Mới đây, Công ty CP - Tổng Công ty Nước - Môi trường Bình Dương (BIWASE) đã tổ chức lễ khánh thành nhà máy đốt rác phát điện 5 MW và nâng công suất phân loại, tái chế, xử lý rác lên 2.520 tấn/ngày. Đây là nhà máy đốt rác phát điện 5 MW đầu tiên hoạt động ở tỉnh Bình Dương.
Bảo đảm đốt sạch 100% rác sinh hoạt
Ông Trần Chí Công, Tổng Giám đốc BIWASE, cho biết đến nay công ty có 4 dây chuyền công nghệ tách lọc xử lý rác công suất 2.520 tấn/ngày, quy mô khu tích ủ lên men trên 100.000 m3, diện tích sàn 30.800 m2. Công ty có diện tích nhà xưởng ủ chín 56.800 m2; 2 nhà máy xử lý nước rỉ rác công suất 1.000 m3/ngày cùng nhiều dây chuyền xử lý, tái chế khác hoàn toàn đủ công suất tiếp nhận 100% rác sinh hoạt của tỉnh về khu liên hợp; 2 nhà máy đốt rác y tế công suất 16 tấn/ngày; 4 nhà máy đốt rác hỗn hợp công suất 500 tấn/ngày; trong đó có 1 nhà máy công suất 200 tấn/ngày có thu nhiệt phát điện công suất 5 MW. Tổng vốn đầu tư 1.200 tỉ đồng; trong đó vốn vay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA, không qua bảo lãnh chính phủ) là 20 triệu USD.
Theo ông Trần Chí Công, ngoài dự án nhà máy đốt rác phát điện 5 MW, BIWASE cũng đưa thêm dây chuyền sản xuất phân bón hữu cơ công suất 840 tấn/ngày vào vận hành, việc này bảo đảm 100% rác thải sinh hoạt (khoảng 2.350 tấn/ngày) trên địa bàn sẽ được phân loại xử lý làm phân compost. Hiện nhà máy có thể xử lý 2.520 tấn/ngày, dư công suất xử lý 170 tấn/ngày là phương án dự phòng bảo đảm khả năng tiếp nhận, xử lý rác thải trên địa bàn toàn tỉnh. Với tổ máy phát điện tận dụng nguồn nhiệt từ lò đốt được đầu tư, ước tính mỗi tháng sẽ tiết kiệm được chi phí điện năng khoảng 2 tỉ đồng, giảm được 2/3 chi phí điện tại Khu Liên hợp Xử lý chất thải Bình Dương.
Ông Nguyễn Văn Thiền, Chủ tịch Hội đồng Quản trị BIWASE, khẳng định để có được những kết quả ấn tượng nói trên là nhờ công ty đã tận dụng và phát huy được nguồn vốn ODA để tập trung hoàn thiện công nghệ xử lý, tái chế rác thải. Trong đó, chú ý đầu tư và làm chủ công nghệ để xử lý triệt để rác thải, nhất là phát triển nguồn điện sinh khối từ việc thu gom khí metan, đốt rác thải không thể tái chế đúng quy trình, tận dụng nguồn nhiệt để phát điện. "Nếu khu xử lý rác làm tốt quy trình xử lý, cải tiến công nghệ và có trách nhiệm với cộng đồng thì xây dựng ở đâu cũng được, không đáng sợ như chúng ta hay ám ảnh, ái ngại" - ông Thiền nói.
Giải quyết tốt bài toán kinh tế tuần hoàn
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn cho biết tính đến hết năm 2023, dân số trung bình của Việt Nam khoảng 100,3 triệu người; toàn quốc có 902 đô thị, tỉ lệ đô thị hóa đạt 42,7%. Mỗi ngày, Việt Nam đang thải ra môi trường khoảng 60.000 tấn rác sinh hoạt, trong đó khoảng 60% là rác thải sinh hoạt đô thị. Hình thức xử lý chủ yếu là chôn lấp, với khoảng 70% lượng rác thải được thu gom, gây lãng phí tài nguyên, đất đai cũng như nguy cơ gây ô nhiễm môi trường thứ cấp. Vấn đề này trở nên đặc biệt nghiêm trọng ở các thành phố lớn.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn, nhà máy đốt rác phát điện 5 MW và dây chuyền sản xuất phân hữu cơ 840 tấn/ngày của BIWASE có ý nghĩa rất quan trọng trong việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng của tỉnh Bình Dương để bảo đảm vệ sinh môi trường, góp phần thực hiện mục tiêu của Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025. "BIWASE cần quan tâm đầu tư cũng như nghiên cứu phát triển, làm chủ các công nghệ xử lý chất thải rắn tiên tiến, hiện đại, góp phần xử lý triệt để chất thải rắn của Bình Dương nói riêng và của vùng Đông Nam Bộ nói chung" - Thứ trưởng Bộ Xây dựng kỳ vọng.
Ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương, nhìn nhận vấn đề xử lý chất thải rắn sinh hoạt luôn khó đối với nhiều tỉnh, thành phố có tốc độ đô thị hóa cao như tỉnh Bình Dương. Do đó, việc vận hành nhà máy đốt rác phát điện 5 MW và dây chuyền sản xuất phân hữu cơ 840 tấn/ngày của BIWASE đã thể hiện sự thành công của công ty này trong việc giải quyết, xử lý một cách triệt để và toàn diện chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
"Cụ thể, khi đưa hệ thống dây chuyền sản xuất phân hữu cơ này vào hoạt động, nó góp phần nâng tổng công suất phân loại và chế biến rác thành phân lên 2.520 tấn/ngày (đạt 110% so với tổng lượng rác sinh hoạt phát sinh trong năm 2023 của tỉnh); đồng thời đã chuyển hóa rác thành năng lượng, điều này góp phần bảo đảm hạ tầng kỹ thuật cho công tác phân loại chất thải rắn tại nguồn của tỉnh; phù hợp với xu hướng "rác là tài nguyên" và khai thác kinh tế tuần hoàn hiện nay" - ông Dũng nhấn mạnh.
Tỉnh đầu tiên không còn chôn lấp rác
Hiện BIWASE đã thực hiện triệt để không chôn lấp rác thải và Bình Dương cũng trở thành tỉnh đầu tiên trong 11 địa phương hoàn thành tiêu chí không chôn lấp rác thải trong lưu vực sông Đồng Nai. Đồng thời trên toàn địa bàn 9 huyện, thị và thành phố đều có hệ thống thu gom, vận chuyển rác thải để đưa về Khu Liên hợp Xử lý chất thải Bình Dương xử lý đúng quy trình. Trong tương lai, với khả năng lượng rác thải tăng cao, nhà máy phát điện tận dụng nguồn nhiệt từ lò đốt rác của công ty có thể nâng công suất đốt để từ đó nâng công suất phát điện cung cấp cho quá trình sản xuất tại đơn vị, cũng như có thể hòa lưới điện quốc gia.
Bình luận (0)