Qua kiểm toán, KTNN chỉ ra nhiều bất cập, hạn chế trong công tác sắp xếp, tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập tại Bộ Y tế. Theo đó, việc tham mưu ban hành, ban hành theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật còn chậm.
Bộ Y tế chưa hoàn thành kịp thời, đầy đủ, đồng bộ việc thể chế hóa các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính; chậm tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy hoạch mạng lưới các cơ sở y tế; chậm xây dựng Thông tư ban hành tiêu chí phân loại, điều kiện thành lập, sáp nhập, hợp nhất, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Y tế.
Cơ quan kiểm toán cũng kết luận Bộ Y tế chậm ban hành hướng dẫn về vị trí việc làm, định mức số lượng người làm việc, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp trong đơn vị sự nghiệp y tế công lập thuộc các Bộ, ngành và địa phương…
Ngoài ra, Bộ Y tế chưa hoàn thành lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công; chưa hoàn thành việc xây dựng danh mục dịch vụ công, định mức kinh tế kỹ thuật làm căn cứ xây dựng giá dịch vụ, xây dựng dự toán.
Kết quản kiểm toán cũng cho thấy, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 13/2023/TT-BYT ngày 29-6-2023 quy định khung giá khám chữa bệnh theo yêu cầu mức giá tối thiểu bằng giá khám chữa bệnh do Bảo hiểm y tế thanh toán và cơ cấu chỉ gồm 2 yếu tố chi phí trực tiếp và tiền lương là không phù hợp với với lộ trình tính giá.
Đối với việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập, đến năm 2021, Bộ Y tế chỉ giảm 8,2% đơn vị so với năm 2015 (mục tiêu là giảm bình quân cả nước là 10%); chưa xây dựng Đề án đầu tư phát triển một số bệnh viện hiện đại ngang tầm khu vực và quốc tế (2021 - 2023), Đề án chuyển các bệnh viện thuộc Bộ Y tế về địa phương quản lý, Đề án sắp xếp lại các đơn vị làm nhiệm vụ kiểm nghiệm, kiểm định, kiểm chuẩn...
Theo cơ quan kiểm toán, còn một số đơn vị chưa thực hiện sắp xếp để giảm đầu mối, giảm trùng lắp về chức năng nhiệm vụ theo hướng tinh gọn, giảm mạnh đầu mối, bỏ cấp trung gian; một số đơn vị có số lượng cấp phó cao hơn quy định.
Bên cạnh đó, một số bệnh viện còn tình trạng một số danh mục (thuốc, vật tư y tế) của dịch vụ y tế có trong định mức, song không sử dụng hoặc định mức cao/thấp hơn số lượng thực tế sử dụng....
Một số bệnh viện xây dựng giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu có chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp 2% và một số yếu tố chi phí không hợp lý, không đồng nhất giữa các dịch vụ, chưa có cơ sở hoặc thực tế không phát sinh.
Kết quả kiểm toán đã chỉ rõ, Bộ Y tế chưa thực hiện thanh tra, kiểm tra sát sao hoạt động xã hội hoá, liên doanh liên kết theo Chỉ thị số 22/CT-BYT tại các đơn vị trực thuộc để kịp thời nắm bắt những tồn tại hạn chế, chấn chỉnh kịp thời.
Từ kết quả kiểm toán nêu trên, KTNN kiến nghị Bộ Y tế xây dựng hoặc rà soát sửa đổi, bổ sung danh mục sự nghiệp công, định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí theo ngành, lĩnh vực để ban hành/tham mưu ban hành đơn giá, giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước đối với từng loại hình dịch vụ sự nghiệp công.
Cùng với đó, tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó tăng cường công tác kiểm tra về hoạt động hoạt động liên doanh, liên kết tại các đơn vị trực thuộc; kiểm tra việc áp dụng kỹ thuật mới, phương pháp mới trong khám bệnh, chữa bệnh, các nhiệm vụ thí điểm khác.
KTNN cũng kiến nghị Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan trình Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc ngành, lĩnh vực. Phối hợp với Bộ Tài chính hoàn thành lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước theo quy định.
Bình luận (0)