Thời gian qua, biển Đông tưởng chừng như "lặng sóng" nhưng thực tế không phải như vậy. Trong lúc dư luận đổ dồn vào xung đột Nga - Ukraine, ít quan tâm đến tình hình khu vực thì Trung Quốc lại tạo ra những "cơn sóng ngầm", những bước leo thang mới gây phức tạp thêm tình hình biển Đông.
Gia tăng của các hành động gây hấn
Cuộc xung đột Nga - Ukraine tác động sâu sắc đến các nước Đông Nam Á, đặc biệt với những quốc gia trong vùng tranh chấp biển Đông. Các nước này quan ngại nguy cơ xung đột tương tự xảy ra ở khu vực biển Đông.
Thêm nữa, mối quan hệ giữa 2 cường quốc Mỹ và Trung Quốc đang rất căng thẳng, đặc biệt sau sự kiện khinh khí cầu gần đây. Cả hai cũng đang triển khai rất nhiều lực lượng ở biển Đông, dẫn tới mối đe dọa về một cuộc chiến đang chực chờ nổ ra ở eo biển Đài Loan. Tất cả vấn đề trên tác động và làm cho tình hình biển Đông đang nóng lên từng ngày.
Ngay đầu tháng 1 năm nay, chính phủ Indonesia đã phê duyệt hoạt động thăm dò khí đốt tự nhiên từ mỏ Cá Ngừ (Tuna Block), một phần của mỏ khí đốt tự nhiên chưa được khai thác lớn nhất thế giới. Phía Indonesia cho biết mỏ Cá Ngừ hoàn toàn nằm trên vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước này. Tuy nhiên, Trung Quốc lại khẳng định mỏ này nằm ngay trong cái gọi là "đường chín đoạn" đầy tai tiếng mà họ tự đưa ra để tuyên bố chủ quyền. Chính quyền Bắc Kinh một mặt gửi công hàm phản đối tới Bộ Ngoại giao Indonesia, một mặt triển khai cuộc biểu dương lực lượng trên thực địa bằng cách cử các tàu dân sự và lực lượng hải cảnh đến khu vực thăm dò với mục đích đe dọa. Hải quân Indonesia phản ứng bằng cách điều một số tàu đến vùng biển này.
Mặc dù chịu nhiều chỉ trích từ cộng đồng quốc tế vì "đường chín đoạn" này không có cơ sở nào, thậm chí vi phạm luật quốc tế và UNCLOS 1982, hơn nữa, Tòa Trọng tài trong vụ Philippines kiện Trung Quốc đã ra Phán quyết năm 2016, bác bỏ cái gọi là "yêu sách quyền lịch sử" đối với "đường chín đoạn" này nhưng Trung Quốc vẫn bất chấp, tiếp tục thực hiện mưu đồ chiếm đoạt biển Đông.
Thời gian gần đây, Trung Quốc cũng đã triển khai chiến thuật đe dọa tương tự với các quốc gia Đông Nam Á khác tại khu vực biển Đông. Tháng 9 và 10-2022, Trung Quốc đã điều một đội tàu hỗ trợ và một tàu dân quân ngăn cản hoạt động thăm dò dầu khí trong EEZ của Malaysia. Trước đó, tháng 6-2022, các tàu của lực lượng hải cảnh và dân quân biển Trung Quốc ngăn chặn quân đội Philippines tiếp cận tiền đồn ở bãi Cỏ Mây (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam).
Mới đây nhất, ngày 6-2-2023, Lực lượng Bảo vệ bờ biển Philippines (PCG) tố cáo một tàu hải cảnh Trung Quốc chiếu tia laser vào tàu của Philippines trên khu vực bãi Cỏ Mây, khiến các thủy thủ Philippines trên tàu bị mù tạm thời. Ngày 14-2, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. đã triệu Đại sứ Trung Quốc Hoàng Khê Liên để bày tỏ "quan ngại sâu sắc" trước sự kiện này. Người phát ngôn của tổng thống Philippines còn nêu rõ Tổng thống Marcos Jr. bày tỏ quan điểm phản đối tới Đại sứ Hoàng Khê Liên liên quan tần suất và cường độ ngày càng gia tăng của các hành động gây hấn từ phía Trung Quốc. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price khẳng định: "Hành vi của Trung Quốc là gây hấn và không an toàn. Hơn nữa, hành vi nguy hiểm của Trung Quốc đã trực tiếp đe dọa hòa bình và ổn định khu vực, vi phạm tự do hàng hải ở biển Đông được quy định trong luật pháp quốc tế và làm xói mòn trật tự quốc tế dựa trên luật lệ".
Chỉ riêng trong năm 2022, Philippines đã đệ trình gần 200 công hàm phản đối các hành động hung hăng của Trung Quốc tại biển Đông.
Đáng chú ý là ngày 8-2, Đài Truyền hình trung ương Trung Quốc công bố thông tin nước này thành lập các siêu thị đặt tại các căn cứ quân sự trên Đá Chữ Thập, Đá Subi và Đá Vành Khăn. Đây là 3 thực thể thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng trái phép trước đây.
Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trong ảnh: Đảo Trường Sa Lớn - “thủ phủ” của quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt NamẢnh: TUẤN CƯỜNG
Quân sự hóa các đảo chiếm đóng trái phép
Theo Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á của CSIS - một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington (Mỹ), Trung Quốc đã bồi lấp 7 đảo nhân tạo ở biển Đông, tạo ra hơn 3.200 ha đất mới kể từ năm 2013. Năm 2015, Trung Quốc tuyên bố đã ngừng cải tạo đất ở các vùng biển tranh chấp nhưng có thông tin tiết lộ nước này vẫn tiếp tục củng cố các đảo bằng những căn cứ quân sự tiên tiến cũng như hệ thống tên lửa, radar, đường băng và máy bay chiến đấu phản lực.
Một số nhà quan sát cho rằng việc Trung Quốc củng cố những thực thể đó là một nỗ lực của nước này nhằm tạo ra "tàu sân bay không thể chìm" cho lực lượng không quân và hải quân của họ ở biển Đông để thực hiện mưu đồ độc chiếm biển Đông.
Vào tháng 3-2022, Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc John C. Aquilino, cáo buộc Trung Quốc đã quân sự hóa hoàn toàn, trang bị hệ thống tên lửa cũng như máy bay chiến đấu trên 3 đảo nhân tạo Đá Vành Khăn, Đá Subi và Đá Chữ Thập thuộc chủ quyền của Việt Nam. Ngoài ra, ngày 20-12-2022, Bloomberg đưa tin Trung Quốc xây đảo nhân tạo trên các thực thể là Đá Ba Đầu, An Nhơn, Tri Lễ và Đá Én Đất ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Ngày 25-10-2022, nhiếp ảnh gia Ezra Acayan của Getty Image đã chụp được hình ảnh một số thực thể mà Trung Quốc đã cải tạo và biến thành các căn cứ quân sự có các trạm radar, đường băng và các cơ sở pháo binh. Những bức ảnh này cho thấy một khía cạnh khác của các đảo nhân tạo mà Trung Quốc chiếm giữ - những nơi hầu như từ trước đến nay chỉ được biết đến qua ảnh vệ tinh. Đó là các bức ảnh của Getty Image cung cấp thông tin chi tiết về các cơ sở của quân đội Trung Quốc trên Đá Vành Khăn, Ga Ven, Subi, Châu Viên, Chữ Thập và Tư Nghĩa - 6 trong số 15 thực thể thuộc quần đảo Trường Sa bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.
Các hành động hung hăng, đe dọa bằng vũ lực của Trung Quốc như đề cập ở trên tiếp tục khiến người dân tại khu vực Đông Nam Á bất bình và có thái độ không tốt với nước này.
Theo báo cáo khảo sát Tình hình Đông Nam Á năm 2023, vừa công bố của Trung tâm Nghiên cứu ASEAN thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á Yusof Ishak tại Singapore (ISEAS), khi đánh giá quan điểm của các nhà lãnh đạo Đông Nam Á về một loạt vấn đề chính sách khu vực, chỉ 26,8% số người được hỏi tin tưởng Trung Quốc "làm điều đúng đắn".
Trong số những người được hỏi không tin tưởng Trung Quốc, có một nửa cho rằng nước này đã sử dụng sức mạnh kinh tế và quân sự của mình để đe dọa lợi ích và chủ quyền của quốc gia khác.
Phải dựa trên các quy định của UNCLOS
Việc hoàn tất thỏa thuận phân định EEZ giữa Việt Nam và Indonesia mới đây đã cho thấy tranh chấp biển Đông hoàn toàn có thể được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, nếu các bên nghiêm túc tuân thủ luật pháp quốc tế và UNCLOS.
Trong bối cảnh phức tạp hiện nay ở biển Đông, việc tôn trọng và tuân thủ đầy đủ UNCLOS càng có vai trò quan trọng trong duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở khu vực. Điều quan trọng là tất cả các quốc gia cần tôn trọng nguyên tắc thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý cũng như các tiến trình đàm phán đang diễn ra, tránh có những động thái nhằm làm xói mòn, hạ thấp vai trò của UNCLOS.
Mọi yêu sách về biển của các nước cần dựa trên các quy định của UNCLOS, không áp đặt các yêu sách thái quá, không phù hợp với quy định của công ước này. Khi có bất đồng hoặc khác biệt liên quan đến giải thích và thực thi công ước, các bên liên quan cần thương lượng, giải quyết bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS. Trong khi chưa giải quyết được các tranh chấp, các nước liên quan cần tôn trọng và thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), kiềm chế, không thực hiện các hoạt động đơn phương có thể làm phức tạp tình hình và gia tăng tranh chấp, tham gia đàm phán một cách xây dựng nhằm sớm đạt một Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) hiệu lực, thực chất và phù hợp với các quy định của UNCLOS.
Bình luận (0)