Dự thảo luật gồm 9 chương, 65 điều, trong đó có 11 điều quy định về phạm vi điều chỉnh đối với hoạt động phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC-CNCH); đã luật hóa và bổ sung quy định về hoạt động cứu nạn, cứu hộ để cụ thể hóa và thi hành quy định của Hiến pháp năm 2013 về bảo đảm quyền con người, quyền công dân; đồng thời, quy định bao quát hơn các nội dung có liên quan đến quản lý về PCCC đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Bên cạnh việc kế thừa các quy định hiện hành, dự thảo luật đã bổ sung các quy định mới để khắc phục những vướng mắc, bất cập hiện nay và đáp ứng yêu cầu thực tiễn về hoạt động phòng cháy; quy định cụ thể hơn trách nhiệm, yêu cầu trong hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh phải bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy và nâng cao hơn nữa yêu cầu, trách nhiệm trong việc quản lý, cung ứng, sử dụng điện và thiết bị điện có liên quan đến cháy, nổ.
Ví dụ về điều kiện bảo đảm an toàn phòng cháy đối với nhà ở, dự thảo quy định hệ thống điện, bếp đun nấu, nơi thờ cúng phải bảo đảm an toàn phòng cháy; chất dễ cháy, nổ phải để xa nguồn lửa, nguồn nhiệt; có giải pháp thoát nạn; chuẩn bị thiết bị, phương tiện PCCC-CNCH phù hợp với khả năng, điều kiện thực tế để sẵn sàng chữa cháy, thoát nạn; điều kiện bảo đảm an toàn phòng cháy đối với nhà ở kết hợp kinh doanh tương tự như trên và phải có giải pháp ngăn cháy giữa khu vực để ở với khu vực kinh doanh.
Dự thảo luật còn bỏ các nội dung đã được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật hoặc trong các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật có liên quan để bảo đảm đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Thẩm tra dự án luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cơ bản nhất trí với sự cần thiết ban hành luật, nhằm khắc phục kịp thời những hạn chế, bất cập đang tồn tại, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật và tăng cường công tác quản lý nhà nước về PCCC-CNCH trong tình hình mới.
Quá trình thẩm tra, có ý kiến đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định về chính sách phổ biến kiến thức, kỹ năng về PCCC-CNCH; huấn luyện, diễn tập PCCC-CNCH.
Đồng thời, có chính sách về đảm bảo đầu tư, phân bổ nguồn lực phục vụ PCCC, cứu nạn, cứu hộ phù hợp với tình hình phát triển kinh tế-xã hội của từng địa phương, vùng miền; chính sách bảo vệ, hỗ trợ các đối tượng yếu thế trong hoạt động PCCC, cứu nạn, cứu hộ…
Ủy ban Quốc phòng-An ninh cơ bản nhất trí quy định của dự thảo luật và đề nghị tiếp tục nghiên cứu, bổ sung các nội dung trên, trong đó ưu tiên chính sách đưa công tác giáo dục, tuyên truyền về PCCC-CNCH vào trường học.
Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị tiếp tục nghiên cứu làm rõ yêu cầu PCCC đối với từng loại quy hoạch để có giải pháp, thiết kế về PCCC phù hợp; xác định rõ hơn cách thức áp dụng tiêu chuẩn, điều kiện đối với từng loại công trình, dự án.
Cùng đó là phân loại rõ công trình cải tạo đến mức nào thì mới phải có giải pháp, thiết kế PCCC; rà soát, thống nhất các quy định liên quan đến thẩm quyền, trách nhiệm, trình tự, thủ tục, phân công phối hợp trong thẩm tra, thẩm định, nghiệm thu, kiểm tra kết quả nghiệm thu về PCCC.
Cơ quan thẩm tra đề nghị cân nhắc quy định giao trách nhiệm tổ chức nghiệm thu về PCCC cho chủ đầu tư dự án, công trình, chủ phương tiện giao thông cơ giới.
Đồng thời, tiếp tục đánh giá kỹ tác động của các quy định về điều kiện an toàn PCCC đối với nhà ở, phương tiện giao thông cơ giới và cơ sở; nghiên cứu quy định yêu cầu, điều kiện về PCCC phù hợp với từng loại hình cơ sở trên từng địa bàn, nhất là loại hình nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, trong đó cần quy định cụ thể về yêu cầu thiết kế, lắp đặt hệ thống điện...
Bình luận (0)