Sáng 14-6, tại buổi gặp mặt kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, ông Trần Nam Hưng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Tam Kỳ đã chia sẻ thông tin về việc lùi thời điểm sáp nhập các địa phương Tam Kỳ, Núi Thành, Phú Ninh.
Theo ông Hưng, việc sáp nhập 3 đơn vị hành chính trên xuất phát từ mục tiêu xây dựng đô thị động lực, hướng đến mục tiêu xây dựng đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh. Để thực hiện mục tiêu trên thì một mình Tam Kỳ có phấn đấu mấy cũng không được vì không đáp ứng các tiêu chí về dân số, diện tích…
Ông Trần Nam Hưng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Tam Kỳ chia sẻ thông tin với báo chí
Xuất phát từ tinh thần đó, năm 2021, Tỉnh ủy Quảng Nam ban hành Nghị quyết số 08 về xây dựng và phát triển đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh. Tại hội nghị Tỉnh ủy Quảng Nam lần thứ 9 tháng 10-2022, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thống nhất chủ trương sáp nhập 3 đơn vị hành chính cấp huyện gồm TP Tam Kỳ, huyện Núi Thành và Phú Ninh thành một đơn vị hành chính trực thuộc tỉnh.
Tuy nhiên, tháng 2-2023, tại phiên họp thứ 3 của Ban Chỉ đạo xây dựng đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh có những ý kiến đề xuất điều chỉnh về thời gian và cách thức thực hiện.
"Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam khẳng định mục tiêu xây dựng đô thị động lực gắn với xây dựng đô thị loại 1 là không đổi nhưng đề xuất lộ trình kéo dài thêm. Theo tinh thần nghị quyết trước đây, nếu như sáp nhập 3 địa phương có chậm đi nữa thì giữa năm 2025 là xong, thực hiện trước Đại hội Đảng bộ tỉnh. Dù vậy, quá trình bàn bạc, Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất lùi lại, có thể kéo sang giai đoạn 2025-2030 mới thực hiện.
Ban đầu chủ trương là nhập cùng lúc 3 địa phương nhưng bây giờ có nhiều ý kiến bàn bạc nên có lộ trình, có thể nhập 2 địa phương, sau vài năm ổn định nhập thêm địa phương thứ 3" – ông Trần Nam Hưng nói.
Một góc TP Tam Kỳ nhìn từ trên cao
Lý giải nguyên nhân việc lùi thời điểm sáp nhập, ông Hưng cho hay vào ngày 30-1-2023, Bộ Chính trị ban hành Kết luận 48 về việc tiếp tục đẩy mạnh sáp nhập các đơn vị hành chính không đủ 2 tiêu chí về diện tích, dân số, yêu cầu các địa phương phải thực hiện trước năm 2025. Tại Quảng Nam, huyện Hiệp Đức và Nông Sơn thuộc diện phải sáp nhập, dự kiến sẽ thực hiện vào năm 2024.
2 địa phương trên sáp nhập thì riêng cán bộ dôi dư cần phải sắp xếp lên đến 182 người ở cấp trưởng, phó phòng trở lên. "Nội việc đó thì áp lực xử lý, sắp xếp cán bộ, quản lý trụ sở dôi dư là rất lớn. Vì vậy, việc sáp nhập Tam Kỳ, Núi Thành, Phú Ninh phải chậm lại" – ông Hưng lý giải.
Theo Bí thư Thành ủy Tam Kỳ, một số chuyên gia đầu ngành của cả nước, một số lãnh đạo đã nghỉ hưu đề nghị cần tính toán lại việc sáp nhập này. "Các ý kiến khẳng định việc sáp nhập là đúng nhưng vấn đề là nhập như thế nào. Có nhiều ý kiến nêu nên nhập Tam Kỳ với Núi Thành trước, có ý kiến ít hơn thì đề nghị nhập Tam Kỳ Phú Ninh trước" – ông Hưng chia sẻ thêm.
Trước đó, như Báo Người Lao Động đã thông tin, hôm 9-6, UBND tỉnh Quảng Nam có báo cáo tình hình thực hiện Đề án sáp nhập 3 đơn vị hành chính cấp huyện Phú Ninh, Núi Thành, Tam Kỳ gửi Bộ Nội vụ, xin điều chỉnh nội dung và thời gian trình đề án.
Bình luận (0)