xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

UNCLOS 1982: Phép thử về lòng tin trên biển

HOÀNG VIỆT

Kể từ khi trở thành thành viên ký kết UNCLOS, Việt Nam luôn là thành viên có trách nhiệm, kêu gọi các quốc gia tôn trọng và tuân thủ UNCLOS, duy trì hòa bình khu vực và giải quyết các tranh chấp trên biển

"Hơn lúc nào hết, các quốc gia chỉ có thể tìm được giải pháp cho các vấn đề trên biển trong khu vực thông qua thúc đẩy hợp tác, bằng cách tôn trọng và thực thi đầy đủ UNCLOS 1982" - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt đã khái quát như vậy tại hội thảo lần thứ 5 của Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) vừa được Bộ Ngoại giao phối hợp với các Đại sứ quán Canada, Úc, New Zealand và EU tổ chức tại Hà Nội.

"Hiến pháp" về biển và đại dương

UNCLOS là tên viết tắt của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, được ký kết năm 1982. Việc ký kết công ước đã mang lại một bước tiến chưa từng có. Lần đầu tiên trong lịch sử, một khuôn khổ pháp luật toàn diện trong đó mọi hoạt động trên biển và đại dương phải được thực hiện.

Được xem như "Hiến pháp về biển và đại dương" - như khẳng định của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt tại hội thảo trên, UNCLOS 1982 gồm 17 phần, 320 điều và 9 phụ lục, quy định một cách toàn diện về quy chế pháp lý của các vùng biển cũng như các quyền và nghĩa vụ của các quốc gia dù có biển, không có biển hay gặp bất lợi về mặt địa lý trong việc sử dụng, khai thác và quản lý biển và đại dương. Công ước hiện đã được phê chuẩn rộng rãi với 168 thành viên và nhiều điều khoản của nó có tính ràng buộc đối với tất cả các quốc gia trên toàn cầu.

Công ước đã đặt ra cơ sở để xác định các vùng biển và căn cứ cho các quốc gia xác lập chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển và tiến hành các hoạt động trên biển. Với vai trò là "Hiến pháp của biển và đại dương", UNCLOS 1982 là khuôn khổ pháp lý quan trọng cho việc xây dựng các văn kiện pháp lý khác về biển và đại dương.

UNCLOS 1982: Phép thử về lòng tin trên biển - Ảnh 1.

Việt Nam luôn kêu gọi các quốc gia tôn trọng và tuân thủ UNCLOS 1982, duy trì hòa bình trên biển. Ảnh: THÁI PHƯƠNG

Hiện nay, trong khuôn khổ công ước, các quốc gia đang tham gia vào tiến trình đàm phán văn kiện pháp lý mới về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học tại các khu vực nằm ngoài phạm vi tài phán quốc gia (BBNJ) để điều chỉnh các hình thức hoạt động mới ở biển cả và đáy đại dương, hướng tới bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên chung của nhân loại.

Văn kiện này sẽ là sự bổ sung quan trọng cho các quy định của công ước về bảo vệ môi trường, hệ sinh thái biển và nghĩa vụ hợp tác giữa các quốc gia trong bảo tồn và sử dụng bền vững biển và đại dương. Do vậy, có thể nói Công ước về Luật Biển 1982 này góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc, đặc biệt là mục tiêu phát triển bền vững về bảo tồn và sử dụng bền vững biển, các nguồn tài nguyên biển.

UNCLOS đã đặt ra quy chế pháp lý của tất cả các vùng biển, trong đó xác định rõ phạm vi các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia (gồm nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa); các vùng biển ngoài phạm vi tài phán quốc gia (gồm biển cả hay còn gọi là biển quốc tế, vùng đáy biển quốc tế và tài nguyên khoáng sản ở đó là di sản chung của nhân loại).

Bên cạnh các chế định về quy chế pháp lý các vùng biển, quyền và nghĩa vụ của các quốc gia, UNCLOS 1982 cũng quy định cơ chế bắt buộc nhằm giải quyết tranh chấp nảy sinh giữa các quốc gia trong việc giải thích và áp dụng công ước.

