Theo kế hoạch đến năm 2030, tỉnh Bình Dương sẽ thực hiện di dời các doanh nghiệp (DN) đang sản xuất kinh doanh tại những khu công nghiệp (KCN) nằm rải rác trong các khu dân cư thuộc địa bàn các TP Thuận An, Dĩ An, Thủ Dầu Một, Tân Uyên và Bến Cát lên các khu, cụm công nghiệp phía Bắc của tỉnh. Ước tính số lao động đang làm việc tại các DN thuộc diện phải di dời gần 289.000 người.
Thí điểm di dời KCN Bình Đường
Bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương, cho biết vừa qua sở cùng một số cơ quan chức năng liên quan đã làm việc với chủ đầu tư và các DN trong KCN Bình Đường.
"Qua làm việc cả chủ đầu tư và DN đều đồng thuận theo chủ trương của tỉnh, bước tiếp theo cơ quan chức năng sẽ có những tính toán để có phương án di dời như thế nào cho phù hợp với ngành nghề của DN cũng như tạo điều kiện tốt nhất cho người lao động đến nơi làm việc mới" - bà Hà nói.
Theo đại diện Công ty TNHH Hison Vina (KCN Bình Đường), hiện DN vẫn đang hoạt động bình thường, cả chủ DN và người lao động chỉ mới nghe chủ trương của tỉnh về việc di dời, chứ chưa có văn bản thông báo chính thức từ cơ quan chức năng.
Đại diện DN này cho rằng nếu là chủ trương của tỉnh thì DN sẽ chấp hành nhưng người lao động không muốn điều này. Bởi lẽ, có nhiều người đã gắn bó với nhà máy hơn 20 năm và có cuộc sống ổn định cùng gia đình tại mảnh đất này, bây giờ di chuyển đến nơi khác là điều không ai mong muốn.
Ông Võ Anh Tuấn, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Bình Dương, cho hay việc di dời KCN Bình Đường nhằm tạo không gian phát triển, theo cơ cấu kinh tế mới cho các địa phương phía Nam. Ông Tuấn phân tích, TP Dĩ An tiếp giáp TP HCM nên nguồn lực về đất đai rất quan trọng khi chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Tuy nhiên, để di dời 1 DN, 1 KCN là điều không hề đơn giản. Bởi vì việc di dời không phải là của 1 cá nhân hay 1 tập thể mà nó gắn với cả một hệ sinh thái.
"Trường hợp của KCN Bình Đường, thời gian thuê đất của chủ đầu tư là 50 năm, trong khi đến thời điểm này, KCN mới đi vào hoạt động khoảng 30 năm, chủ đầu tư là Tổng Công ty Thương mại, Xuất nhập khẩu Thanh Lễ, nhà đầu tư thứ cấp thuê lại là DN. Do đó, khi di dời thì mặc định đất này là của nhà nước nên phải tính toán cho chủ đầu tư và nhà đầu tư thứ cấp như thế nào. Cho nên, thời gian qua tỉnh đã tổ chức rất nhiều cuộc họp để tìm hướng đi tốt nhất" - ông Tuấn nói.
Tại buổi thị sát tại KCN Bình Đường, ông Nguyễn Văn Lợi - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương - đánh giá việc di dời là cần thiết, song phải thực hiện thận trọng và khoa học, bảo đảm lợi ích chung của người lao động, DN và của tỉnh.
Di dời theo lộ trình
Theo bà Nguyễn Thanh Hà, Đề án di dời DN, KCN ở phía Nam lên phía Bắc của tỉnh (hay còn gọi là Đề án 3210) ra đời từ năm 2019 và hiện nay đang bắt đầu triển khai kế hoạch. Cho nên, cả DN và người lao động đều đã nắm được chủ trương này của tỉnh.
Sở Công Thương đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch, trong đó có lộ trình di dời. Cụ thể, các DN ở TP Thuận An sẽ di dời trong năm 2028; DN ở các TP Tân Uyên, Thủ Dầu Một, Bến Cát và Dĩ An sẽ di dời đến năm 2029.
Sở Công Thương cũng đã dự thảo 5 tiêu chí gồm môi trường, phòng cháy chữa cháy, phù hợp với quy hoạch của tỉnh, công nghệ tiên tiến, chấp hành quy định của pháp luật. Hiện sở đang lấy ý kiến của các sở ngành, hiệp hội ngành hàng, liên đoàn, doanh nghiệp.
Anh Trần Hậu Thành (37 tuổi), công nhân Công ty TNHH Rochdale Spears (TP Tân Uyên), cho biết anh đã làm việc tại DN này hơn 10 năm nay, cả vợ chồng và con cái hiện sống ổn định tại địa phương. Do đó, vấn đề anh trăn trở khi DN di dời lên phía Bắc là chỗ học tập của các con, nơi ở của gia đình. Ngoài ra, anh Thành cũng muốn biết trong thời gian ngừng việc thì có được hỗ trợ gì không?
Là DN có hơn 300 công nhân hoạt động tại TP Dĩ An hơn 20 năm, ông Từ Ngưỡng Kiến, đại diện Công ty TNHH Vina Chang Tai, băn khoăn khi DN và người lao động di dời lên phía Bắc thì sẽ được hỗ trợ ra sao.
"DN tôi có đến 60% lao động trên 35 tuổi, đã làm việc lâu dài tại nhà máy, có cuộc sống ổn định, nhiều người đã có nhà ở cố định nhưng khi DN di dời lên phía Bắc, khả năng họ đi theo DN là rất ít, còn nếu ở lại thì sẽ khó tìm được việc làm mới vì tuổi đã lớn" - ông Kiến lo ngại.
Theo UBND tỉnh Bình Dương, các chính sách hỗ trợ người lao động sẽ bao gồm: Hỗ trợ trong thời gian DN ngừng sản xuất; chi trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động phải nghỉ việc do di dời; hỗ trợ đào tạo nghề đối với công nhân tại địa điểm mới; chính sách về bảo hiểm xã hội; chính sách đặc thù hỗ trợ về nhà ở xã hội đối với người lao động bị ảnh hưởng.
Đối với DN thuộc diện phải di dời, ngân sách tỉnh sẽ hỗ trợ từ nguồn khuyến công; hỗ trợ xúc tiến thương mại; ưu đãi đầu tư đối với dự án trong KCN; phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo; hỗ trợ vay vốn; hỗ trợ tiền thuê đất, nhà xưởng tại địa điểm mới.
KCN Bình Đường được hình thành từ năm 1993, có diện tích 16,5 ha, tọa lạc tại phường An Bình, TP Dĩ An, tiếp giáp với TP Thủ Đức (TP HCM). Đây là KCN đầu tiên của tỉnh Bình Dương, hiện đang thu hút 11 DN, trong đó có 5 DN thuê đất và 6 DN thuê nhà xưởng, với khoảng 2.000 lao động đang làm việc tại đây, tập trung vào các ngành nghề như may mặc, giày da, sản xuất bao bì, dệt may không nhuộm, gia công và lắp ráp linh kiện điện tử…
Bình luận (0)