xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Phía sau những "pháo đài thép"

Bài và ảnh: Mai Thắng

Mỗi nhà giàn DK1 được coi là "bia chủ quyền sống", là "pháo đài thép" canh biển. Ở đó, những người lính hải quân đã cống hiến tuổi thanh xuân cho Tổ quốc, để mỗi nhà giàn mãi mãi là thế đứng Việt Nam

Tại "đại bản doanh" của Tiểu đoàn DK1 đóng quân tại bán đảo Long Sơn (TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), trung tá Nghiêm Xuân Thái, Chính trị viên Tiểu đoàn DK1, đưa chúng tôi đến gặp những viên sĩ quan đầu tiên xây dựng nhà giàn DK1 - Phúc Tần 3 vào mùa xuân 1989. Trong đó có trung tá Trần Xuân Vọng, nguyên Hải đoàn trưởng Hải đoàn 129 Hải quân.

"Cột mốc chủ quyền" đầu tiên

Theo lời kể của vị cựu binh hải quân này, sau khi phía hải quân Trung Quốc cho binh lính xuống tàn sát 64 cán bộ, chiến sĩ Hải quân Việt Nam ở đảo đá Gạc Ma ngày 14-3-1988, Tư lệnh Hải quân, Đô đốc Giáp Văn Cương đã đề nghị Bộ Quốc phòng khẩn cấp cho triển khai đóng các nhà cao chân trên các bãi cạn ngoài thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Việc gấp rút đóng các nhà cao tầng trên các bãi cạn là tạo ra "vành đai thép" bảo vệ Tổ quốc từ hướng biển.

Được Bộ Chính trị chấp thuận, Bộ Quốc phòng chủ trì, giao cho Quân chủng Hải quân thực hiện. Lữ đoàn 171 là đơn vị trực tiếp thực hiện nhiệm vụ đặc biệt quan trọng này. Trung tuần tháng 3- 1989, biên đội tàu HQ-771 và HQ-723 thuộc Hải đoàn 129 Hải quân do trung tá Trần Xuân Vọng chỉ huy và biên đội tàu HQ-713, HQ-668 của Lữ đoàn 171 do trung tá Hoàng Kim Nông, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 171, chỉ huy khẩn cấp ra bãi cạn Phúc Tần, dựng chân đế xây dựng nhà giàn Phúc Tần 3. Sau khi tàu kéo chuyên dụng của Bộ Giao thông Vận tải chở chân đế boong-tông cùng vật liệu sắt thép ra bãi cạn Phúc Tần, cuộc "chiến đấu đặc biệt" trong lòng đại dương của các thợ lặn bắt đầu.

Trung tá Trần Xuân Vọng vẫn nhớ như in ngày ông và đồng đội vượt biển trên con tàu "lá tre". "Sau sự kiện Gạc Ma ngày 18-3 -1988, việc đi DK1 chẳng khác gì vào chiến trận. Phương tiện tàu thuyền lúc đó sơ sài. Chúng tôi phải hành quân 3 ngày 3 đêm mới ra được bãi cạn Phúc Tần. Thời tiết lúc đó rất khắc nghiệt. Nắng cháy da, sóng to, gió lớn, giông tố bất thường. Nhìn trên mặt biển bằng phẳng nhưng dưới đại dương những núi san hô nhọn hoắt và chập chùng. 13 thợ lặn chuyên nghiệp của Xí nghiệp Vận tải biển và công tác lặn (thuộc Liên doanh Dầu khí Vietsovpetro) mặc quần áo nhái, đeo bình ôxy, lặn sâu dưới đáy biển, dùng công cụ chuyên dùng khoét một lỗ rộng, bán kính 16 m rồi đặt khối boong-tông vào đó. Khi khối boong-tông được bơm đầy xi-măng đánh chìm xuống đáy, những thợ lặn vừa phải chống chọi với dòng nước chảy vừa "lái" khối boong-tông vào đúng lỗ đã được đào sẵn" - ông Vọng kể lại.

Chúng tôi tìm gặp ông Nghiêm Văn Hùng, một thợ lặn kỳ cựu của Xí nghiệp Vận tải biển và Công tác lặn có mặt từ ngày đầu tiên đặt chân đế nhà giàn Phúc Tần 3. Sau những năm tháng "sống với biển, vui buồn với biển", ông Hùng đã nghỉ hưu, tóc bạc phơ nhưng chí khí xây dựng nhà giàn DK1 thì vẫn như thời trẻ tuổi. Ông Hùng bảo: "Để bảo đảm tiến độ công trình, chúng tôi làm bất kể ngày đêm. Hàn xì dưới đáy biển nên hiểm nguy rình rập, chỉ cần chập điện hoặc đứt ống dẫn khí là tử vong. Thời tiết luôn bất thường. Có khi trời đang trong xanh bỗng sấm chớp ầm ầm, sóng biển cuồn cuộn dâng lên. Chuyện đóng nhà giàn gian khổ lắm nhưng nghĩ lại thấy sung sướng vì được cống hiến sức lực cho biển đảo".

Sau hơn 7 tháng chạy đua với sóng gió, ngày 10-6-1989, cột mốc chủ quyền đầu tiên mang phiên hiệu Phúc Tần 3 hoàn thành. Nhìn nhà giàn sừng sững trên sóng nước, những người lính công binh hải quân và thợ lặn vui sướng trào nước mắt. Họ nghĩ về đất liền, vợ, con, người thân gia đình đang chờ đón họ trở về.

