Ngày 16-7, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc của Thường trực Chính phủ về thúc đẩy đầu tư công năm 2024.
Báo cáo tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết đến ngày 10-7, các bộ, cơ quan trung ương, địa phương đã giao chi tiết cho các nhiệm vụ, dự án là 639,4 ngàn tỉ đồng, đạt 95,5% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Số vốn còn lại chưa phân bổ chi tiết là 29,9 ngàn tỉ đồng.
Về giải ngân, ước thanh toán từ đầu năm đến ngày 30-6 là 196,7 ngàn đồng, đạt 29,39% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cùng kỳ năm 2023 đạt 30,49%.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, có 11/44 bộ, cơ quan trung ương và 35/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên mức trung bình của cả nước. Trong đó một số bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân cao là: Bộ Giao thông vận tải; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Xây dựng; Đài Truyền hình Việt Nam; Hội văn học nghệ thuật Việt Nam; Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Các địa phương có tỉ lệ giải ngân vốn tốt có thể kể đến Nam Định, Thanh Hóa, Lào Cai, Phú Thọ, Bà Rịa Vũng Tàu, Tiền Giang.
Phân tích kỹ hơn về kết quả giải ngân vốn 6 tháng đầu năm 2024, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT cho rằng tỉ lệ chung của cả nước thấp so với với cùng kỳ năm 2023. Bên cạnh đó, tỉ lệ giải ngân vốn ngân sách địa phương (đạt 28,77%), thấp hơn cùng kỳ (32,76%).
"Số lượng bộ, cơ quan trung ương, địa phương giải ngân dưới trung bình cả nước còn cao với 33 bộ, cơ quan trung ương và 28 địa phương. Trong đó có một số bộ, địa phương có số vốn kế hoạch năm 2024 chiếm tỉ trọng lớn, tuy nhiên tỉ lệ giải ngân thấp"- Bộ trưởng nêu rõ.
Đáng chú ý, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, nhiều bộ, cơ quan trung ương, địa phương không duy trì được kết quả giải ngân tốt như cùng kỳ năm 2023. Cụ thể, có 15 bộ, cơ quan trung ương 33 địa phương có số vốn giải ngân thấp hơn số vốn của chính bộ, cơ quan trung ương và địa phương đó đã giải ngân trong cùng kỳ năm 2023.
Một số địa phương được giao kế hoạch năm 2024 cao hơn năm 2023 nhưng có giá trị giải ngân thấp hơn đáng kể so với cùng kỳ năm 2023 như: TP HCM (thấp hơn 4.604 tỉ đồng); Quảng Ngãi (thấp hơn 1.510,304 tỉ đồng); Hải Phòng (thấp hơn 1.476,968 tỉ đồng); Bắc Giang (thấp hơn 1.097,672 tỉ đồng); Đồng Nai (thấp hơn 839,04 tỉ đồng).
Một số dự án được giao kế hoạch vốn năm 2024 lớn nhưng có tỉ lệ giải ngân thấp như dự án Vành đai 3 - TP HCM; Dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; Cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh…
Cũng theo đánh giá của Bộ KH-ĐT, tỉ lệ giải ngân vốn của các dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài còn thấp, đạt 12% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn đáng kể so với tỉ lệ giải ngân trung bình của cả nước là 29,39%.
Bộ KH-ĐT cũng đã chỉ rõ một số khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công như công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng còn chậm, kéo dài, chưa được xử lý dứt điểm. Tình trạng thiếu đất, cát đắp nền tiếp tục diễn ra, ảnh hướng tới tiến độ thực hiện nhiều dự án, đặc biệt là các dự án quan trọng quốc gia, dự án cao tốc, dự án trọng điểm đường liên vùng, đường ven biển.
Bên cạnh đó, giá nguyên, nhiên vật liệu biến động do nguyên liệu đầu vào tăng cao. Giá đá, cát xây dựng tiếp tục tăng do tình trạng khan hiếm. Tình trạng sụt lún, sạt lở các tuyến đường giao thông và khô cạn nước trên các tuyến kênh rạch ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long gây khó khăn trong quá trình vận chuyển vật tư vào công trình, ảnh hưởng đến tiến độ thi công công trình.
Ngoài ra, vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức, viên chức có biểu hiện né tránh, đùn đẩy công việc, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc, không thực hiện đầy đủ chức năng, quyền hạn trong thực thi công vụ gây ách tắc trong công tác tổ chức thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công.
Bình luận (0)