Những ngày này, cùng cả nước hướng đến kỷ niệm 97 năm Quốc khánh nước Cộng hòa XHCN Việt Nam (2.9.1945 - 2.9.2022), cán bộ, chiến sĩ Trường Sa hăng say tập luyện, thực thi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền. Nhiệm vụ trực canh quan sát, nêu cao cảnh giác và luôn sẵn sàng tinh thần chiến đấu được quán triệt cao độ tới 100% cán bộ, chiến sĩ các đảo nổi, đảo chìm...
"Niềm vui của chúng tôi chỉ trọn vẹn khi đất liền có ngày Quốc khánh thật yên bình" - trung sĩ Bành Văn Ni (đảo An Bang) đã nói như vậy về cảm nhận của chiến sĩ Trường Sa trong những ngày này, khi cả nước chuẩn bị đón mừng ngày lễ lớn.
Theo trung sĩ Bành Văn Ni, lợi dụng những ngày nghỉ lễ, một số tàu nước ngoài thường đến vùng biển Trường Sa, nhà giàn DK1 để thăm dò. Vì thế, nhiệm vụ trực canh quan sát, nêu cao tinh thần cảnh giác được các cán bộ, chiến sĩ phát huy cao độ.
Cán bộ, chiến sĩ ở Trường Sa luôn sẵn sàng tinh thần chiến đấu
Trung sĩ Bành Văn Ni mới ra Trường Sa nhận nhiệm vụ từ đầu năm 2022. Tròn 18 tuổi bước vào quân ngũ, sau 8 tháng dãi dầu nắng gió Trường Sa, anh đã trở thành một chiến sĩ rắn rỏi, đầy nghị lực.
"Ngày tôi chưa vào quân đội, ngủ dậy chăn không biết gấp sao cho gọn gàng, ăn xong có mẹ rửa bát, nhà cửa ít khi nào quét dọn nhưng giờ tất cả công việc đó là "chuyện nhỏ". Tôi cảm giác mình như được "lớn lên" sau những ngày huấn luyện miệt mài tại đảo" - trung sĩ Bành Văn Ni bộc bạch.
An Bang là một trong những đảo chìm thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, một thời được gọi là "lò vôi thế kỷ". Cán bộ, chiến sĩ nơi đây quanh năm bị mặt trời "rọi lửa" nên ai cũng có nước da bánh mật.
Trung úy Nguyễn Văn Đại, công tác ở đảo An Bang, cho hay trong dịp Quốc khánh 2-9 này, cán bộ, chiến sĩ tập trung cao độ vào việc huấn luyện phòng thủ, chống xâm lấn của tàu nước ngoài từ sớm, từ xa. Vượt qua mọi khó khăn, trở ngại của thời tiết, những người lính áo vằn cánh sóng vẫn miệt mài "lăn, lê, bò, trườn", tuần tra canh gác, theo dõi những con tàu "không mời mà đến".
"Huấn luyện, rèn luyện là một trong những cách đặc biệt để trui rèn bộ đội. Để có bản lĩnh gan dạ, kiên cường, tất cả chúng tôi đều phải trải qua những tháng ngày gian khó. Có như vậy, các chiến sĩ mới trưởng thành, gan dạ" - trung úy Nguyễn Văn Đại bày tỏ.
Cũng trong những ngày này, thời tiết trên đảo Tốc Tan C - nằm phía Bắc cụm Tốc Tan thuộc quần đảo Trường Sa - vô cùng khắc nghiệt. Giữa trưa nắng như đổ lửa, một chiến sĩ ôm súng đứng gác trước cột mốc chủ quyền. Anh là trung sĩ Võ Trọng Hải - quê huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.
Những người lính trẻ trên đảo An Bang trong lần giao lưu văn nghệ với một đoàn công tác từ đất liền ra thăm
Bên cạnh lớp khẩu trang màu xanh là đôi mắt cương nghị của người lính trẻ vừa tròn 20 tuổi. "Em ra đảo được 8 tháng rồi. Do nắng gió của đảo Tốc Tan C nên trông em… già hơn" - Võ Trọng Hải vui vẻ.
Chiến sĩ quê Nghệ An này là con thứ 2 trong gia đình có 2 anh em trai. Cha mẹ Hải làm nghề nông nên cuộc sống kinh tế gia đình còn khó khăn. Anh tâm sự ngày mới ra đảo rất nhớ gia đình. Ở đảo không có internet, chỉ có mạng điện thoại Viettel. Nếu ai hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thì cuối tuần được phép gọi điện thoại về thăm hỏi cha mẹ, gia đình.
Võ Trọng Hải khoe khi ra đảo mới 2 tuần, anh đã được gọi điện thoại về nhà. Nghe tiếng con trai trong điện thoại, mẹ anh, bà Võ Thị Sen, bật khóc. Bà dặn con giữ gìn sức khỏe, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao.
"Em ước mơ sẽ phấn đấu trở thành đảng viên và phục vụ trong quân đội lâu dài. Ở đảo này có 3 anh em người Nghệ An. Chúng em đoàn kết và hứa với nhau dù khó khăn, gian khổ vẫn kiên trì phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ, xứng đáng với niềm tin yêu của gia đình và quê hương xứ Nghệ" - trung sĩ Võ Trọng Hải thổ lộ.
