icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Biến rác hữu cơ thành tài nguyên

Bài và ảnh: Bích Vân

Rời bỏ công việc ổn định tại một công ty cơ khí, anh Trương Tử Long (SN 1989; ngụ quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) đã dấn thân vào con đường khởi nghiệp đầy rủi ro:

Tái chế phế phẩm cây xanh thành nhiên liệu sinh học và giá thể nông nghiệp. Anh kỳ vọng góp phần tạo ra nguồn năng lượng sạch và xử lý rác hữu cơ một cách bền vững.

Năm 2020, Long quyết định rút toàn bộ tiền tiết kiệm và vay thêm từ gia đình, tổng cộng khoảng 1,2 tỉ đồng, để đầu tư máy băm công nghiệp, băng chuyền, thiết bị gắp gỗ và xây dựng nhà xưởng. Giai đoạn 2021-2022 là quãng thời gian anh đối mặt với nhiều khó khăn do đầu ra sản phẩm chưa ổn định, chưa có nhiều đối tác tin tưởng và dây chuyền sản xuất vẫn còn thủ công.

Khi sản xuất gỗ dăm rồi gửi mẫu thử nghiệm đến các nhà máy lớn - như Prime tại huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam - và được đối tác chấp thuận, Long bắt đầu mở rộng mạng lưới cung ứng sang các doanh nghiệp tại Đà Nẵng và những công ty sản xuất viên nén sinh học. Gỗ dăm từ phế phẩm cây xanh do cơ sở anh sản xuất được tiêu thụ với giá 700-800 đồng/kg, mang lại nguồn thu ổn định và mở đường cho việc hợp tác lâu dài với các đối tác.

Biến rác hữu cơ thành tài nguyên- Ảnh 1.

Anh Trương Tử Long bên dây chuyền biến rác thải thành tài nguyên

Tháng 11-2023, anh Long chính thức thành lập Công ty CP Năng lượng sạch Hải Vân, đánh dấu bước phát triển bền vững về mô hình kinh tế tuần hoàn mà anh theo đuổi. Trung bình mỗi tháng, công ty cung cấp 100-500 tấn gỗ băm cho các doanh nghiệp sử dụng lò hơi công nghiệp, trong đó có các thương hiệu lớn như Heineken, Vinamilk, Pepsi và những trang trại canh tác sạch.

Một sản phẩm khác cũng được anh Long phát triển mạnh mẽ là giá thể trồng cây - hỗn hợp làm từ lá cây kết hợp thực phẩm dư thừa thu gom từ các nhà hàng tại quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng. Đây là loại phân bón hữu cơ được anh phối hợp cùng Viện Phát triển Du lịch châu Á và Trung tâm Công nghệ Sinh học Đà Nẵng nghiên cứu. Sản phẩm đã được thử nghiệm thành công tại các nông trại, vườn ươm ở huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng và được ứng dụng trồng nấm rơm, nấm linh chi, rau xanh.

Trung bình mỗi ngày, công ty của Long xử lý 20-30 tấn dăm gỗ, tất cả đều được tái sử dụng làm nhiên liệu đốt cho các nhà máy năng lượng xanh. Phần lợi nhuận từ đây được anh tiếp tục đầu tư nâng cấp máy móc, cải thiện năng lực sản xuất.

Dù đã đạt nhiều thành quả đáng ghi nhận, Long vẫn cho rằng doanh nghiệp của anh đang đối mặt một số thách thức lớn. Trong đó, nguồn nguyên liệu phụ thuộc theo mùa và chưa được phân loại tại nguồn, dẫn đến việc tồn kho và bảo quản gặp khó khăn.

Long mong muốn được các sở, ngành liên quan như xây dựng, nông nghiệp và môi trường hỗ trợ cơ chế phù hợp để thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn mà anh đang theo đuổi. Một trong những kế hoạch quan trọng sắp tới của anh là hoàn thiện hồ sơ xin TP Đà Nẵng cấp quỹ đất gần bãi rác Khánh Sơn để xây dựng trung tâm tập kết và xử lý cây xanh, thực phẩm dư thừa. Nếu được chấp thuận, mô hình này sẽ góp phần giảm thiểu đáng kể rác hữu cơ - vốn đang chiếm hơn 60% khối lượng tại bãi rác của thành phố.

Hành trình khởi nghiệp từ rác thải hữu cơ của anh Long không chỉ góp phần giải quyết bài toán môi trường mà còn mở ra hướng đi mới cho mô hình phát triển kinh tế tuần hoàn, bền vững. "Tôi khởi nghiệp với rác hữu cơ không phải để làm giàu nhanh mà là tạo ra giá trị lâu dài cho cộng đồng và môi trường" - anh Long khẳng định.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo