Tôi có cơ hội được đến với huyện Phú Quý, tỉnh Bình Thuận vào những ngày đầu tháng 8-2019, trong chuyến công tác thực hiện chương trình dân vận "Cảnh sát biển đồng hành cùng ngư dân" của Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3. Đã 2 năm chưa trở lại Phú Quý nhưng trong tôi, những ấn tượng khó phai về huyện đảo hoang sơ, bình dị, thân thương cứ như của ngày hôm qua.
Phú Quý là một huyện đảo của tỉnh Bình Thuận, diện tích tự nhiên hơn 17 km2, dân số hơn 28.000 người vào năm 2019. Phú Quý cũng được xem là một quần đảo với 12 đảo lớn, nhỏ nằm ngoài cùng hệ thống đảo ở cực Nam Trung Bộ, cách TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận khoảng 110 km về phía Đông Nam; cách quần đảo Trường Sa 540 km về hướng Tây Nam; cách TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa 150 km về phía Nam; cách Côn Đảo 330 km về phía Đông Bắc và cách TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu 200 km về phía Đông. Đây được đánh giá là vị trí chiến lược trong bảo vệ đất liền và là tuyến sau của quần đảo Trường Sa, góp phần tạo thế mạnh vững chắc trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Ngay khi vừa đặt chân tới đảo, tôi bắt gặp những hình ảnh rất đỗi đời thường của người dân nơi đây - chợ cá. Tàu vừa cập bến, những người đàn ông cười nói rổn rảng, đưa từng thùng cá, mực lên bờ. Còn những người phụ nữ nhanh nhẹn làm nhiệm vụ "kinh doanh, tiêu thụ". Các chị, các cô nhiệt tình giới thiệu hải sản của mình, tay thoăn thoắt phân loại, bỏ vào túi, thùng xốp cho người mua.
Tiếp đến, đoàn chúng tôi di chuyển đến cột cờ Phú Quý để thực hiện lễ chào cờ và trao tặng cờ Tổ quốc cho huyện Đoàn Phú Quý. Đây là một trong 7 cột cờ chủ quyền được xây dựng trong khuôn khổ dự án xây dựng Cột cờ chủ quyền Tổ quốc tại các đảo tiền tiêu trải dọc đất nước, gồm: đảo Trần (Quảng Ninh), đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), đảo Hòn La (Quảng Bình), đảo Cù Lao Xanh (Bình Định), đảo Phú Quý (Bình Thuận), đảo Côn Sơn (Bà Rịa - Vũng Tàu) và đảo Thổ Chu (Kiên Giang). Cột cờ chủ quyền Tổ quốc tại đảo Phú Quý được khởi công xây dựng vào tháng 6-2015 tại mỏm Đông đồi Chuối, phía dưới là bãi biển Gành Hang (thôn Triều Dương, xã Tam Thanh). Cột cờ làm bằng bê-tông cốt thép, cao 22,6 m, mặt chính hướng ra biển. Lá cờ Tổ quốc của cột cờ có kích thước 4 m x 6 m, được may bằng chất liệu vải có độ bền cao, phù hợp với đặc thù vùng gió biển.
Phú Quý có vị trí chiến lược trong bảo vệ đất liền và là tuyến sau của quần đảo Trường Sa
Lễ chào cờ tại cột cờ chủ quyền Phú Quý
Nhìn lá cờ Tổ quốc tung bay trên nền trời xanh cùng giai điệu hào hùng của bài Quốc ca, trong lòng tôi dấy lên cảm xúc khó tả. Hơn lúc nào hết, tôi cảm thấy thật vinh dự và tự hào khi được trở thành một người chiến sĩ Cảnh sát biển, được góp sức mình cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của quốc gia trên các vùng biển của Việt Nam.
Sau lễ chào cờ, đoàn chúng tôi chia nhau thực hiện nhiều hoạt động như: Đặt vòng hoa viếng nghĩa trang liệt sĩ trên đảo; thăm và tặng quà các gia đình có hoàn cảnh khó khăn; khám, cấp phát thuốc cho người dân; cùng với huyện Đoàn "Chung tay làm sạch bờ biển" và đặc biệt là tổ chức phát tờ rơi, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Từ đó, nâng cao nhận thức của người dân, nhất là ngư dân, về vị trí, vai trò của biển, đảo, các quy định của Luật Cảnh sát biển Việt Nam và các điều ước quốc tế có liên quan... Cũng qua đó giúp ngư dân nắm vững, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật khi hành nghề trên biển; chấp hành tốt việc khai thác, đánh bắt hải sản bền vững.
Điều đặc biệt là những ngày có mặt ở Phú Quý, chúng tôi luôn nhận được sự chào đón nồng hậu của người dân nơi đây. Đối với chúng tôi, mỗi ngư dân cũng giống như một người chiến sĩ Cảnh sát biển, luôn mạnh mẽ, kiên cường nơi đầu sóng ngọn gió. Họ rất nhanh nhạy trong việc phát giác, tố giác các loại tội phạm hoặc tàu lạ hoạt động trên biển có hành vi xâm phạm chủ quyền của Việt Nam hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác. Nhờ đó, lực lượng chức năng nói chung và lực lượng Cảnh sát biển nói riêng đã kịp thời có mặt để ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm, vi phạm.
Sự hiện diện của ngư dân trên các vùng biển của Tổ quốc không chỉ đơn thuần là những hành trình khai thác, đánh bắt hải sản, mà hình ảnh con tàu của ngư dân với lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới còn là biểu tượng của ý chí, nghị lực, tinh thần đoàn kết, kiên cường nơi đầu sóng ngọn gió. Họ chính là những "cột mốc sống" góp phần gìn giữ và bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
Khi ngồi viết những dòng hồi tưởng này, dù thời gian đã trôi qua nhưng những cảm xúc bồi hồi, xúc động của tôi vẫn vẹn nguyên như ngày nào. Tôi rất mong mỏi sẽ lại có dịp được trở lại thăm Phú Quý - nơi có cảnh sắc hoang sơ, bình dị nhưng ấm áp tình người.
Hòn ngọc giữa biển khơi
Đảo Phú Quý thường được ví như "hòn ngọc giữa biển khơi". Thiên nhiên đã ban tặng cho Phú Quý một phong cảnh hoang sơ với các bãi tắm đẹp như vịnh Triều Dương, bãi doi Dừa, bãi nhỏ Gành Hang... Phú Quý còn có nhiều danh thắng nổi tiếng với 3 di tích cấp quốc gia và 8 di tích cấp tỉnh. Từ đầu năm 2016, du lịch Phú Quý đã có những bước phát triển mạnh, mỗi năm thu hút hơn 42.000 lượt du khách trong và ngoài nước.
Theo quyết định phê duyệt quy hoạch phát triển khu du lịch đảo Phú Quý vừa được UBND tỉnh Bình Thuận ban hành, đến năm 2030, Phú Quý sẽ trở thành khu du lịch cấp tỉnh và là điểm đến hấp dẫn với thương hiệu du lịch biển, đảo độc đáo. Mục tiêu phát triển du lịch là đến năm 2025 Phú Quý đón khoảng 45.000 lượt khách, năm 2030 là 74.000 lượt khách, doanh thu du lịch đạt 380 tỉ đồng/năm.
B.T.Q
Bình luận (0)