Với những người lính đảo, dẫu nhọc nhằn, gian lao bao nhiêu, các anh vẫn thầm lặng cống hiến tuổi thanh xuân, luôn chắc tay súng canh gác biển trời cho Tổ quốc bình yên.
Khâm phục ý chí kiên cường của những người lính Trường Sa, tôi cảm tác bài thơ tặng các anh như món quà nhỏ mừng ngày Quốc khánh
Xanh mãi Trường Sa
Có một Trường Sa xanh
Giữa ngàn trùng sóng gió
Là nơi đồng đội tôi ở đó
Những người lính chân trần cùng muối mặn biển khơi.
Có một Trường Sa xa lắm em ơi
Về quãng đường, không gian, khoảng cách
Giữa trùng khơi hiên ngang khí phách
Rất thân thương gần gũi đất liền.
Có một Trường Sa những người lính trung kiên
Thức trắng đêm canh biển trời hải đảo
Giữa nắng gió sóng càn giông bão
Vẫn kiên cường bám đảo quê hương.
Có một Trường Sa đảo nhỏ kiên cường
Sừng sững hiên ngang như pháo đài canh biển
Bao chàng trai tuổi xanh cống hiến
Vì bình yên đất mẹ phía chân trời.
Có một Trường Sa thương quá đi thôi
Nỗi nhớ đất liền cuộn vào sóng biển
Lính thời bình khác gì thời chiến
Biền biệt xa nhà tám tháng, một năm.
Có một Trường Sa xanh mãi ngàn năm
Đó là màu xanh hòa bình xứ sở
Biển đảo bình yên Việt Nam ta đó
Trường Sa xanh Tổ quốc phía ngàn khơi.
Mời gửi bài dự thi "Chủ quyền quốc gia bất khả xâm phạm"
Với mục đích đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức giữ gìn, bảo vệ vững chắc biển đảo nói riêng và lãnh thổ quốc gia Việt Nam nói chung; đồng thời tiếp nối thành công của Chương trình "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển", Báo Người Lao Động phát động cuộc thi viết "Chủ quyền quốc gia bất khả xâm phạm" lần 3 năm 2022-2023.
NỘI DUNG, PHẠM VI ĐỀ TÀI
- Phản ánh việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của đất nước, của ngành, của địa phương trong công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, nhất là đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; công cuộc bảo vệ, xây dựng, phân giới, cắm mốc, bảo vệ đường biên giới trên bộ.
- Phản ánh khách quan, sinh động, sâu sắc về đường lối ngoại giao của Việt Nam trong công cuộc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia.
- Tập thể, cá nhân, gương điển hình trong thực thi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo, biên giới, lãnh thổ quốc gia; sự hy sinh, cống hiến của chiến sĩ hải quân, cảnh sát biển, bộ đội biên phòng... đang ngày đêm canh gác ngoài biển khơi, vùng biên giới.
- Đóng góp của người dân, ngư dân, các phong trào "Ngày biên phòng toàn dân", "Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới"; các mô hình "Kết nghĩa bản - bản", "Xuân biên cương"... cùng các chương trình vận động, tuyên truyền tình đoàn kết, nâng cao ý thức bảo vệ chủ quyền cho nhân dân khu vực biên giới, hải đảo.
- Đề xuất ý tưởng, giải pháp có căn cứ khoa học trong việc tuyên truyền đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, biên giới, lãnh thổ quốc gia; về phát triển kinh tế biển, văn hóa biển, bảo vệ môi trường biển Việt Nam, phát triển kinh tế khu vực biên giới...
THỂ LỆ, YÊU CẦU
- Là bài viết dưới dạng bình luận, bút ký, phóng sự, ký sự, tường thuật, phản ánh, ghi nhanh, bài cảm xúc...
- Mỗi bài dự thi chỉ đăng 1 kỳ, không quá 1.700 chữ; bắt buộc có ít nhất 3 ảnh chụp nhân vật hoặc vấn đề liên quan tình tiết, nội dung bài viết.
- Bài đã gửi tham dự cuộc thi viết "Chủ quyền quốc gia bất khả xâm phạm" lần 3 năm 2022-2023 do Báo Người Lao Động tổ chức thì không được gửi cho nơi khác, cuộc thi khác.
ĐỐI TƯỢNG DỰ THI
- Tất cả công dân Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam và nước ngoài, người nước ngoài đang sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam.
- Thành viên trong ban tổ chức, ban giám khảo, đơn vị tài trợ và phóng viên, cộng tác viên cơ hữu của Báo Người Lao Động không được tham gia.
THỜI GIAN NHẬN TÁC PHẨM DỰ THI
- Từ ngày phát động 23-6-2022 đến 15-5-2023.
- Địa chỉ nhận tác phẩm dự thi: Tòa soạn Báo Người Lao Động: 123-127 Võ Văn Tần, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP HCM. Điện thoại: 028.3930 5376 - 0903343439. Email: chuquyenbiendao@nld.com.vn.
CƠ CẤU GIẢI THƯỞNG DỰ KIẾN
- Giải nhất (1 giải): 50 triệu đồng.
- Giải nhì (1 giải): 30 triệu đồng.
- Giải ba (1 giải): 20 triệu đồng.
- Giải khuyến khích (2 giải): 10 triệu đồng/giải.
Bình luận (0)