Văn phòng Trung ương Đảng vừa có văn bản gửi Bộ Chính trị, Ban Bí thư (để báo cáo) và gửi Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Đảng ủy Chính phủ, Đảng ủy Quốc hội, Đảng ủy Bộ Y tế, về việc sơ kết thực hiện Nghị quyết số 21 của Trung ương về công tác dân số trong tình hình mới, sửa đổi các quy định của Đảng và Nhà nước liên quan công tác dân số.

Bộ Chính trị đồng ý "không kỷ luật những trường hợp sinh con thứ ba"
Trước đó, tại phiên họp ngày 14-2, Bộ Chính trị đã xem xét đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về việc rà soát các quy định của Đảng liên quan đến việc xử lý vi phạm chính sách dân số, và báo cáo của Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế về 7 năm thực hiện Nghị quyết 21 của Trung ương khóa XII.
Bộ Chính trị giao Ủy ban Kiểm tra Trung ương tham mưu, sửa đổi quy định của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư liên quan đến việc xử lý vi phạm chính sách dân số và chủ động sửa đổi Hướng dẫn số 05 ngày 22-11-2022 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, theo hướng không xử lý kỷ luật trường hợp sinh con thứ ba trở lên.
Bộ Chính trị đồng ý ban hành kết luận về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 21 liên quan công tác dân số trong tình hình mới, đồng thời giao Đảng ủy Chính phủ chỉ đạo Đảng ủy Bộ Y tế nghiên cứu, tiếp thu ý kiến để hoàn thiện kết luận của Bộ Chính trị, trình Thường trực Ban Bí thư xem xét, ban hành.
Bộ Chính trị giao Đảng ủy Quốc hội, Đảng ủy Chính phủ phối hợp lãnh đạo, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng và trình Quốc hội thông qua Luật Dân số theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng trong năm 2025.
Trước mắt, Bộ Chính trị yêu cầu khẩn trương rà soát, sửa đổi các văn bản pháp luật có quy định về số con, hoàn thành trong quý I năm nay.
Bộ Chính trị giao Đảng ủy Chính phủ, Đảng ủy Công an Trung ương chỉ đạo khẩn trương hoàn thành việc xây dựng, kết nối đồng bộ dữ liệu về con người (trên cơ sở dữ liệu gốc là cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư), để đánh giá chính xác sự biến động về dân số (cả về số lượng, chất lượng).
Việc này nhằm phục vụ chính xác, kịp thời, hiệu quả công tác hoạch định, triển khai các chính sách dân số trong thời gian tới.
Theo quy định hiện hành, đảng viên sinh con thứ ba được xem là vi phạm chính sách dân số, có thể bị xem xét kỷ luật khiển trách, trừ một vài trường hợp cụ thể.
Mức sinh ở Việt Nam đang có xu hướng giảm liên tục
Về việc này, trả lời báo chí trước đó, ông Lê Thanh Dũng, Cục trưởng Cục Dân số, Bộ Y tế đã cho biết Bộ Y tế đang rà soát các chính sách dân số, đồng thời xây dựng báo cáo về Thực trạng và xu hướng mức sinh tại Việt Nam và đề xuất các chính sách trong dự thảo Luật Dân số.
Trong đó, có chính sách về duy trì mức sinh thay thế nhằm duy trì vững chắc mức sinh thay thế trên phạm vi cả nước, đặc biệt trong bối cảnh mức sinh ở Việt Nam đang có xu hướng giảm liên tục qua các năm gần đây.
Theo ông Lê Thanh Dũng, đề xuất này chỉ là một trong nhiều giải pháp để duy trì mức sinh thay thế trên phạm vi cả nước, tránh mức sinh tiếp tục giảm.
Cụ thể, các nhóm chính sách cơ bản được xây dựng trong dự thảo Luật Dân số bao gồm: duy trì mức sinh thay thế; giảm mất cân bằng giới tính khi sinh và đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; thích ứng với già hóa dân số, dân số già; phân bố dân số hợp lý; nâng cao sức khỏe dân số; và lồng ghép các yếu tố dân số trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Với chính sách duy trì mức sinh thay thế, xây dựng theo hướng:
- Chính phủ quy định các biện pháp, chính sách hỗ trợ cụ thể phù hợp từng thời kỳ và điều kiện phát triển kinh tế, xã hội của đất nước;
- UBND các tỉnh, thành phố trình cấp có thẩm quyền hoặc ban hành theo thẩm quyền các chính sách, giải pháp hỗ trợ, khuyến khích để duy trì mức sinh thay thế trên địa bàn, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, xã hội của địa phương; ưu tiên đối tượng chính sách, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn, biên giới, hải đảo.
- Quy định quyền của cặp vợ chồng, cá nhân trong việc sinh con, thời gian sinh con, số con và khoảng cách giữa các lần sinh; đồng thời quy định nghĩa vụ của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân trong việc sinh con.
Ông Lê Thanh Dũng cho biết thêm lâu nay, quy định kỷ luật sinh con thứ 3 không áp dụng với người dân. Đối với đảng viên sinh con thứ 3, Bộ Y tế đang đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành văn bản bãi bỏ hoặc ngưng hiệu lực đối với quy định về số con của Pháp lệnh số 08/2008/PL-UBTVQH12 sửa đổi Điều 10 Pháp lệnh số 06/2023/PL-UBTVQH1, sửa Hướng dẫn số 05-HD/UBKTTW ngày 22-11-2022 hướng dẫn thực hiện một số điều trong Quy định số 69-QĐ/TW theo hướng không xử lý kỷ luật đối với trường hợp sinh từ 3 con trở lên.
Theo Bộ Y tế, có một số nguyên nhân dẫn đến mức sinh có xu hướng xuống thấp trong những năm gần đây: Do điều kiện sống được cải thiện, học vấn ngày càng được nâng cao, nhu cầu phát triển sự nghiệp bản thân, nhất là phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, tìm kiếm việc làm tốt hơn để có thu nhập cao hơn và chất lượng cuộc sống tốt hơn, đồng thời được tận hưởng cuộc sống và thành quả của sự phát triển nhiều hơn đã tác động làm chậm, muộn việc kết hôn, nhu cầu sinh con, thời điểm sinh con, sinh đủ 2 con của các bạn trẻ, của các cặp vợ chồng.
Sức ép kinh tế đối với một gia đình trẻ như chi phí sinh hoạt, chi phí thuê hoặc mua nhà, chi phí nuôi dưỡng và giáo dục con cái từ khi sinh ra đến khi trưởng thành ngày càng cao, cũng khiến nhiều cặp vợ chồng trẻ phải cân nhắc, chọn sinh con muộn, sinh ít con hoặc không sinh con…
Khi mức sinh giảm thấp sẽ gây ra nhiều hệ luỵ, bao gồm: thiếu hụt lực lượng lao động, suy giảm quy mô dân số, đẩy nhanh tốc độ già hóa dân số, gia tăng các dòng di cư (do mức sinh thấp, lực lượng lao động thiếu hụt tác động đến các chính sách di cư làm tăng các dòng di cư, thu hút lao động nhập cư)...
Bình luận (0)