Cụm Dịch vụ kinh tế - khoa học - kỹ thuật (gọi tắt là DK1) được thành lập từ tháng 7-1989 ở thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. 15 nhà giàn DK1 được xem là những "pháo đài thép" bởi sự kiên cố, vững chắc trên nền san hô giữa biển. Canh giữ những "pháo đài thép" này là cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn DK1 Vùng 2 Hải quân.
Trăn trở và hành động
Cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ trên các nhà giàn DK1 vào những năm 1990-1995 rất gian khổ. Lúc ấy, rau xanh luôn được coi là thứ xa xỉ.
Lương thực, thực phẩm được đem từ đất liền ra các nhà giàn, như gạo, muối, nước ngọt, thịt hộp, rau muống khô... Trong đó, rau muống dù đã phơi khô đóng gói nhưng rất quý. Để chuẩn bị bữa ăn, rau muống khô được ngâm nước cho mềm, xắt nhỏ nấu canh loãng chan với cơm. Song, loại rau khô này cũng cạn dần vì 2 tháng, thậm chí 4 tháng, mới có tàu mang lương thực, thực phẩm ra nhà giàn.
Ăn đồ hộp lâu ngày mà không có rau xanh, nhiều cán bộ, chiến sĩ xuống sức, uể oải, bắt đầu đau bụng, đau bao tử... Trước thực tế ấy, Ban Chỉ huy Khung quản lý DK1 (tên gọi thời điểm đó) luôn trăn trở làm thế nào để có rau xanh cho bộ đội ăn hằng ngày mà không phải chờ tiếp tế. Sau đó, họ thống nhất "quyết sách": Phải trồng bằng được rau xanh, phải "bắt" rau xanh mọc lên từ sóng nước biển khơi. Thế là phong trào "rau xanh trên sóng" được phát động và triển khai ngay sau đó.
Chiến sĩ Nhà giàn Phúc Nguyên 2 chăm sóc những bồn rau xanh
Trung tá Nguyễn Văn Nam, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn DK1, nhớ lại: "Sau khi bàn bạc xong, tôi báo cáo cấp trên sáng kiến trồng rau trong máng gỗ. Tôi trực tiếp điện cho các nhà giàn đề nghị tận dụng xô hỏng, chậu thủng, gỗ thừa... để đóng thành máng trồng rau. Cùng lúc đó, trong đất liền, chúng tôi tận dụng gỗ thừa của doanh trại đóng thành máng, lên tận huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu mua đất đỏ bazan chuyển xuống tàu chở ra nhà giàn DK1".
Cùng với hàng trăm bao đất, các nhà giàn được cấp hạt rau giống mồng tơi, cải thìa, rau muống... Chuyến tàu đầu tiên chở đất đỏ, hạt giống, máng gỗ đến nhà giàn Phúc Tần đúng mùa biển động. Những con sóng lớn lừng lững như các quả núi làm cho tàu chồm lên ngụp xuống, hàng trăm bao tải đất bị thấm nước biển. Các cán bộ, chiến sĩ phải trằn lưng kéo bằng dây ròng rọc để đưa những bao tải đất từ tàu lên nhà giàn.
Những bao đất thấm nước biển được đổ ra trần nhà giàn hoặc lan can phơi khô cho bay hết độ mặn mới trồng được rau. Sau những giờ huấn luyện mệt nhoài, các anh lại cùng nhau đảo đất, đổ vào khay xếp ngay ngắn một góc sàn. Tất cả đều hy vọng mầm xanh đâm chồi từ những khay đất ấy.
"Độc nhất vô nhị"
Khác với đất liền chỉ cần gieo hạt là nảy mầm, bộ đội nhà giàn trồng rau một cách khác biệt. Hạt rau được ngâm với nước ấm, vớt ra ủ trong bao tải đến lúc nảy mầm mới gieo trong khay đất, lấy bao tải nhúng nước ngọt đắp lên trên. Theo trung tá Lê Xuân Nam, Chính trị viên Nhà giàn DK1/21, chỉ lính nhà giàn mới có cách trồng rau "độc nhất vô nhị" như vậy.
Không phải phép mầu gì song khi những mầm rau xanh đầu tiên đội đất vươn lên giữa sóng gió biển khơi, cán bộ, chiến sĩ nhà giàn đã xúc động đến rưng rưng nước mắt. Bao trăn trở, công sức của người lính đã được đền đáp: giữa đại dương bao la, khí hậu khắc nghiệt, họ vẫn trồng được rau xanh. Sau những giờ huấn luyện, các anh lại thay nhau người tưới nước, đảo đất, người lấy cá tươi làm phân xanh cho rau...
Một lần, sau cơn lốc biển lúc nửa đêm, sáng thức dậy, các chiến sĩ hốt hoảng khi thấy những bồn rau bị sóng gió làm dập nát. Tất cả lặng người, có chiến sĩ đã khóc vì tiếc. Các anh lại dùng bao tải cũ chắp lại thành tấm bạt lớn, quây những bồn rau lại một góc - "làm nhà cho rau ở". Mỗi khi mưa to, gió lớn, giông biển, lốc tố, các bồn rau được khiêng vào nhà hoặc cất trong kho.
Đến nay, tất cả 15 nhà giàn DK1 đều trồng được rau xanh. 15 nhà giàn là 15 vườn rau xanh di động. Các cán bộ, chiến sĩ được ăn rau tươi hằng ngày. Nhà giàn nào cũng trồng được 3-4 loại rau, chủ yếu là rau muống và mồng tơi. Có nhà giàn còn trồng được cả mía, rau húng và chanh, ớt rất sai quả.
