Sáng 7-10, tại Phiên họp thứ 38, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp (DN).
Góp ý tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị rà soát lại toàn bộ dự thảo luật và cần thể hiện nhất quán tư tưởng Nghị quyết 12 của Ban Chấp hành Trung ương. Trong đó, theo ông Định, tư tưởng chính là nhà nước không can thiệp vào hoạt động sản xuất kinh doanh và quản trị của doanh nghiệp.
"Vốn nhà nước sau khi đã đầu tư vào doanh nghiệp được xác định là tài sản và vốn của doanh nghiệp. Thế mà cái gì doanh nghiệp cũng phải đi xin, cái gì cũng làm thủ tục, mất thời cơ, mất cơ hội kinh doanh"- ông Nguyễn Khắc Định nói.
Phó Chủ tịch Quốc hội đặt câu hỏi: "Tại sao doanh nghiệp tư nhân họ làm hiệu quả?", và ông tự trả lời: Vì người ta tiết kiệm được thời gian, tiết kiệm thủ tục, giảm được chi phí xin chỗ nọ, chỗ kia...
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý phải cắt giảm, đơn giản tối đa thủ tục hành chính, hạn chế cơ chế xin - cho. Theo ông, vấn đề này, Thủ tướng đã phát biểu chỉ đạo rất nhiều lần, nhưng dự thảo chưa thể hiện được nhiều.
Ông Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh yêu cầu phải tăng cường phân cấp, phân quyền. Theo ông, trong dự thảo luật đã có, nhưng chưa được bao nhiêu. "Tờ trình đưa ra những điểm mới nhưng chưa mới lắm, chưa phân cấp, phân quyền nhiều lắm".
Theo ông, dự thảo quy định doanh nghiệp phải trình quá nhiều thứ, từ thủ tục, chiến lược, phương hướng, kế hoạch… "Người ta đã chịu trách nhiệm toàn diện mà cái gì cũng phải đi xin thì làm sao chịu trách nhiệm toàn diện được"- ông Nguyễn Khắc Định nêu.
Về quy định xử lý triệt để các vướng mắc, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng các tập đoàn, tổng công ty và ngân hàng đã liệt kê những cái vướng, nhưng đọc trong dự thảo thấy dù có nhưng vẫn chưa giải quyết được cơ bản những cái vướng đó.
Ông cũng lưu ý tách bạch chức năng chủ sở hữu với chức năng quản lý nhà nước. Dù dự án luật đã thể hiện điều này nhưng chưa tách được nhiều, chưa tách triệt để, cần phải xem xét và hạn chế tối đa quy định chi tiết khi xây dựng luật.
Bình luận (0)