Với mục tiêu giảm lượng rác thải ra môi trường, hạn chế tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, anh Đỗ Hồng Xuân (ngụ phường Lê Bình, quận Cái Răng, TP Cần Thơ) đã nghiên cứu thành công và phát triển dự án tận dụng phụ phẩm từ vỏ trái cây để tạo ra nước tẩy rửa sinh học.
Anh Xuân cho hay dự án này lấy ý tưởng từ việc ứng dụng kinh tế tuần hoàn để hạn chế lượng rác thải hữu cơ, nhất là vỏ trái cây, góp phần bảo vệ môi trường. Chàng trai 24 tuổi mong muốn tạo thói quen sử dụng các sản phẩm hữu cơ cho người dân nơi thực hiện dự án và nhiều địa phương khác.
Ban đầu, anh Xuân cùng người đồng hành là anh Nguyễn Minh Thành ngâm ủ riêng từng loại vỏ trái cây như: cam, dứa, bưởi.... Sau quá trình nghiên cứu và thử nghiệm kỹ lưỡng, anh quyết định chọn vỏ cam và dứa làm nguyên liệu chính để sản xuất nước tẩy rửa sinh học.
Để sản xuất được 10 lít nước tẩy rửa sinh học, anh Xuân sử dụng 3 kg vỏ trái cây, 1 kg đường nâu, 10 lít nước sạch, cho vào thùng chứa rồi khuấy trộn, đặt nơi râm mát 45-90 ngày. Khi nào dung dịch có mùi thơm và hơi chua đặc trưng thì nguyên liệu đã bị phân hủy hoàn toàn, quá trình ủ men hoàn thành. Dung dịch được lọc qua vải để loại bỏ phần bã rồi chiết ra các chai nhỏ, thu được nước tẩy rửa thô.
Sau 1 - 2 ngày, khi phần cặn lắng xuống, anh Xuân tách chiết lấy phần dung dịch trong suốt phía trên dùng để sản xuất nước rửa chén, nước lau kính, lau nhà. Phần bã thực vật được anh sử dụng làm phân bón, có tác dụng cải tạo đất tốt hoặc cung cấp cho các nơi kinh doanh cây cảnh, làm phân bón trên địa bàn.
Theo tính toán của anh Xuân, khi sử dụng 1 lít nước tẩy rửa sinh học sẽ góp phần hạn chế được 300 gram chất thải hữu cơ ra môi trường. Các sản phẩm nước tẩy rửa sinh học thường ít hoặc không chứa hóa chất độc hại, an toàn hơn cho người sử dụng. Đến nay, nước tẩy rửa sinh học của anh đã được bán trên thị trường với giá 30.000 đồng/lít.
"Khó khăn hiện nay là nước tẩy rửa sinh học phải cạnh tranh với các sản phẩm tẩy rửa hóa học vốn đã có chỗ đứng trên thị trường. Vì vậy, đòi hỏi các nhà sản xuất nước tẩy rửa sinh học phải có chiến lược marketing, sản phẩm phải có giá hợp lý để thu hút khách hàng. Thời gian tới, tôi sẽ đầu tư máy móc, thiết bị ngâm ủ nhằm tăng số lượng sản phẩm, giảm giá thành" - anh Xuân tiết lộ.
Bình luận (0)