Bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo Tổ quốc không chỉ là nghĩa vụ, trách nhiệm mà còn là niềm vinh dự của mỗi người dân Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ, trong đó có học sinh - chủ nhân tương lai của đất nước. Đó là thông điệp của cuộc thi "Em yêu biển đảo quê hương" đã và đang được lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam triển khai trên cả nước.
Hiệu quả từ một cuộc thi
Từ năm 2016, cuộc thi "Em yêu biển đảo quê hương" được Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 tổ chức tại các trường THCS trên địa bàn những tỉnh, thành ven biển miền Trung, nơi đơn vị đóng quân.
Cuộc thi nhằm tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, hiểu biết cho học sinh về biển đảo thông qua các câu hỏi kiến thức với hình thức trắc nghiệm, trực tiếp. Từ năm 2020 đến nay, dù bị ảnh hưởng dịch Covid-19 nhưng nhờ vận dụng nhiều hình thức phù hợp, cuộc thi vẫn bảo đảm hiệu quả tuyên truyền.
Qua những tác phẩm dự thi - bài viết về cảm xúc, tranh vẽ, video clip... - các em đã gửi gắm tình yêu, niềm tự hào đối với biển đảo Tổ quốc theo cảm nhận riêng của mình. Bên cạnh đó, cuộc thi còn kết hợp giáo dục về truyền thống quê hương, địa phương nơi học sinh sinh sống; tác hại của ma túy, bạo lực trong học đường để các em chủ động phòng ngừa.
Đại tá Lê Huy Sinh, Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2, tặng xe đạp cho học sinh vượt khó học giỏi tại một cuộc thi “Em yêu biển đảo quê hương”
Cùng với toàn lực lượng Cảnh sát biển, đến nay, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 đã tổ chức thành công 9 cuộc thi với sự tham gia của 22 trường THCS ở 4 địa phương ven biển miền Trung (Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị và Đà Nẵng). Trong đó, 3 cuộc thi được thực hiện tại các đảo. Số lượng học sinh trực tiếp tham gia thi là 780 em, cùng sự cổ vũ của trên 5.200 giáo viên, đoàn viên thanh niên, phụ huynh. Trên 1.200 văn bản, tài liệu, ấn phẩm liên quan biển đảo đã được cấp phát. 616 bài viết về cảm xúc, 280 bức tranh, 65 video clip là những sản phẩm của các cá nhân, tập thể gửi tham gia cuộc thi.
Tại các cuộc thi, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 kết hợp tổ chức những hoạt động an sinh xã hội, hỗ trợ nhà trường và học sinh có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục vươn lên trong học tập. Từ năm 2016 đến nay, đơn vị đã tặng 252 suất học bổng, 147 chiếc xe đạp và hàng trăm phần quà - gồm cặp sách, quần áo đồng phục, đồ dùng học tập - tại các trường.
Lan tỏa mạnh mẽ
"Biển đảo là một phần trái tim, là máu thịt của em, là ngôi nhà thứ 2 của ông em vì cả cuộc đời của ông đã gắn với biển. Chúng ta yêu đất nước cũng chính là yêu biển đảo quê hương mình. Chúng em còn đang ngồi trên ghế nhà trường, chưa có cơ hội trực tiếp đứng nơi đầu sóng ngọn gió bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển nhưng hoàn toàn có thể ra sức, chăm chỉ học tập, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức để sau này trở thành công dân có ích, làm vui lòng thầy cô và cha mẹ. Em nghĩ đó cũng là cách để thể hiện tình yêu với biển đảo quê hương...".
Đó là cảm nhận của em Đặng Quốc Cường - học sinh lớp 8/1 Trường THCS Trần Hưng Đạo ở huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. Cường là thí sinh đoạt giải "Ấn tượng" trong phần thi video clip với chủ đề "Biển đảo Tổ quốc và người chiến sĩ Cảnh sát biển", được tổ chức vào tháng 10-2021 tại tỉnh Quảng Nam.
Cuộc thi “Em yêu biển đảo quê hương” thường xuyên được lực lượng Cảnh sát biển tổ chức trong trường học
Còn em Đặng Bình An - học sinh lớp 9/2 Trường THCS Lê Độ ở quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng - là thí sinh đoạt giải nhất cuộc thi "Em yêu biển đảo quê hương" tổ chức tại TP Đà Nẵng vào tháng 11-2021. An bày tỏ: "Chúng em chưa có cơ hội được đặt chân đến Trường Sa, Hoàng Sa - 2 quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc nhưng thông qua cuộc thi, những hình ảnh được trưng bày về biển đảo, chúng em vô cùng xúc động, tự hào và luôn tự hứa sẽ rèn luyện, học tập thật tốt để sau này góp phần xây dựng đất nước mình giàu đẹp hơn".
