Ngày 21-9, tại hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp về giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng cho biết theo quy hoạch chiến lược, riêng ở 3 lĩnh vực đường bộ, đường hàng không, đường thủy thì Việt Nam cần khoảng hơn 2 triệu tỉ đồng để đầu tư.
Theo Bộ trưởng GTVT, từ năm 2021 đến nay, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã dành hơn 100 ngàn tỉ đồng để triển khai xây dựng các dự án lớn, rất lớn trên mọi lĩnh vực và ưu tiên là đường cao tốc.
Hiện cả nước có hơn 1.000 km đường cao tốc, dự kiến đến năm 2025 có thêm hơn 1.000 km đường cao tốc và đến năm 2030, cả nước có khoảng 5.000 km đường cao tốc. Đây là nguồn lực rất lớn mà Đảng và Nhà nước đã dành cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.
Mong doanh nghiệp làm đường theo hình thức BOT
Tuy nhiên, dự kiến đến năm 2030, nhu cầu phát triển giao thông rất lớn. Chưa tính đến lĩnh vực đường sắt và dự án đường sắt cao tốc thì cần hơn 2 triệu tỉ đồng, trong khi ngân sách nhà nước dự kiến hơn 1 triệu tỉ đồng. Như vậy, còn hơn 1 triệu tỉ đồng sẽ phải huy động nguồn xã hội hóa từ các doanh nghiệp.
Nếu tính cả đường sắt tốc độ cao và dự án đường tiêu chuẩn thì cần khoảng thêm 3 triệu tỉ đồng nữa. Riêng đường sắt tốc độ cao đã cần hơn 1,7 triệu tỉ đồng.
Do đó, cần nguồn xã hội hóa rất lớn, vì vậy Bộ trưởng Bộ GTVT nhấn mạnh mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm đầu tư để phát triển lĩnh vực hạ tầng GTVT.
Về đường bộ, Luật Đường bộ đã được ban hành và sắp tới Bộ GTVT sẽ phối hợp với các Bộ, ngành thực hiện đấu thầu về việc thu phí ở tất cả các tuyến cao tốc mà nhà nước đã đầu tư. Đây là cơ hội rất tốt để các doanh nghiệp có thể tham gia.
"Có nhiều dự án về giao thông có thể làm BOT, Bộ GTVT mong muốn các doanh nghiệp sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng, tham gia theo hình thức BOT. Để làm được điều này, thời gian tới, Chính phủ cũng sẽ có nhiều cơ chế, chính sách và sẽ trình Quốc hội về các chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp" - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh.
Đường sắt sẽ tạo ra cho thị trường xây dựng khoảng 75,6 tỉ USD
Về đường sắt, hiện nay, ngoài đường sắt tốc độ cao thì có nhiều dự án đường sắt thuộc tiêu chuẩn đường sắt hỗn hợp, đường sắt đô thị.
Theo tính toán của Bộ GTVT, riêng các dự án đường sắt sẽ tạo ra cho thị trường xây dựng khoảng 75,6 tỉ USD và cho thị trường sản xuất hơn 34 tỉ USD. Còn những vấn đề liên quan đến các thiết bị phục vụ đường sắt tốc độ cao 250 km/giờ, 350 km/giờ cơ bản không có sự khác biệt nhiều.
Bộ trưởng Bộ GTVT cũng cho biết Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 2 quy hoạch là quy hoạch nhóm cảng biển và quy hoạch chi tiết. Hiện nay, Bộ GTVT đã làm song song 2 quy hoạch này.
Riêng quy hoạch nhóm cảng biển, Bộ GTVT đã trình Thủ tướng và Phó Thủ tướng phụ trách đã họp xem xét, có thông báo về nội dung này vào ngày 5-9-2024. Dự kiến, trong tháng 9 này có đầy đủ quy hoạch cảng biển để triển khai…
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Đỗ Đức Duy cũng trao đổi một số vấn đề doanh nghiệp kiến nghị liên quan đến: Đất đai, môi trường và khoáng sản.
Đối với kiến nghị của Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Mặt Trời (Sun Group) Đặng Minh Trường liên quan đến giao đất theo tiến độ giải phóng mặt bằng và tính giá đất theo thời điểm giao đất, Bộ trưởng Bộ TN-MT khẳng định trong Luật Đất đai và Nghị định hướng dẫn đã quy định đúng như trên, giải phóng đến đâu giao đất đến đó, giao đất ở thời điểm nào thì xác định giá đất ở thời điểm đó.
Trong Luật Đất đai và Nghị định hướng dẫn về xử lý chuyển tiếp các trường hợp cũng đã nêu nếu giao đất từ ngày 1-1-2005 (tức là thời điểm Luật Đất đai năm 2003 có hiệu lực) đến nay chưa tính tiền sử dụng đất thì thời điểm để xác định tiền sử dụng đất cũng xác định từ thời điểm giao đất.
Đối với đất sử dụng cho mục đích hỗn hợp cũng đã có quy định cụ thể để tính tiền sử dụng đất theo loại đất hỗn hợp, như các dự án của Sun Group về phát triển du lịch.
Đối với kiến nghị của lãnh đạo Tập đoàn Gleximco về giao đất cho nhà đầu tư chiến lược để thực hiện các dự án quy mô lớn, Bộ TN-MT đồng tình trong việc điều chỉnh quy định về đấu thầu.
Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu để lựa chọn các nhà đầu tư chiến lược theo hình thức chỉ định trực tiếp nhà đầu tư chứ không qua đấu giá đấu thầu.
Liên quan đến kiến nghị của Gleximco về nộp tiền sử dụng đất 1 lần hoặc 50 năm với nhà chung cư, lãnh đạo Bộ TN-MT thông tin Quốc hội đã quyết định hình thức sở hữu nhà chung cư là dài hạn, như vậy sở hữu dài hạn thì đất phải là đất sử dụng lâu dài và nộp tiền sử dụng đất là đất ở.
Còn trường hợp xây dựng nhà ở để cho thuê thì là đất kinh doanh dịch vụ. Trong trường hợp này, theo Luật Đất đai, nhà đầu tư có thể chọn trả một lần cho cả thời gian thuê hoặc trả tiền hàng năm.
Bộ trưởng Bộ TN-MT cũng cho biết Bộ đã đề xuất sửa Nghị định 08 về Bảo vệ môi trường, theo đó có khoảng 11% thủ tục về môi trường được cắt giảm, tức là không phải thực hiện. Còn 56% thủ tục trước đây phải về Bộ thì nay chuyển về địa phương.
Về khoáng sản, trước đây giao cho doanh nghiệp thực hiện khai thác mỏ và khi kết thúc thì đóng cửa mỏ, tiếp cận theo hướng doanh nghiệp tự đóng cửa mỏ và trả về cho Nhà nước. Tuy nhiên theo Luật Khoáng sản 2010 và Nghị định 158 năm 2016 quy định muốn hoàn thành đóng cửa mỏ thì doanh nghiệp phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước. Vì vậy dẫn đến vướng của mỏ Quý Sa và có thể cả mỏ Thạch Khê.
Vì vậy, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngay trong tuần tới, Bộ TN-MT sẽ phối hợp với Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ theo hướng vẫn thực hiện đóng cửa mỏ, còn nghĩa vụ tài chính sẽ ghi trong quyết định phê duyệt đề án đóng cửa mỏ và nghĩa vụ ràng buộc với nhà đầu tư.
Bộ trưởng Bộ TN-MT cho biết vấn đề này hoàn toàn có thể giải quyết được với cả mỏ Quý Sa và Thạch Khê.
Bình luận (0)