Trong bối cảnh xảy ra một loạt sự cố an toàn liên quan đến máy bay Boeing, tờ Daily Mail đã công bố tài liệu của FAA hôm 22-5.
FAA báo cáo vấn đề nói trên vào tháng 3 và yêu cầu Boeing cũng như các chuyên gia phản hồi trước ngày 9-5 nhưng chưa rõ liệu công ty đã giải quyết vấn đề này hay chưa.
Theo FAA, một tấm kim loại gắn vào lỗ thông hơi bình nhiên liệu trên cánh của máy bay Boeing 777 mà không có liên kết điện. Điều đó đồng nghĩa với nguy cơ phóng tĩnh điện gần các bình nhiên liệu ở cánh máy bay, từ đó có thể gây cháy nổ.
Theo thông báo của FAA, việc phát hiện ra lỗ hổng cho thấy khoảng 292 máy bay Boeing 777 có nguy cơ gặp rủi ro, bao gồm cả máy bay được các hãng United Airlines và American Airlines sử dụng.
Tất cả các biến thể của dòng máy bay 777, từ mẫu cơ bản 777-200 đến 777-300ER tầm xa, đều bị ảnh hưởng.
Hãng Boeing bác bỏ thông tin của tờ Daily Mail khi nhấn mạnh rằng cảnh báo được đề xuất là một phần của "quy trình quản lý tiêu chuẩn giúp đảm bảo di chuyển hàng không là hình thức vận chuyển an toàn nhất".
Công ty cho biết: "Đây không phải là vấn đề an toàn tức thời đối với chuyến bay. Có nhiều thiết bị dự phòng được thiết kế trong máy bay thương mại hiện đại để đảm bảo máy bay được bảo vệ trước các tác động điện từ. Dòng máy bay Boeing 777 đã hoạt động được gần 30 năm và đã vận chuyển an toàn hơn 3,9 tỉ hành khách".
Dòng 777 là máy bay chở khách thân rộng được chế tạo nhiều nhất trên thế giới, với gần 1.800 chiếc được chuyển giao cho các nhà khai thác trên toàn thế giới kể từ năm 1995.
Dòng máy bay Boeing 777 đã gặp 31 vụ tai nạn hoặc sự cố, được xem là tương đối an toàn hơn so với dòng máy bay trước đó là 767 nhỏ hơn, liên quan đến 67 vụ tai nạn trong số khoảng 1.300 máy bay được chế tạo.
FAA ước tính việc sửa chữa sẽ khiến Boeing, tập đoàn có vốn hóa thị trường là 113,53 tỉ USD, tốn chưa đến 698.000 USD để sửa chữa cho tất cả 292 máy bay Boeing 777 có nguy cơ.
Bình luận (0)