Theo quy định tại phần XV của công ước, khi phát sinh tranh chấp, các quốc gia cần giải quyết một cách hòa bình, bằng các biện pháp do các bên lựa chọn như đối thoại, đàm phán, hòa giải… Nếu các biện pháp trên không đem lại giải pháp, các bên có thể thỏa thuận đưa tranh chấp ra giải quyết tại các cơ quan tài phán quốc tế như Tòa án Công lý quốc tế (ICJ), Tòa án Luật Biển quốc tế (ITLOS - cơ quan được thành lập bởi công ước) hoặc tòa trọng tài, tòa trọng tài đặc biệt. Phán quyết của các cơ quan tài phán theo quy định của UNCLOS 1982, đặc biệt là ITLOS và tòa trọng tài đã góp phần giải thích các quy định của công ước, loại bỏ sự mơ hồ có thể bị lợi dụng để biện minh cho các yêu sách và hành động sai trái. Điều này giúp duy trì trật tự trên biển, bảo vệ mọi hoạt động sử dụng biển một cách hợp pháp và hòa bình, đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định, phục vụ sự phát triển của mỗi quốc gia, khu vực và toàn thế giới.

Việt Nam luôn là thành viên có trách nhệm

Với đường bờ biển dài 3.260 km, 3.000 hòn đảo và 28 tỉnh ven biển, Việt Nam từ lâu đã rất quan tâm đến quản lý biển. Nước ta tích cực tham gia vào quá trình đàm phán, soạn thảo UNCLOS. Khi UNCLOS được mở ký ngày 10-12-1982, Việt Nam nằm trong số 117 quốc gia đầu tiên ký công ước.

Kể từ khi trở thành thành viên ký kết UNCLOS, Việt Nam luôn là thành viên có trách nhiệm và đã có những nỗ lực đáng kể trong việc thông qua và thực thi các điều khoản của công ước này. Việt Nam luôn kêu gọi các quốc gia khác ở Đông Nam Á tôn trọng và tuân thủ UNCLOS. Trong năm Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của UNCLOS trong việc duy trì hòa bình khu vực và giải quyết các tranh chấp trên biển. Năm 2021, cùng với Đức, Việt Nam đã khởi xướng thành lập "Nhóm bạn của UNCLOS", nhằm tìm cách đổi mới cam kết chung, thúc đẩy hiểu biết và áp dụng công ước, đồng thời khám phá các cơ hội hợp tác nhằm ứng phó với các thách thức và hỗ trợ có thể trong việc thực hiện UNCLOS.

Việt Nam đã giải quyết thành công nhiều tranh chấp một cách hòa bình theo tinh thần của UNCLOS với các quốc gia láng giềng như Campuchia, Thái Lan, Trung Quốc và Indonesia. Chúng ta vẫn đang tiếp tục đàm phán và tham vấn về phân định ranh giới trên biển với những quốc gia láng giềng khác. Theo các tiến trình này, UNCLOS sẽ là nền tảng pháp lý để Việt Nam và các bên khác có thể đạt được sự đồng thuận.

Tuy nhiên, gần đây UNCLOS cũng bộc lộ các hạn chế, không phải đến từ nội dung của công ước mà là ở sự tuân thủ UNCLOS của một số quốc gia, đặc biệt là một số cường quốc.

Thực tiễn cho thấy hiện nay, việc thực thi các điều khoản của UNCLOS ở các quốc gia khác nhau vẫn chưa nhất quán, đặc biệt là vẫn còn các yêu sách biển quá đáng ở biển Đông cũng như các hành vi vi phạm thách thức đối với quyền của các quốc gia ven biển trong vùng đặc quyền kinh tế. Điều này đã gây khó khăn cho các quốc gia ven biển trong việc thực hiện các quy định của UNCLOS.

Thêm nữa, là một công ước đã có hơn 40 năm tuổi, các nhà soạn thảo UNCLOS đã không dự tính cũng như chưa đưa ra các quy định cụ thể liên quan vấn đề biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Do đó, UNCLOS cần phải được cập nhật để vẫn phù hợp và hữu ích cho các quốc gia, trong đó có Việt Nam, trong 40 năm tới. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là trong môi trường quốc tế đầy tranh chấp hiện nay, đòi hỏi sự tôn trọng một cách nghiêm túc từ tất cả các quốc gia trên thế giới.

Đó là phép thử về lòng tin trên biển và tất cả các quốc gia phải tuân thủ các nghĩa vụ pháp lý, mọi hành động, yêu sách phải phù hợp với công ước quan trọng này. Đó cũng là lập trường vững chắc của Việt Nam từ khi UNCLOS ra đời đến nay. 


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo