Theo Sci-News, loài mới được đặt tên là Bustingorrytitan shiva đã lộ diện ở khu vực Patagonia của Argentina, một lãnh địa nổi tiếng của những loài quái thú khổng lồ.
Hài cốt hóa thạch của ít nhất 4 cá thể đã được các nhà cổ sinh vật học thu thập. Chúng đều là những khúc xương ngoại cỡ, với niên đại lên tới 95 triệu năm, tức thuộc kỷ Phấn Trắng.
Trong đó, một bộ xương tương đối hoàn chỉnh đã giúp các nhà khoa học vẽ nên bức tranh chính xác về con quái thú này khi nó còn lang thang ở vùng đất nay là Nam Mỹ.
Bustingorrytitan shiva thuộc về nhóm "thằn lằn hộ pháp" (Titanosaur). Đó là loài khủng long lớn nhất thế giới, đặc trưng bởi chiếc cổ rất dài, 4 chân to như cột đình.
Theo báo cáo chi tiết vừa được công bố trên tạp chí khoa học Acta Palaeontologica Polonica, các tính toán cho thấy loài mới này phải nặng trung bình 67,3 tấn khi còn sống.
Do vậy, chúng là một trong những loài to nhất trong nhóm thằn lằn hộ pháp.
Tác giả của nghiên cứu - hai nhà cổ sinh vật học María Edith Simón và Leonardo Salgado từ Đại học Quốc gia Rio Negro-Conicet (Argentina) - cho biết phát hiện này nâng cao kiến thức của nhân loại về giống loài khổng lồ này.
Các hóa thạch này, cùng với một loạt hóa thạch các loài thằn lằn hộ pháp khác từng được tìm thấy trong khu vực, cho thấy chúng rất đa dạng về mặt giải phẫu và lịch sử tiến hóa.
Quần thể quái thú vĩ đại này đã trở thành một thành phần quan trọng trong quần thể khủng long Patagonia trong ít nhất là 50 triệu năm.
Chỉ riêng trong Hệ tầng Huincul, nơi quái thú mới Bustingorrytitan shiva lộ diện, các nhà cổ sinh vật học đã tìm thấy trước đó một loạt thằn lằn hộ pháp cỡ trung bình đến lớn và một số loài khủng long cỡ nhỏ đến trung bình khác.
Trước Bustingorrytitan shiva, có tới 4 loài thằn lằn hộ pháp có trọng lượng từ 50 tấn trở lên đã được tìm thấy ở Patagonia.
Bình luận (0)