Ngày 9-10, tại diễn đàn "Kinh doanh và Pháp luật" năm 2024, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh nhấn mạnh để đáp ứng các yêu cầu về phát triển, khơi thông nguồn lực, cần thường xuyên rà soát các vấn đề pháp lý, hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư, sản xuất, kinh doanh.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh, với tinh thần lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể, mục tiêu và động lực phát triển, Chính phủ, các bộ, ngành chức năng đã phối hợp triển khai nhiều giải pháp để giải quyết các vấn đề pháp lý cho doanh nghiệp, trọng tâm là những giải pháp thúc đẩy hoàn thiện thể chế pháp luật.
Tại diễn đàn này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết các bộ ngành liên quan sẽ "lắng nghe tiếng nói" của doanh nghiệp, xác định những vấn đề pháp lý còn vướng mắc liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh hiện nay.
Từ các vướng mắc được nhận diện, ông Nguyễn Hải Ninh cho biết diễn đàn cũng sẽ trao đổi để đưa ra các các định hướng, giải pháp hữu hiệu. "Qua diễn đàn này, sẽ tiếp tục khẳng định cam kết luôn đồng hành, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp trong bất cứ hoàn cảnh nào"- Bộ trưởng nói.
"Hội đồng phối hợp, phổ biến giáo dục pháp luật Trung ương, các bộ, ngành, địa phương sẵn sàng đồng hành, theo sát và cùng cộng đồng doanh nghiệp "tháo gỡ đến cùng" các khó khăn, vấn đề pháp lý mà cộng đồng doanh nghiệp gặp phải, góp phần tạo dựng môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh thông thoáng, thuận lợi một cách thực chất"- Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh khẳng định.
Với chủ đề chung tay giải quyết các vấn đề pháp lý, góp phần tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, Diễn đàn "Kinh doanh và Pháp luật" năm 2024 do Hội đồng phối hợp, phổ biến giáo dục pháp luật Trung ương tổ chức.
Theo Bộ Tư pháp, diễn đàn tập trung thảo luận, cùng giải quyết một số vấn đề pháp lý về dự án đầu tư có sử dụng đất. Trong đó, nhận diện những điểm còn bất cập do mâu thuẫn, không tương thích giữa các văn bản pháp luật trong hoạt động đầu tư xây dựng và vướng mắc trong các quy định cũng như tổ chức thực hiện; về trình tự, thời gian chuẩn bị đối với các dự án đầu tư...
Bên cạnh đó, nhận diện và tháo gỡ một số vấn đề pháp lý về thuế. Đơn cử là khó khăn trong hoàn thuế giá trị gia tăng cũng cần được sửa đổi, bổ sung quy định trình tự, thủ tục để bảo đảm minh bạch chính sách, bảo đảm việc hoàn thuế giá trị gia tăng theo nguyên tắc quản lý rủi ro, hoàn thuế kịp thời cho doanh nghiệp theo đúng thời gian quy định của pháp luật về quản lý thuế.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh, trong 9 tháng năm 2024, Chính phủ đã tổ chức 9 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật; Chính phủ đã ban hành 122 Nghị định, 215 Nghị quyết, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 1.129 Quyết định, 35 Chỉ thị, tổ chức 3 phiên họp Ban Chỉ đạo về rà soát, xử lý các vấn đề, vướng mắc pháp lý.
Những việc làm cụ thể đó, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua.
Cụ thể, GDP Quý III tăng 7,4%, 9 tháng đầu năm 2024 tăng 6,82%, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Tình hình phát triển doanh nghiệp có xu hướng tích cực với 183.000 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, cao hơn số doanh nghiệp rút khỏi thị trường (163.000).
Bình luận (0)