Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe các chuyên gia thuyết trình về nhiều nội dung: Nghiên cứu điển hình về khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam, do đại diện Tổng Công ty Becamex IDC trình bày; nghiên cứu về cơ hội phát triển khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam; kích hoạt quá trình khử carbon của các hệ thống công nghiệp quan trọng theo hướng sứ mệnh...
Hơn 200 đại biểu tham dự cũng thảo luận những vấn đề như khử carbon công nghiệp, hiệu quả năng lượng công nghiệp, các chương trình hỗ trợ tài chính quốc tế, cơ hội tài trợ xanh nhằm thúc đẩy tính bền vững trong ngành sản xuất; về các công nghệ năng lượng sạch hỗ trợ sự phát triển bền vững của Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất; trong đó tập trung vào công nghệ tiết kiệm năng lượng và giải pháp khử carbon.
Phát biểu tại hội thảo, bà Susan Burns, Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại TP HCM, cho rằng biến đổi khí hậu đang là một trong những thách thức đối với nhiều quốc gia trên thế giới, ảnh hưởng đến mọi mặt kinh tế, chính trị, ngoại giao và an ninh toàn cầu. Để đạt mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045 và đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 như cam kết, Việt Nam phải giải được bài toán vừa hướng tới một nền kinh tế carbon thấp đồng thời có tốc độ phát triển vượt bậc.
Bà Susan Burns nhấn mạnh hội thảo nhằm tăng cường trao đổi kinh nghiệm thực tiễn và công nghệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, thông qua các giải pháp đa dạng hóa nguồn năng lượng, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, tận dụng các nguồn hỗ trợ quốc tế và tài chính xanh; cũng như hướng tới ứng dụng giải pháp tiết kiệm năng lượng trong công nghiệp để đạt kết quả sử dụng tốt hơn, giảm phát thải carbon, khí nhà kính, nâng cao năng suất, tăng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam.
Ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương, nhìn nhận các quốc gia đang ngày càng hành động nhanh hơn để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Với Việt Nam, mục tiêu đặt ra tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc (COP26) là đạt được "Net Zero" vào năm 2050.
Bình Dương đã và đang phát triển một hệ sinh thái kiểu mới: Mô hình phát triển mới, bổ sung cho mô hình công nghiệp - đô thị - dịch vụ. Đó là hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khoa học - công nghệ, xây dựng các khu công nghiệp thông minh, đô thị thông minh sinh thái, bền vững, phát triển lấy bền vững làm trọng tâm, hướng tới phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết.
"Bài toán hướng tới phát thải ròng bằng 0, không chỉ là bài toán giải quyết vấn đề về môi trường và phát triển bền vững, mà còn là một bài kiểm tra về năng lực quản trị của địa phương. Với vai trò là một trung tâm sản xuất lớn của Việt Nam, Bình Dương cam kết sẽ tham gia sâu rộng vào quá trình đưa phát thải ròng về bằng 0, với mong muốn góp sức mình xây dựng một tương lai bền vững cho Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung" - ông Mai Hùng Dũng nhấn mạnh.
Bình luận (0)