1 thì nhận được tín hiệu cứu nạn khẩn cấp. Sau khi xác định tọa độ cần cứu nạn, tàu KN272 khẩn cấp đến vị trí tàu BĐ 93317 TS trong điều kiện sóng to gió lớn.
Tại hiện trường, 5 ngư dân đang cố sức bám vào thành tàu cá gặp nạn. Thuyền trưởng tàu KN272 liền cho thủy thủ quăng phao tròn, cử người bơi khỏe nhảy xuống biển đem áo phao cho 5 ngư dân và dìu họ bám chặt vào dây để kéo lên tàu.
Trên tàu KN272, 5 ngư dân được bác sĩ chăm sóc sức khỏe, test nhanh Covid-19. Ông Huỳnh Văn Quốc, thuyền trưởng tàu cá BĐ 93317 TS, tâm sự khi thấy lực lượng kiểm ngư đến, ông và những ngư dân trên tàu mừng rỡ khôn xiết. Với ông, hình ảnh lực lượng kiểm ngư rất đẹp, luôn xông pha nơi đầu sóng ngọn gió, làm bạn đường giúp ngư dân vượt qua gian khó.
Trước khi bàn giao các ngư dân cho Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Phó Chủ nhiệm Chính trị Vùng 2 Hải quân, đại tá Vũ Duy Lưu, bắt tay từng người và trao quà. Ông khẳng định: "Ngư dân ở đâu, kiểm ngư ở đó. Bà con cứ yên tâm vươn khơi bám biển đánh bắt làm ăn. Kiểm ngư, hải quân, cảnh sát biển luôn đồng hành với bà con trong hành trình khai thác, đánh bắt xa bờ".
Bảo vệ ngư trường, hỗ trợ ngư dân
Trong quá trình ngư dân khai thác thủy hải sản xa bờ, điều làm các cơ quan chức năng "đau đầu" là một số người đánh bắt ở khu vực chồng lấn giữa vùng biển của Việt Nam với các nước.
Theo ông Nguyễn Văn Hiển (ngụ phường 5, TP Vũng Tàu) - một trong nhiều "sói biển" dành cả thời trai trẻ cho những chuyến khai thác hải sản dài ngày trên các vùng biển của Việt Nam, sở dĩ ngư dân thích đánh bắt cá ở khu vực biển giáp ranh, chồng lấn vì đây là nơi nước sâu, có rất nhiều cá, được xem như "túi cá" của đại dương. Tuy nhiên, đây cũng là nơi thường xuyên xảy ra nạn cướp biển và các vụ xua đuổi, vây ráp, bắt bớ của tàu nước ngoài đối với tàu cá Việt Nam. Vì vậy, cơ quan chức năng khuyến cáo tàu cá của ngư dân không đến gần vùng biển giáp ranh, chồng lấn và cấm đánh bắt ở khu vực này.
Từ năm 2019 đến cuối năm 2021, hàng ngàn ngư dân Việt Nam đã bị lực lượng chức năng nước ngoài bắt giữ vì đánh bắt hải sản ở khu vực biển giáp ranh, chồng lấn. Khi bị bắt giữ, các ngư dân bị phạt tiền, phạt tù. Thậm chí, phía nước ngoài còn bắn vào tàu cá ngư dân để trấn áp. Nhiều phương tiện tàu thuyền bị phá hủy nghiêm trọng.
Để bảo vệ ngư dân, nhiều năm qua, Chi đội Kiểm ngư số 2 đã phối hợp với các đơn vị hải quân, cảnh sát biển thường xuyên tuần tra, kiểm soát, bảo vệ ngư trường, hỗ trợ ngư dân, đặc biệt là tuyệt đối không cho ngư dân đánh bắt trái quy định.
Tàu kiểm ngư Việt Nam cùng lực lượng hải quân rời cảng đi làm nhiệm vụ
Ông Ngô Đăng Hoài, cán bộ Chi đội Kiểm ngư số 2, cho biết mỗi năm, chi đội cử hơn 300 lượt tàu cùng lực lượng kiểm ngư viên ra biển bảo vệ ngư dân. Chi đội thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng hướng dẫn ngư dân đánh bắt; tích cực tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nhất là Luật Thủy sản năm 2017, Luật Biển Việt Nam… nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho bà con.