Phía sau những pháo đài thép - Ảnh 1.

Các chiến sĩ trong giờ huấn luyện bảo vệ nhà giàn

Phía sau những pháo đài thép - Ảnh 2.

Nhà giàn Phúc Tần 3 - thế hệ đầu tiên của DK1Ảnh: Tư liệu

Hy sinh thầm lặng

Trung tuần tháng 10, tôi tìm đến nhà cựu binh Bùi Xuân Bổng, ở khu gia binh hải quân, đường Đô Lương, TP Vũng Tàu.

Sau 34 năm gửi tuổi thanh xuân ở nhà giàn DK1, ông Bổng về hưu với cấp hàm trung tá. Đến thời điểm này, trung tá Bổng là "tấm thẻ số 1" về số năm công tác ở DK1. Ông cũng là người chứng kiến 3 liệt sĩ hy sinh ở nhà giàn Phúc Tần 31 năm về trước. "Trận bão cuối tháng 12-1989 đánh sập nhà giàn. Tôi và 7 anh em thoát kịp ra biển. Tôi không thể nào quên, lúc nguy nan nhất, chú Quảng (liệt sĩ trung úy Nguyễn Hữu Quảng) đã nhường mảnh lương khô cuối cùng cho đồng đội rồi để sóng cuốn đi. Trận bão tố này, có 3 đồng chí hy sinh. Sau hơn 31 năm tồn tại với tư cách là "cột mốc chủ quyền quốc gia trên biển", đã có 12 cán bộ chiến sĩ hy sinh. Mỗi lần nhắc đến đồng đội đã ngã xuống, ai cũng nhói lòng" - ông Bổng hồi tưởng.

Đại tá Hoàng Văn Tuyên, nguyên Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân, cũng là người nhiều lần chứng kiến sự hy sinh của những đồng đội trong quá trình xây dựng, bảo vệ các nhà giàn mà đến tận bây giờ ông không thể nào quên. Đó là ở bãi cạn Tư Chính, vào đêm 23 tháng chạp năm 1990, một trận bão đã đánh chìm tàu 668. Máy trưởng Lê Tiến Cường hy sinh, sau gần 2 ngày mới vớt được thi thể.

Rạng sáng 13-12-1998, nhà giàn Phúc Nguyên bị bão tố đánh sập, cuốn theo xuống đại dương đại úy sĩ quan Vũ Quang Chương, trung úy chuyên nghiệp Nguyễn Văn An và chuẩn úy Lê Đức Hồng. Thi thể các anh vĩnh viễn nằm lại biển khơi.

Từ tháng 12-1989 đến nay, thêm 5 cán bộ chiến sĩ nữa hy sinh, bỏ lại sự nghiệp dở dang, phía sau là hậu phương gia đình.

Vì nhiều lý do khác nhau mà tháng 7-2009, bộ đội DK1 mới được gọi đúng tên là "cán bộ chiến sĩ". Và cũng kể từ đó, nhân dân cả nước mới biết rằng, ngoài thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc, có những người lính đóng quân chốt giữ trên các bãi san hô ngầm để "canh giặc đến từ hướng biển". Nói như đại tá Hoàng Văn Tuyên, các nhà giàn được dựng xây bằng ý chí kiên cường, sự cống hiến, hy sinh anh dũng của người lính, những chiến sĩ Hải quân Việt Nam anh hùng.

Hiện nay, trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc có 15 nhà giàn DK1, chia thành 6 cụm, đóng quân thành vòng cung trấn giữ phía ngoài, bảo vệ cho giàn khoan dầu khí (DK2) hoạt động. Mỗi nhà giàn được coi là "bia chủ quyền sống", là "pháo đài thép" canh biển. Ở đó, những người lính hải quân đã cống hiến tuổi thanh xuân cho Tổ quốc, cho mỗi nhà giàn mãi mãi là thế đứng Việt Nam. 

Trung tá Bùi Xuân Bổng nói rằng các cán bộ, chiến sĩ DK1 được coi là “những cột mốc sống” trên biển. Họ cống hiến và sẵn sàng hy sinh bản thân, hạnh phúc riêng tư gia đình mà chưa bao giờ tính toán thiệt hơn.

Mời bạn đọc thi viết về biển đảo

Cuộc thi viết "Chủ quyền biển đảo bất khả xâm phạm" năm 2020-2021 do Báo Người Lao Động tổ chức diễn ra từ ngày 1-8-2020 đến hết ngày 15-5-2021. Lễ trao giải dự kiến tổ chức vào ngày 1-6-2021 (nhân dịp kỷ niệm 2 năm chương trình "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển"), gồm 1 giải nhất 50 triệu đồng, 1 giải nhì 30 triệu đồng, 1 giải ba 20 triệu đồng và 2 giải khuyến khích - mỗi giải 10 triệu đồng.

Báo Người Lao Động trân trọng mời bạn viết tham gia cuộc thi. Nội dung, thể lệ cuộc thi và các quy định xem chi tiết tại: https://nld.com.vn/ban-doc/hap-dan-cuoc-thi-viet-ve-chu-quyen-bien-dao-20200803210847858.htm. Tác phẩm dự thi gửi về Tòa soạn Báo Người Lao Động, 123-127 Võ Văn Tần, phường 6, quận 3, TP HCM; email: chuquyenbiendao@nld.com.vn.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo