Tôi ước mơ một lần đặt chân đến đảo Phú Quý và ước mơ đó vừa đã thành hiện thực. Và tôi không chỉ nghe nói nữa mà đã được tận mắt nhìn thấy biển trời bao la, chủ quyền của Tổ quốc Việt Nam thân yêu. Cái khoảnh khắc mong chờ được đặt chân lên đảo cứ dào dạt trong lòng.
Từ cảng Phan Thiết, chúng tôi đi tàu cao tốc mới đến được đảo Phú Quý. Khi tàu bắt đầu khởi hành, trong mỗi chúng tôi đều cảm thấy bồi hồi, háo hức. Những tiếng sóng biển vỗ vào mạn tàu, những luồng gió biển phả vào mặt làm chúng tôi vừa cảm thấy bỏng rát, nhồn nhột, vừa cảm thấy êm ái dễ chịu, tạo thêm hứng khởi để được khám phá vẻ đẹp thiên nhiên kỳ thú của hòn đảo này.
Đảo Phú Quý có diện tích 16,5 km², nằm ngoài khơi bờ biển Nam Trung Bộ, cách trung tâm TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận khoảng 120 km. Đảo Phú Quý còn có những tên gọi khác như Cù Lao Khoai Xứ, Cù Lao Thu, Cổ Long, Thuận Tịnh… Hòn đảo này được thiên nhiên ưu đãi nguồn tài nguyên phong phú, danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp. Sau hơn 40 năm hình thành và phát triển, huyện đảo Phú Quý không ngừng phát triển. Đặc biệt, ngày 16-6-2020, UBND tỉnh Bình Thuận quyết định công nhận Phú Quý là khu du lịch cấp tỉnh, tạo cú hích cho huyện đảo này phát triển du lịch.
Có thể nói, Phú Quý đã đổi thay và phát triển rất nhanh về cơ sở hạ tầng, điện, đường. Hệ thống đường giao thông trên đảo đã được kết nối đồng bộ, góp phần làm thay đổi bộ mặt huyện đảo. Cạnh đó là các tuyến vận chuyển hành khách từ đất liền ra đảo và ngược lại bằng đường hàng hải rất thuận tiện. Cầu cảng Phú Quý luôn đông đúc tấp nập tàu bè, hành khách đi lại.
Thiêng liêng cột cờ trên đảo Phú Quý
Chùa Thạnh Lâm trên đảo Phú Quý
Trước khi ra đảo, tôi được nghe kể rằng Phú Quý là một hòn đảo để lại nhiều dấu tích lịch sử, đánh dấu người Việt đặt chân lên hòn đảo này, cắm mốc chủ quyền. Chủ quyền ấy được viết bằng mồ hôi, xương máu và cả sinh mạng của nhiều thế hệ trai tráng trong những chuyến đi biển không bao giờ trở về.
Phú Quý không chỉ là hòn đảo của lịch sử, mà đó còn là đảo của du lịch, có nhiều danh lam thắng cảnh làm say đắm bao người. Vùng đảo Phú Quý mang vẻ đẹp tự nhiên, hoang sơ, chưa bị tác động nhiều bởi bàn tay con người. Đây là địa điểm lý tưởng cho những ai say mê vẻ thanh bình, tĩnh lặng của đất trời. Mũi Dinh Thầy với vẻ đẹp hoang sơ, thiêng liêng. Gành Hang là vách đá dựng đứng sát biển với những con sóng ngày đêm dập dìu tạo nên khung cảnh hết sức kỳ vĩ.
Còn núi Cao Cát là nơi tọa lạc của chùa Linh Sơn. Trên đỉnh chùa có bức tượng Phật Bà Quan Âm uy nghi. Đây cũng là vị trí để phóng tầm mắt bao quát một vùng rộng lớn quanh đảo. Ở chân núi là chùa Linh Bửu vừa tĩnh mịch vừa yên bình vô cùng. Gần đó là chùa Thạnh Lâm được xây từ thế kỷ XVIII, nơi lưu giữ đến 300 tượng Phật từ nhiều chất liệu khác nhau.
Nhưng để có tầm nhìn rộng hơn, bao quát toàn bộ đảo Phú Quý thì phải đến cột cờ đảo Phú Quý. Từ vị trí này, đảo Phú Quý hiện lên xanh rì giữa muôn trùng sóng biếc. Khi đứng bên cột cờ Tổ quốc cao vút nhìn ra biển xa, trong tâm tưởng chúng tôi như nhìn thấy những ngư dân trên đảo năm xưa dũng cảm vượt biển ra đảo cắm mốc chủ quyền, để từ đó, có biết bao nhiêu người dân, chiến sĩ qua nhiều thế hệ đã anh dũng hy sinh bảo vệ từng tấc đất đảo xa của Tổ quốc.
Đến đảo Phú Quý nhất định phải tắm biển. Vì chưa được khai thác quá nhiều nên Phú Quý còn đậm nét hoang dã, tự nhiên vốn có của mình với bãi tắm sạch sẽ, nước trong veo, khung cảnh xung quanh thơ mộng, hữu tình. Bãi cát vàng trải dài bất tận, sóng nước xanh biếc xô bờ, nắng ấm trong vắt tỏa sáng ngày mới, một cảm giác tĩnh lặng, bình yên đến lạ. Các bãi tắm nên thơ như Bãi Nhỏ - Gành Hang, Hòn Tranh, vịnh Triều Dương, những rạn san hô sặc sỡ đủ sắc màu cùng các sinh vật biển dưới làn nước trong sẽ cảm nhận Phú Quý vẻ đẹp đầy quyến rũ, thơ mộng.
Cũng không gì tuyệt vời hơn cảm giác được ngồi trên bờ biển Phú Quý vào lúc hoàng hôn. Màu trời, màu nước như quyện hòa trong ánh mặt trời rực rỡ, tạo nên một khung cảnh như mơ, như thực. Trên mặt biển, những đợt sóng ào ạt xô vào bờ tung bọt trắng xóa. Mặt trời khi ấy mang màu đỏ hồng in xuống dòng nước biển trong xanh, hòa trong tiếng sóng. Đắm mình trong không gian hoàng hôn nơi biển Phú Quý, tôi như được thấy mình tĩnh lặng hơn, không còn những ồn ào, những xô bồ cuộc sống.
Sau những ngày đi thăm đảo, những bước chân không biết mệt mỏi vẫn muốn lôi kéo chúng tôi ở lại Phú Quý để khám phá vẻ đẹp kỳ diệu mà thiên nhiên đã ban tặng cho đảo.
Rời Phú Quý, ấn tượng trong tôi không chỉ có biển xanh, cát trắng, những chiếc quạt gió cung cấp điện cho toàn bộ người dân trên đảo... mà đặc biệt là hình ảnh lá cờ Tổ quốc tung bay giữa biển trời bao la, được ví như "cột mốc sống" khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Và với nhiều người Việt Nam, đảo Phú Quý vẫn luôn là tượng đài nằm trong sâu thẳm trái tim. Hãy ghé Phú Quý dù chỉ một lần, để có dịp cảm nhận vẻ đẹp viên ngọc quý giữa trùng dương và sự thay da đổi thịt của hòn đảo này.
Mời tham gia cuộc thi viết "Chủ quyền quốc gia bất khả xâm phạm"
Với mục đích đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức giữ gìn, bảo vệ vững chắc biển đảo nói riêng và lãnh thổ quốc gia Việt Nam nói chung; đồng thời tiếp nối thành công của chương trình "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển", Báo Người Lao Động phát động cuộc thi viết "Chủ quyền quốc gia bất khả xâm phạm" lần 3 năm 2022-2023.
NỘI DUNG, PHẠM VI ĐỀ TÀI
- Phản ánh việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của đất nước, của ngành, của địa phương trong công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, nhất là đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; công cuộc bảo vệ, xây dựng, phân giới, cắm mốc, bảo vệ đường biên giới trên bộ.
- Phản ánh khách quan, sinh động, sâu sắc về đường lối ngoại giao của Việt Nam trong công cuộc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia.
- Tập thể, cá nhân, gương điển hình trong thực thi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo, biên giới, lãnh thổ quốc gia; sự hy sinh, cống hiến của người chiến sĩ hải quân, cảnh sát biển, bộ đội biên phòng... đang ngày đêm canh gác ngoài biển khơi, vùng biên giới.
- Đóng góp của người dân, ngư dân, các phong trào "Ngày biên phòng toàn dân", "Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới"; các mô hình "Kết nghĩa bản - bản", "Xuân biên cương"... cùng các chương trình vận động, tuyên truyền tình đoàn kết, nâng cao ý thức bảo vệ chủ quyền cho nhân dân khu vực biên giới, hải đảo.
- Đề xuất ý tưởng, giải pháp có căn cứ khoa học trong việc tuyên truyền đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, biên giới, lãnh thổ quốc gia; về phát triển kinh tế biển, văn hóa biển, bảo vệ môi trường biển Việt Nam, phát triển kinh tế khu vực biên giới...
THỂ LỆ, YÊU CẦU
- Là bài viết dưới dạng bình luận, bút ký, phóng sự, ký sự, tường thuật, phản ánh, ghi nhanh, bài cảm xúc...
- Mỗi bài dự thi chỉ đăng 1 kỳ, không quá 1.700 chữ; bắt buộc có ít nhất 3 ảnh chụp nhân vật hoặc vấn đề liên quan tình tiết, nội dung bài viết.
- Bài đã gửi tham dự cuộc thi viết "Chủ quyền quốc gia bất khả xâm phạm" lần 3 năm 2022-2023 do Báo Người Lao Động tổ chức thì không được gửi cho nơi khác, cuộc thi khác.
ĐỐI TƯỢNG DỰ THI
- Tất cả công dân Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam và nước ngoài, người nước ngoài đang sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam.
- Thành viên trong Ban Tổ chức, Ban Giám khảo, đơn vị tài trợ và phóng viên, cộng tác viên cơ hữu của Báo Người Lao Động không được tham gia.
THỜI GIAN
- Thời gian nhận tác phẩm từ ngày phát động 23-6-2022 đến 15-5-2023.
- Địa chỉ nhận tác phẩm dự thi:
Tòa soạn Báo Người Lao Động: 123-127 Võ Văn Tần, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP HCM.
Điện thoại: 028.3930 5376 - 0903343439.
Email: chuquyenbiendao@nld.com.vn.
CƠ CẤU GIẢI THƯỞNG DỰ KIẾN
- Giải nhất (1 giải): 50 triệu đồng.
- Giải nhì (1 giải): 30 triệu đồng.
- Giải ba (1 giải): 20 triệu đồng.
- Giải khuyến khích (2 giải): 10 triệu đồng/giải.
Bình luận (0)