Ngày 11-10, Thường trực HĐND TP HCM giám sát việc thực hiện công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố đối với UBND TP HCM.
Báo cáo tại buổi giám sát, ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM, cho biết công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố từng bước được cải thiện, có chuyển biến tích cực.
Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 23/2019 của Thành ủy TP HCM về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng, tổng số công trình vi phạm trên địa bàn thành phố là 3.085 công trình; bình quân 1,7 vụ/ngày, giảm 6,9 vụ/ngày, tỉ lệ giảm là 80,2% so với bình quân số vụ vi phạm trước thời điểm ban hành Chỉ thị số 23/2019 là 8,5 vụ/ngày.
Về xử phạt vi phạm, tính từ năm 2021 đến 6 tháng đầu năm 2024, số công trình bị xử phạt vi phạm hành chính về trật tự xây dựng là 1.418 trường hợp, tổng số tiền xử phạt khoảng 34 tỉ 600 triệu đồng, số tiền xử phạt thu được khoảng 25 tỉ 400 triệu đồng, đạt tỉ lệ 73,3%.
Đối với công trình vi phạm bị xử phạt theo pháp luật đất đai, số trường hợp bị xử phạt là 1.256; trong đó 1.041 trường hợp chấp hành xử phạt, đạt tỉ lệ 83%.
Phó Chủ tịch UBND TP HCM Bùi Xuân Cường nói thực tiễn cho thấy có những nguyên nhân khách quan từ quy định pháp luật, những vướng mắc quy hoạch trong quản lý trật tự xây dựng.
Về giải pháp, TP HCM sẽ tiếp tục hoàn thiện các quy định trên cơ sở vận dụng Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở năm 2023, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023. Các quy định sẽ thông thoáng, rõ ràng hơn giúp người dân tiếp cận, tuân thủ quy định pháp luật, đặc biệt liên quan đến cấp phép xây dựng.
Phát biểu kết luận giám sát, Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Thị Lệ ghi nhận những nỗ lực của UBND TP HCM, các sở, ngành và địa phương đã phấn đấu thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm được đề ra tại Chỉ thị 23/2019.
Chủ tịch HĐND TP HCM đề nghị UBND TP HCM cần phải tập trung rà soát, thống nhất, chỉ đạo tháo gỡ, cũng như kiến nghị bộ, ngành, Chính phủ các nội dung: công tác quy hoạch đất đai; quản lý cấp phép xây dựng; công tác quản lý, phối hợp kiểm tra trật tự xây dựng, tổ chức thực hiện các quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Luật Đất đai năm 2024 và các nghị định hướng dẫn thi hành đã có hiệu lực, UBND TP HCM cần khẩn trương rà soát, cập nhật và ban hành quyết định quy định cụ thể điều kiện, diện tích tối thiểu được tách thửa đất đối với từng loại đất trên địa bàn thành phố thay thế quyết định 60/2017.
"UBND TP chỉ đạo tiếp tục rà soát quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch điểm dân cư nông thôn, quy hoạch khu chế xuất, khu công nghiệp… đảm bảo đồng bộ, thống nhất, kịp thời khắc phục các tồn đọng, hạn chế nhằm giải quyết nhu cầu của người dân về tách thửa, hợp thửa, cấp phép xây dựng" – bà Lệ nhấn mạnh.
Theo ông Huỳnh Thanh Khiết, một trong những giải pháp trong thời gian tới là TP HCM tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cơ quan có thẩm quyền xem xét, cho phép cắt điện, nước đối với công trình vi phạm.
Cụ thể, UBDN các cấp được quyền yêu cầu các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước áp dụng biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ đối với công trình vi phạm quy định về trật tự xây dựng không chấp hành yêu cầu dừng thi công xây dựng hoặc biện pháp khắc phục hậu quả buộc phá dỡ công trình của người có thẩm quyền mà vẫn tiếp tục thi công xây dựng, thực hiện hành vi vi phạm.
Bình luận (0)