Trung tá Lê Xuân Nam cho biết trung bình mỗi ngày, một cán bộ, chiến sĩ được bảm đảm tối thiểu 200 g rau xanh, như mồng tơi, dền, rau muống, giá đỗ... "Ở giữa biển xa, bồn rau như vườn cây cảnh, vừa có rau xanh ăn hằng ngày vừa tạo không gian xanh - sạch - đẹp, gần gũi đất liền. Chúng tôi hoàn toàn yên tâm phấn đấu, vững vàng tay súng giữ vững chủ quyền biển đảo của Tổ quốc trong mọi tình huống" - trung tá Lê Xuân Nam khẳng định.
Sau một lần ra thăm nhà giàn DK1, xúc động trước những "vườn rau di động" xanh mướt, những khóm mồng tơi phủ kín lối ra vào, trung tá Nguyễn Hồng Sơn, Chủ nhiệm Nhà Văn hóa Vùng 2 Hải quân, đã sáng tác ca khúc "Màu xanh nhà giàn". Bài ca ấy đã làm ấm lòng và tiếp thêm sức mạnh cho các cán bộ, chiến sĩ vững vàng tay súng bảo vệ chủ quyền đất mẹ giữa biển trời Tổ quốc: "Những ngôi nhà trên biển/ Người chiến sĩ ươm mầm tươi tốt/ Những mầm xanh nhà giàn/ Thêm ấm lòng lính biển giữa đại dương...".
Liên hoan... rau luộc
Theo thiếu tá Phạm Văn Bảy ở Nhà giàn Phúc Nguyên, dù rau xanh không còn là thứ xa xỉ như trước đây song cũng không thể dồi dào như trong đất liền. Mỗi nhà giàn có hơn 10 bồn rau nhưng phải tiết kiệm mới đủ dùng.
"Khi nào có khách từ đất liền ra hoặc có người dưới tàu lên chơi, chúng tôi mới dám luộc 2 đĩa rau, bữa đó coi như... liên hoan. Nhiều khi biển động cả tháng không câu được cá, anh em phải ăn cơm với mắm tôm và đồ hộp, nhổ gốc rau dền tước vỏ xắt nhỏ nấu canh nhưng rất ngon miệng" - thiếu tá Phạm Văn Bảy cho biết.
Mời tham gia cuộc thi viết "Chủ quyền quốc gia bất khả xâm phạm"
Từ thành công của cuộc thi viết "Chủ quyền biển đảo bất khả xâm phạm" lần 1 năm 2020-2021, Báo Người Lao Động phát động cuộc thi viết lần 2 năm 2021-2022 với chủ đề "Chủ quyền quốc gia bất khả xâm phạm".
Nội dung, phạm vi đề tài:
- Phản ánh việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của đất nước, của ngành, của địa phương trong công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, nhất là đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; công cuộc bảo vệ, xây dựng, phân giới, cắm mốc, bảo vệ đường biên giới trên bộ.
- Thông tin khách quan, sinh động, sâu sắc về đường lối ngoại giao của Việt Nam trong công cuộc bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ quốc gia của Việt Nam.
- Biểu dương tập thể, cá nhân, gương điển hình trong thực thi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền; sự hy sinh, cống hiến của người chiến sĩ Hải quân, Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng... đang ngày đêm canh gác ngoài biển khơi, vùng biên giới.
- Đề xuất ý tưởng, giải pháp có căn cứ khoa học trong việc tuyên truyền đấu tranh bảo vệ chủ quyền; về phát triển kinh tế biển, văn hóa biển, bảo vệ môi trường biển Việt Nam, phát triển kinh tế khu vực biên giới...
Thể lệ, yêu cầu:
- Là bài viết thể loại phóng sự, ký sự, ghi chép, bình luận, phản ánh, tường thuật, ghi nhanh...
- Tác phẩm dự thi (bài và ảnh; clip/video) chưa đăng, phát trên bất kỳ phương tiện đại chúng nào, kể cả trang cá nhân.
- Các tác phẩm có liên quan đến tư liệu, tài liệu lịch sử..., tác giả phải gửi kèm bài viết hoặc trích nguồn, dẫn nguồn.
- Mỗi bài dự thi chỉ đăng 1 kỳ, không quá 1.700 chữ; bắt buộc có ít nhất 3 ảnh chụp nhân vật hoặc vấn đề liên quan tình tiết, nội dung bài báo. Ảnh gửi kèm theo bài, không dán ảnh vào bản thảo.
- Mỗi tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm dự thi.
Đối tượng tham gia:
Tất cả công dân Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam và nước ngoài, người nước ngoài đang sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam đều được tham gia cuộc thi trên.
Thời gian:
- Nhận tác phẩm dự thi từ ngày 28-8-2021 đến hết ngày 15-5-2022. Lễ trao giải dự kiến trong tháng 6-2022.
- Tác phẩm dự thi gửi qua email: chuquyenbiendao@nld.com.vn. Tác phẩm dự thi ghi rõ tên tác giả, bút danh, kèm địa chỉ, số điện thoại liên lạc, tài khoản ngân hàng. Tác phẩm dự thi đăng báo được trả nhuận bút theo quy định của Báo Người Lao Động.
Cơ cấu giải thưởng:
- Giải nhất (1 giải): 50 triệu đồng.
- Giải nhì (1 giải): 30 triệu đồng.
- Giải ba (1 giải): 20 triệu đồng.
- Giải khuyến khích (2 giải): 10 triệu đồng/giải.
Bình luận (0)