Thị trường chứng khoán (TTCK) muốn đạt chất lượng cao, phát triển bền vững thì nhà đầu tư tổ chức phải chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu nhà đầu tư. Cập nhật hiện nay thị trường chứng khoán quy mô vốn hóa lớn, số lượng tài khoản các nhà đầu tư mở gần 8 triệu tài khoản. Tuy nhiên, nhìn vào cơ cấu và tài khoản thì số lượng của nhà đầu tư tổ chức khiêm tốn, nhà đầu tư nước ngoài hiện đang sở hữu khoảng 14% trên thị trường cổ phiếu (tính theo lượng cổ phiếu lưu hành - PV).
Thông tin trên được Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh tại diễn đàn thường niên Đối thoại tháng 7 với chủ đề "Nâng hạng, gọi vốn và phát triển nhà đầu tư tổ chức", do Câu lạc bộ Nhà báo Chứng khoán tổ chức tổ chức ngày 19-7.
Từ thực tế trên, ông Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh vấn đề đặt ra là phải làm thể nào để tăng nhà đầu tư tổ chức trên thị trường. Theo Thứ trưởng Chi, nhiệm vụ này, cơ quan quản lý nhà nước Bộ Tài chính, Uỷ ban Chứng khoán đã nhận ra từ lâu, cũng đã báo cáo Thủ tướng đưa vào nhiệm vụ phát triển thị trường trong thời gian tới.
Về con số nhà đầu tư nước ngoài hiện đang sở hữu khoảng 14% trên thị trường cổ phiếu, Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup cho biết riêng trên HOSE thì tỉ lệ này là 17,3%, HNX là 5,4% và UPCom là 3%.
Tại thời điểm cuối năm 2023, tỉ lệ sở hữu nước ngoài lần lượt là 19,83% (HOSE), 10,99% (HNX) và 4,24% (UPCOM). Mặc dù còn phụ thuộc sự hấp dẫn của cổ phiếu cụ thể (quy mô, chất lượng cổ phiếu, thanhkhoản) để thu hút nhà đầu tư tổ chức, tuy nhiên % sở hữu được tự do chuyển nhượng của thị trường chứng khoán Việt Nam ở mức tương đối thấp, ước tính ở mức 45,5%.
Do đó, theo ông Thuân, cùng với tiến trình thoái vốn Nhà nước ở nhiều doanh nghiệp, dư địa để thu hút thêm nhà đầu tư tổ chức trong và ngoài nước còn rất lớn. Đồng tình với nhận định dư địa còn lớn, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho rằng để tăng số lượng nhà đầu tư tổ chức, có rất nhiều việc phải làm, đồng bộ và không thể "một sớm một chiều". Theo ông Chi, việc này phải song hành với tiến trình nâng hạng TTCK.
Về phía cơ quan quản lý, theo ông Chi, Bộ Tài chính sẽ tạo điều kiện, mở ra hoạt động cho các dạng quỹ đầu tư. Các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài muốn đầu tư vào thị trường Việt Nam, thu được lợi ích trên thị trường. Thị trường cũng thu được lợi ích khi nhà đầu tư nước ngoài tham gia. "Chúng ta rất muốn 2 lợi ích này gặp được nhau"- ông Nguyễn Đức Chi nêu rõ.
Trong điều hành, Bộ Tài chính đặt trọng tâm làm sao cởi bỏ những điều kiện không còn cần thiết, để nhà đầu tư tổ chức tham gia vào thị trường chúng ta thuận lợi hơn. Hiện Uỷ ba Chứng khoán Nhà nước đã lấy ý kiến về việc nhà đầu tư nước ngoài không cần phải ký quỹ 100%. "Đây là vấn đề quan trọng để hướng tới nâng hạng thị trường chứng khoán"- Thứ trưởng nêu rõ.
Bà Vũ Thị Chân Phương, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết Uỷ ban cùng các cơ quan liên quan đang thực thi nhiều giải pháp để thị trường chứng khoán Việt Nam có thể nâng hạng vào năm 2025.
Thời gian qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã, đang khẩn trương rà soát và kiến nghị sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp lý để từng bước gỡ các nút thắt trong việc xem xét nâng hạng theo các tiêu chí của các tổ chức quốc tế, đồng thời phối hợp tích cực với các bộ, ngành liên quan quyết liệt triển khai các giải pháp nhằm đáp ứng các tiêu chí của các tổ chức đánh giá xếp hạng thị trường hướng tới mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ Cận biên lên Mới nổi.
"Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đang nỗ lực tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp cơ cấu lại cơ sở hàng hóa; cơ cấu lại các tổ chức kinh doanh chứng khoán trên thị trường; cơ cấu lại cơ sở nhà đầu tư và cơ cấu lại tổ chức thị trường để mở rộng hơn nữa cơ hội cho doanh nghiệp huy động vốn" - bà Vũ Thị Chân Phương cho hay.
Bình luận (0)