"Chúng tôi còn in tờ rơi có bản đồ vùng biển và tần số các đài canh 8.044 KHz, 7.903 KHz, 13.098 KHz, kênh 16 VHF (tần số 156.800 MHz). Chúng tôi phân tích cho ngư dân hiểu việc khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy - vừa ảnh hưởng trực tiếp đến bà con vừa ảnh hưởng mối quan hệ giữa nước ta với các nước trong khu vực" - ông Hoài nhấn mạnh.
Trên các vùng biển, các đảo tiền tiêu của Tổ quốc, lực lượng kiểm ngư vẫn ngày đêm làm công việc thầm lặng của mình như thế. Họ được ví như những người lính không quân hàm, luôn đồng hành với ngư dân trên mọi vùng biển đảo xa bờ của Tổ quốc.
Mời tham gia cuộc thi viết "Chủ quyền quốc gia bất khả xâm phạm"
Từ thành công của cuộc thi viết "Chủ quyền biển đảo bất khả xâm phạm" lần 1 năm 2020-2021, Báo Người Lao Động phát động cuộc thi viết lần 2 năm 2021-2022 với chủ đề "Chủ quyền quốc gia bất khả xâm phạm".
Nội dung, phạm vi đề tài:
- Phản ánh việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của đất nước, của ngành, của địa phương trong công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, nhất là đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; công cuộc bảo vệ, xây dựng, phân giới, cắm mốc, bảo vệ đường biên giới trên bộ.
- Phản ánh khách quan, sinh động, sâu sắc về đường lối ngoại giao của Việt Nam trong công cuộc bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ quốc gia của đất nước ta.
- Biểu dương tập thể, cá nhân, gương điển hình trong thực thi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền; sự hy sinh, cống hiến của người chiến sĩ Hải quân, Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng... đang ngày đêm canh gác ngoài biển khơi, vùng biên giới.
- Đề xuất ý tưởng, giải pháp có căn cứ khoa học trong việc tuyên truyền đấu tranh bảo vệ chủ quyền; về phát triển kinh tế biển, văn hóa biển, bảo vệ môi trường biển Việt Nam, phát triển kinh tế khu vực biên giới...
Thể lệ, yêu cầu:
- Là bài viết thể loại phóng sự, ký sự, ghi chép, bình luận, phản ánh, tường thuật, ghi nhanh...
- Tác phẩm dự thi (bài và ảnh; clip/video) chưa đăng, phát trên bất kỳ phương tiện đại chúng nào, kể cả trang cá nhân.
- Các tác phẩm có liên quan đến tư liệu, tài liệu lịch sử..., tác giả phải gửi kèm bài viết hoặc trích nguồn, dẫn nguồn.
- Mỗi bài dự thi chỉ đăng 1 kỳ, không quá 1.700 chữ; bắt buộc có ít nhất 3 ảnh chụp nhân vật hoặc vấn đề liên quan tình tiết, nội dung bài báo. Ảnh gửi kèm theo bài, không dán ảnh vào bản thảo.
- Mỗi tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm dự thi.
Đối tượng tham gia:
Tất cả công dân Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam và nước ngoài, người nước ngoài đang sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam đều được tham gia cuộc thi trên.
Thời gian:
- Nhận tác phẩm dự thi từ ngày 28-8-2021 đến hết ngày 15-5-2022. Lễ trao giải dự kiến trong tháng 6-2022.
- Tác phẩm dự thi gửi qua email: chuquyenbiendao@nld.com.vn. Tác phẩm dự thi ghi rõ tên tác giả, bút danh, kèm địa chỉ, số điện thoại liên lạc, tài khoản ngân hàng. Tác phẩm dự thi đăng báo được trả nhuận bút theo quy định của Báo Người Lao Động.
Cơ cấu giải thưởng:
- Giải nhất (1 giải): 50 triệu đồng.
- Giải nhì (1 giải): 30 triệu đồng.
- Giải ba (1 giải): 20 triệu đồng.
- Giải khuyến khích (2 giải): 10 triệu đồng/giải.
Bình luận (0)