Ngày 11-12, Công an tỉnh Bình Dương tổ chức sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 12 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động "tín dụng đen".
Trong giai đoạn 5 năm từ 2019 - 2024, toàn tỉnh đã phát hiện triệt xóa 74 vụ, 148 đối tượng về các hành vi liên quan đến "tín dụng đen"; trong đó đã khởi tố 50 vụ, 91 bị can bị xử lý về hành vi "cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự".
Ngoài ra, khởi tố 42 bị can liên quan các hành vi cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng, hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản, làm nhục người khác...
Đáng chú ý, hơn 80% vụ việc là do các đối tượng, băng nhóm từ tỉnh khác đến gây án.
Viện Kiểm sát Nhân dân các cấp đã truy tố 36 vụ, 54 bị can; Tòa án nhân dân các cấp đã thụ lý đưa ra xét xử 35 vụ, 53 bị cáo về hành vi "cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự".
Điển hình như vào tháng 10-2024, Phòng Cảnh sát hình sự phối hợp cùng Công an TP Thủ Dầu Một triệt xóa đường dây cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự do nhóm người từ Hải Phòng vào thực hiện.
Cầm đầu đường dây này là đối tượng Bùi Văn Cương (SN 1992; quê Hải Phòng). Theo điều tra, từ đầu năm 2024, Bùi Văn Cương cùng vợ Trần Thị Thơm (SN 1996) và các đối tượng Nguyễn Văn Kiên (SN 1998), Hoàng Xuân Hiệp (SN 1995), Đào Quang Thiệp (SN 1999), Nguyễn Mạnh Sáng (SN 1985) từ Hải Phòng vào TP Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) để hoạt động "tín dụng đen", cho vay với lãi suất 1%/ngày, tương đương 30%/tháng, thu lợi bất chính với tổng số tiền khoảng 290 triệu đồng.
Hay như mới đây, Công an huyện Bàu Bàng (tỉnh Bình Dương) đã tạm giữ 2 đối tượng Nguyễn Văn Hải và Đỗ Văn Hảo (cùng SN 1994, cùng ngụ ở TP Hà Nội) để điều tra, làm rõ hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Trong thời gian từ tháng 4-2024 đến nay, các đối tượng sử dụng số tiền 1,3 tỉ đồng cho vay 52 khoản vay với lãi suất mỗi tháng là hơn 20%, qua đó thu lợi bất chính số tiền khoảng 600 triệu đồng.
Theo Công an tỉnh Bình Dương, thời gian tới ngoài tuyên truyền sâu rộng những quy định của pháp luật về giao dịch dân sự cho vay, lãi suất vay, góp vốn, huy động vốn và trách nhiệm về pháp lý dân sự, hình sự khi vi phạm các quy định của pháp luật để nâng cao ý thức pháp luật của người dân.
Cơ quan chức năng cũng tăng cường các biện pháp phòng ngừa nghiệp vụ, quản lý địa bàn, đối tượng nhằm phát hiện, xóa bỏ những nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm. Rà soát, lập hồ sơ các cơ sở cá nhân, băng nhóm tội phạm có tổ chức hoạt động cho vay lãi nặng, đòi nợ thuê, siết nợ... để quản lý có biện pháp đấu tranh phòng, chống có hiệu quả.
Thực hiện tốt các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm; tập trung chuyển hóa tình hình an ninh trật tự, nhất là các địa bàn trọng điểm, phức tạp...
Bình luận (0)