Quốc hội xem xét, quyết định xong trước 30-9-2024
Trao đổi với báo chí về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Nội vụ cũng như của các địa phương trong năm 2024. Tính đến ngày 31-12-2023, tất cả 56/56 địa phương có đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc diện sắp xếp giai đoạn 2023-2025 đã gửi Phương án tổng thể đến Bộ Nội vụ chủ trì.
Trên cơ sở tổng hợp ý kiến của các Bộ, cơ quan liên quan, Bộ Nội vụ đã ban hành 56 văn bản tham gia ý kiến đối với phương án tổng thể của các địa phương. Tổng hợp từ phương án tổng thể của 56 tỉnh, thành phố cho thấy, số lượng đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thực hiện sắp xếp giai đoạn 2023-2025 có một số thay đổi so với dự kiến ban đầu.
Theo dự kiến, giai đoạn 2023-2025, cả nước có 33 đơn vị hành chính cấp huyện và 1.327 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện bắt buộc sắp xếp. Tuy nhiên, sau khi tổng hợp phương án tổng thể, tổng số đơn vị hành chính cấp huyện thực hiện sắp xếp là 50. Trong đó có 11 đơn vị thuộc diện phải sắp xếp, 16 đơn vị khuyến khích và 23 đơn vị liền kề; không thực hiện sắp xếp 19 đơn vị do có yếu tố đặc thù. Dự kiến sau sắp xếp, sáp nhập, cả nước sẽ giảm 14 đơn vị hành chính cấp huyện.
Còn tổng số đơn vị hành chính cấp xã thực hiện sắp xếp là 1.243 đơn vị. Trong đó có 738 đơn vị thuộc diện phải sắp xếp, 109 đơn vị khuyến khích và 396 đơn vị liền kề; không thực hiện sắp xếp 515 đơn vị do có yếu tố đặc thù. Dự kiến sau sắp xếp, sáp nhập sẽ giảm 619 đơn vị hành chính cấp xã.
Qua những con số này, có thể thấy số lượng đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc diện khuyến khích sắp xếp do các địa phương tự đề xuất khá nhiều. Có đến 16 đơn vị hành chính cấp huyện và 109 đơn vị hành chính cấp xã không thuộc diện bắt buộc sắp xếp nhưng các địa phương đã tự đề xuất để sắp xếp lại.
Bên cạnh đó, số đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã mặc dù thuộc diện phải sắp xếp nhưng qua rà soát, đánh giá nhiều yếu tố đặc thù về văn hóa, lịch sử,… nên địa phương đề xuất không sắp xếp.
Tổng hợp chung lại, số đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã sắp xếp, sáp nhập trong năm 2024 không có biến động lớn so với dự kiến ban đầu. Trên cơ sở phương án tổng thể (sau khi được hoàn thiện), các địa phương đang tập trung xây dựng đề án, tổ chức lấy ý kiến cử tri, thông qua HĐND các cấp để trình Chính phủ và theo đó trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định xong trước 30-9-2024.
Chưa đề xuất sáp nhập tỉnh
Gần đây, trên mạng xã hội có thông tin về việc chuẩn bị sắp xếp, sáp nhập một số tỉnh. Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết đây là vấn đề nhiều tỉnh, thành phố đang quan tâm và đặt câu hỏi với Bộ Nội vụ. "Tuy nhiên, chúng tôi khẳng định là Bộ Nội vụ chưa tính toán hay đề xuất gì về việc sắp xếp, sáp nhập bất cứ tỉnh, thành phố nào"- Bộ trưởng khẳng định.
"Thời gian qua, trên mạng xã hội đăng tải nhiều thông tin nói rằng tỉnh này sáp nhập với tỉnh kia, tôi khẳng định đây là những thông tin không chính xác, không có căn cứ khiến cho nhân dân một số tỉnh băn khoăn, làm ảnh hưởng đến tâm lý xã hội"- Bộ trưởng nhấn mạnh thêm.
Theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, có một số tỉnh như Bắc Ninh, Thừa Thiên - Huế đang rất nỗ lực, phấn đấu để đến giai đoạn 2026-2030 đủ điều kiện lên thành phố trực thuộc Trung ương, đây là chủ trương của Đảng theo tinh thần Nghị quyết 06-NQ/TW của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đang được Chính phủ quan tâm chỉ đạo thực hiện. Vì vậy, nếu tỉnh, thành phố nào theo quy hoạch, đủ các điều kiện, tiêu chuẩn để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương thì các cấp có thẩm quyền sẽ xem xét quyết định.
Bình luận (0)