Ngày 12-10, Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM tổ chức hội nghị phổ biến các Nghị định thi hành Luật Đất đai 2024, gồm: Nghị định số 71/2024 quy định về bảng giá đất; Nghị định số 101/2024 quy định về điều tra cơ bản đất đai, đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và hệ thống thông tin đất đai; Nghị định số 102/2024 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai.
Tại hội nghị, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường trình bày một số điểm mới tại các quy định nêu trên và giải đáp một số thắc mắc của các cơ quan, đơn vị.
Trao đổi về quy định tách thửa, hợp thửa, ông Mai Văn Phấn, Cục trưởng Cục đăng ký dữ liệu và thông tin đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho hay đối với nhiều địa phương mà ông góp ý thì cũng yêu cầu tiêu chí về loại đất, diện tích… Trong đó đặc biệt lưu ý diện tích tối thiểu của từng loại đất.
Theo ông Phấn, hầu hết các tỉnh đều xây dựng tiêu chí từng loại đất nhưng có những trường hợp xảy ra một thửa đất có nhiều loại đất mà quen gọi là "đất ở có vườn, ao".
"Các địa phương khi tách thửa đồng thời với chuyển mục đích thì phải làm cùng lúc thủ tục nhưng người ta đưa 2 tiêu chí vào áp dụng thì gần như các trường hợp đều bị "bật" hết" – ông Phấn cảnh báo.
Phân tích thêm, ông Phấn cho rằng đất có vườn ao thì bình quân khoảng 300-400 m2, cả đất ở và đất vườn. Tuy vậy, trường hợp đất ở quy định tách thửa có tiêu chuẩn tối thiểu 100 m2;; đất nông nghiệp tối thiểu là 500 m2, khi áp dụng vào thửa đất có 2 loại đất thì diện tích rất lớn.
"Khi áp dụng cả đất ở và nông nghiệp thì thửa đất 600 m2. Nếu thế thì ai mà cho con để xây nhà cửa được, phải đi mua chỗ khác" – ông Phấn nói.
Vì vậy, ông cho rằng khi tách thửa phải quy định rõ cho từng loại đất, trong đó chỉ được áp dụng tiêu chí đối với phần diện tích tối thiểu cho phần chuyển mục đích, bởi nếu áp dụng tiêu chí đối với cả 2 loại đất thì thực tế khó đáp ứng được.
Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng trách nhiệm xây dựng quy định về diện tích, điều kiện tách thửa là Sở Tài nguyên và Môi trường trình UBND cấp tỉnh. TP HCM cần lưu ý khi xây dựng quy định này, vì kinh nghiệm tại một số địa phương cho thấy khi tổ chức triển khai sẽ vướng.
Tại TP HCM, Quyết định 60/2017 quy định, diện tích tối thiểu được tách thửa, đối với đất ở, thửa đất ở mới hình thành và thửa đất ở còn lại sau khi tách thửa (đã trừ phần diện tích thuộc quy hoạch công trình giao thông không phù hợp quy hoạch) phải bảo đảm diện tích tối thiểu 36 m2 đối với khu vực 1; 50 m2 đối với khu vực 2 và 80 m2 đối với khu vực 3.
Về đất nông nghiệp, thửa đất mới hình thành và thửa đất còn lại phải bảo đảm diện tích tối thiểu 500 m2 đối với đất trồng cây hàng năm, đất nông nghiệp khác và 1.000 m2 đối với đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối.
Như vậy, thực tế trường hợp thửa đất nông nghiệp ở ngoại thành có diện tích 500 m2, trong đó có hình thành nhà ở từ lâu, muốn tách thửa đồng thời chuyển mục đích sang đất ở để chia cho con cái thì không bảo đảm tiêu chí diện tích tối thiểu còn lại là 500 m2 đối với đất trồng cây hàng năm.
Trước đó, ngày 11-10, Thường trực HĐND TP HCM giám sát việc thực hiện công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố đối với UBND TP HCM.
Chủ tịch HĐND TP HCM đề nghị UBND TP HCM cần tập trung rà soát, thống nhất, chỉ đạo tháo gỡ, cũng như kiến nghị bộ, ngành, Chính phủ các nội dung: công tác quy hoạch đất đai; quản lý cấp phép xây dựng; công tác quản lý, phối hợp kiểm tra trật tự xây dựng, tổ chức thực hiện các quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Luật Đất đai năm 2024 và các nghị định hướng dẫn thi hành đã có hiệu lực, UBND TP HCM cần khẩn trương rà soát, cập nhật và ban hành quyết định quy định cụ thể điều kiện, diện tích tối thiểu được tách thửa đất đối với từng loại đất trên địa bàn thành phố thay thế quyết định 60/2017.
Bình luận (0)