Những lời chia sẻ của các em rất đỗi thật thà, trong sáng và chất chứa niềm tin to lớn. Trách nhiệm của chúng ta là phải khơi dậy tình yêu biển đảo và ý thức bảo vệ chủ quyền cho các em.
Thầy Cao Thiên Thanh, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Hưng Đạo, cho biết thời gian qua, nhà trường đã chủ động đưa nhiều nội dung tuyên truyền về biển đảo vào chương trình, hoạt động giáo dục, nhất là hoạt động ngoại khóa. Tuy nhiên, lượng bài học về biển đảo trong chương trình sách giáo khoa còn hạn chế, mô hình trực quan còn thiếu. Vì thế, cuộc thi "Em yêu biển đảo quê hương" là một cơ hội quý giá, điều kiện tốt để học sinh được trực tiếp học tập, trải nghiệm.
Có thể khẳng định cuộc thi "Em yêu biển đảo quê hương" đã thực sự tạo dấu ấn tốt đẹp và có sức lan tỏa mạnh mẽ. Cuộc thi đã góp phần xây đắp niềm tự hào, nâng cao trách nhiệm công dân đối với việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo trong tình hình mới. Đặc biệt, cuộc thi đã ươm mầm, vun đắp tình yêu quê hương, đất nước, tình yêu biển đảo Tổ quốc cho thế hệ trẻ ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Mời tham gia cuộc thi viết "Chủ quyền quốc gia bất khả xâm phạm"
Từ thành công của cuộc thi viết "Chủ quyền biển đảo bất khả xâm phạm" lần 1 năm 2020-2021, Báo Người Lao Động phát động cuộc thi viết lần 2 năm 2021-2022 với chủ đề "Chủ quyền quốc gia bất khả xâm phạm".
Nội dung, phạm vi đề tài:
- Phản ánh việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của đất nước, của ngành, của địa phương trong công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, nhất là đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; công cuộc bảo vệ, xây dựng, phân giới, cắm mốc, bảo vệ đường biên giới trên bộ.
- Phản ánh khách quan, sinh động, sâu sắc về đường lối ngoại giao của Việt Nam trong công cuộc bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ quốc gia của đất nước ta.
- Biểu dương tập thể, cá nhân, gương điển hình trong thực thi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền; sự hy sinh, cống hiến của người chiến sĩ Hải quân, Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng... đang ngày đêm canh gác ngoài biển khơi, vùng biên giới.
- Đề xuất ý tưởng, giải pháp có căn cứ khoa học trong việc tuyên truyền đấu tranh bảo vệ chủ quyền; về phát triển kinh tế biển, văn hóa biển, bảo vệ môi trường biển Việt Nam, phát triển kinh tế khu vực biên giới...
Thể lệ, yêu cầu:
- Là bài viết thể loại phóng sự, ký sự, ghi chép, bình luận, phản ánh, tường thuật, ghi nhanh...
- Tác phẩm dự thi (bài và ảnh; clip/video) chưa đăng, phát trên bất kỳ phương tiện đại chúng nào, kể cả trang cá nhân.
- Các tác phẩm có liên quan đến tư liệu, tài liệu lịch sử..., tác giả phải gửi kèm bài viết hoặc trích nguồn, dẫn nguồn.
- Mỗi bài dự thi chỉ đăng 1 kỳ, không quá 1.700 chữ; bắt buộc có ít nhất 3 ảnh chụp nhân vật hoặc vấn đề liên quan tình tiết, nội dung bài báo. Ảnh gửi kèm theo bài, không dán ảnh vào bản thảo.
- Mỗi tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm dự thi.
Đối tượng tham gia:
Tất cả công dân Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam và nước ngoài, người nước ngoài đang sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam đều được tham gia cuộc thi trên.
Thời gian:
- Nhận tác phẩm dự thi từ ngày 28-8-2021 đến hết ngày 15-5-2022. Lễ trao giải dự kiến trong tháng 6-2022.
- Tác phẩm dự thi gửi qua email: chuquyenbiendao@nld.com.vn. Tác phẩm dự thi ghi rõ tên tác giả, bút danh, kèm địa chỉ, số điện thoại liên lạc, tài khoản ngân hàng. Tác phẩm dự thi đăng báo được trả nhuận bút theo quy định của Báo Người Lao Động.
Cơ cấu giải thưởng:
- Giải nhất (1 giải): 50 triệu đồng.
- Giải nhì (1 giải): 30 triệu đồng.
- Giải ba (1 giải): 20 triệu đồng.
- Giải khuyến khích (2 giải): 10 triệu đồng/giải.
Bình luận (0)