UBND tỉnh Bình Dương đang xây dựng kế hoạch đầu tư tuyến đường ven sông Sài Gòn đi qua 4 địa phương, gồm TP Thuận An, TP Thủ Dầu Một, TP Bến Cát và huyện Dầu Tiếng.
Tuyến đường ven sông này sẽ có điểm đầu tại rạch Vĩnh Bình (phường Vĩnh Phú, TP Thuận An), điểm cuối tuyến tại thị trấn Dầu Tiếng (huyện Dầu Tiếng). Tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 94km.
Theo Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương, đây là công trình trọng điểm của Bình Dương, góp phần chống ngập do triều cường và xả lũ hồ Dầu Tiếng, phù hợp với các kịch bản biến đổi khí hậu, phòng chống sạt lở bờ sông, bảo đảm yêu cầu thoát lũ. Đồng thời hình thành nên trục kết nối thủy - bộ liên hoàn dọc theo sông Sài Gòn, tăng cường kết nối kinh tế - xã hội khu vực, cải tạo cảnh quan bờ sông, chỉnh trang và tạo điểm nhấn cho đô thị.
Để đầu tư tuyến đường ven sông Sài Gòn, Bình Dương sẽ huy động nguồn vốn xã hội hóa kết hợp với nguồn vốn đầu tư công.
Theo dự kiến, trên địa phận TP Thuận An, giai đoạn đến năm 2030, đầu tư kết nối tuyến đường ven sông từ đường Gia Long đến rạch Bà Lụa; cải tạo đoạn tuyến từ rạch Bình Nhâm đến đường Châu Văn Tiếp và đoạn tuyến thuộc dự án cống ngăn triều Bình Nhâm; đầu tư cống kiểm soát triều rạch Vĩnh Bình - Lái Thiêu, bằng nguồn vốn đầu tư công.
Đoạn qua TP Thủ Dầu Một, có 2 phương án: Giai đoạn đến năm 2030, đầu tư kết nối các đoạn tuyến đường ven sông từ rạch Bà Lụa đến ranh khu vực phát triển đô thị Tân An bằng nguồn vốn xã hội hóa.
Giai đoạn sau năm 2030, đầu tư đoạn tuyến từ ranh khu vực phát triển đô thị Tân An đến cầu Ông Cộ kết nối với đường ven sông địa phận Bến Cát, nguồn vốn đầu tư công.
Trên địa phận TP Bến Cát, huyện Dầu Tiếng, giai đoạn đến năm 2030, đầu tư các đoạn tuyến đường ven sông nằm trong dự án các cảng (An Tây, An Điền, Rạch Bắp, Phú Cường Thịnh, Bến Súc…), Khu di tích địa đạo Tam Giác Sắt và các khu vực phát triển đô thị.
Giai đoạn sau năm 2030, đầu tư các đoạn tuyến còn lại ngoài phạm vi dự án cảng, khu vực phát triển đô thị bằng nguồn vốn đầu tư công.
Bình luận (0)