Ở đây tôi không muốn nói đến diễn biến vụ án, số tiền cũng như những tình tiết ly kỳ trong mối quan hệ giữa hai người, chẳng hạn tờ "hợp đồng tình ái" giữa hai người đang được nói đến nhiều. Nhân đây, tôi chỉ muốn nêu ra vài cảm nghĩ nhỏ về cuộc đời và mối quan hệ ở đời khi dính líu đến lòng tham.
Thú thực, tôi muốn chia sẻ nỗi cay đắng, thậm chí tủi nhục mà người thân của các đương sự kiện cáo nhau ra tòa (nói chung) có thể phải hứng chịu. Họ mới chính là những người vô tội thực sự trong câu chuyện của nguyên cáo - bị cáo nhưng lại phải chuốc lấy nỗi ê chề từ việc làm của kẻ khác.
Ảnh minh họa
Thử đặt bản thân vào cương vị cha mẹ, vợ chồng và con cái của những người kiện nhau ra tòa, xem nhau như kẻ thù kia - mặc dù chắc chắn từng có một giai đoạn nhất định từng có mối quan hệ gần gũi, là người thân tín của nhau, tôi nghĩ những con người tội nghiệp ấy chẳng dám ngẩng mặt nhìn bất cứ ai đâu. Những điều dạy con cái từ thuở ấu thơ còn có tác động gì hay không khi đứa con lớn lên, cha mẹ nào hay biết! Họ cũng chẳng thể sống yên ổn vì xấu hổ khi tên người thân của họ được công bố hằng ngày trên khắp các mặt báo trong một vụ án nhiều khúc mắc, không cần biết ai có tội và ai là người bị hại.
Đành rằng có rất nhiều trường hợp chúng ta phải phớt lờ dư luận, bước trên những lời đồn đại mà sống. Thế nhưng, cả hai người đối đầu nhau tại tòa đều có những lý do phải cúi mặt tránh ánh nhìn của người thân và bạn bè, đồng nghiệp, thậm chí cả những người xa lạ.
Kinh nghiệm ở đời, qua rất nhiều "tấm gương", cho thấy lòng tham luôn là thủ phạm đẩy con người sa chân vào con đường lầm lạc. Sự ham muốn và mưu toan chiếm đoạt những gì không thuộc về mình, dù là tình hay tiền hoặc bất cứ điều gì, sớm hay muộn đều sẽ "giết chết" kẻ chứa chấp nó trong lòng mình.
Lại nữa, sự cân nhắc kỹ lưỡng trước khi có hành vi nào, nếu không - sự bồng bột, sự tham lam sẽ dẫn dắt người ta đến ngõ cụt trong đời sống, thậm chí đến chỗ đánh mất nhân cách, nhân phẩm. Chính vì bế tắc mới phải đưa nhau ra tòa, ít nhất để tìm một lối thoát nào đó! Người ta vẫn bảo "Vô phúc đáo tụng đình" - câu này hàm chứa ý nghĩa thật sâu xa!
Chưa hết, người trưởng thành còn phải ý thức rất rõ những gì họ làm không chỉ bộc lộ tính cách của bản thân họ, mà hơn hết điều đó còn ảnh hưởng xấu gia đình, dòng họ. Có lẽ ít ai có suy nghĩ phải giữ tiếng thơm cho ông bà, cha mẹ, dù các đấng sinh thành không còn nữa. Từ thuở nhỏ, lứa học trò chúng tôi đã được dạy cho bài học đạo đức vỡ lòng này. Chẳng lẽ khi đã lớn khôn, những người con trưởng thành lại có thể quay lưng lại với tất cả hay sao?
"Các em nhớ rằng chỉ một hành vi hoặc cử chỉ nhỏ của em thôi cũng có thể khiến cha mẹ và gia đình các em bị tổn thương, bị người đời chê cười, thậm chí xúc phạm" - lời thầy giáo làng ngày nào vẫn như đang văng vẳng bên tai tôi.
Thế rồi, khi lớn lên và trưởng thành, lúc nào chúng tôi cũng đều cẩn trọng trong mọi cư xử, bởi sợ rằng cha mẹ mình có thể sẽ là mục tiêu chê cười của xã hội. Đến khi lấy vợ lấy chồng, chúng tôi còn ngại làm ảnh hưởng không tốt đến vợ/chồng và cả con cái nữa. Vợ/chồng và các con sẽ sống ra sao khi bị xã hội tẩy chay chính vì hành vi đáng xấu hổ nào đó của chúng ta?
Cuối cùng, lòng tự trọng là hành trang vào đời và trong suốt hành trình cuộc đời luôn cần phải có nơi mỗi một con người trưởng thành. Thiếu nó, tôi sẽ dễ dàng đánh mất tất cả...
Bình luận (0)