Cách phân loại này đã phản ánh rất rõ nét sự chênh lệch về đẳng cấp của ĐNA trong mặt bằng châu Á. Thế nhưng, bóng đá luôn thú vị khi đội gây ấn tượng nhất cho đến lúc này tại giải lại là Indonesia, khi họ giành vé vào tứ kết rất thuyết phục.
Hiện tượng Indonesia
Ngoại trừ Chủ tịch LĐBĐ Indonesia Eric Thohir luôn lạc quan tin rằng Indonesia sẽ vượt qua vòng bảng, còn gần như ai cũng thấy đây là nhiệm vụ bất khả thi khi Indonesia rơi vào bảng nặng ký gồm chủ nhà Qatar, Jordan. Đối thủ còn lại là Úc, nền bóng đá hàng đầu của châu Á.
Bất chấp trận đầu tiên thua Qatar 0-2 cùng 2 chiếc thẻ đỏ, đoàn quân của HLV Shin Tae-yong càng đá càng hay, đặc biệt là trong trận cuối trước Jordan, khi có đến 9 tuyển thủ quốc gia Indonesia trong đội hình xuất phát gồm thủ môn Ernando Ari, trung vệ Rizky Ridho, hậu vệ trái Pratama Arhan (Suwon Hàn Quốc), trung vệ Justin Hubner (Cerezo Osaka, Nhật); tiền vệ Ivar Jenner (Utrecht. Hà Lan), tiền vệ trái Nathan Tjoe A-on (Heerenveen, Hà Lan); tiền đạo Rafael Struick (Ado Den Haag, Hà Lan); tiền vệ Witan Sulaeman và tiền vệ tấn công Marselino Ferdinan.
Đa số những tài năng này có mặt trong đội hình U22 Indoensia đoạt huy chương vàng SEA Games 32 cách đây gần một năm ở Campuchia.
Đội Indonesia tại giải được hình thành với chiến lược đầu tư trẻ toàn diện suốt 4 năm qua và nhập tịch "ngôi sao" cho tất cả là những cầu thủ sinh từ năm 2001 đến 2003. Tập thể này đã liên tục thi đấu cùng nhau từ U19, U22, U23 và đội tuyển quốc gia.
Đặc biệt hơn nữa khi HLV Shin Tae-yong đã song hành cùng với kế hoạch này của Indonesia. Với những gì bóng đá Indonesia gặt hái được từ SEA Games qua vòng loại thứ hai World Cup 2026 và mới nhất là vào tứ kết Cúp U23 châu Á 2024, HLV Shin Tae-yong đã được LĐBĐ Indoensia gia hạn hợp đồng đến năm 2027.
Đây là nền tảng để bóng đá Indonesia thay da đổi thịt. Họ thi đấu chững chạc, tính tổ chức cao, hiểu nhau và kinh nghiệm hơn các đồng nghiệp trẻ cùng trang lứa ở ĐNA.
Các cầu thủ U23 được trải nghiệm thi đấu sớm, được tập huấn, thi đấu không chỉ ở châu Á mà còn là ở châu Âu. Đó là chưa tính sức mạnh còn được tiếp sức từ nguồn lực nhập tịch.
Cho đến lúc này, Indonesia là đại diện ĐNA thi đấu nổi bật và hiệu quả nhất tại giải. Nhất là qua trận thắng Jordan 4-1 với những bàn thắng từ sự phối hợp nhuần nhuyễn và được kết thúc bằng những cú sút rất kỹ thuật mà ngay cả đội tuyển quốc gia Indonesia cũng chưa thể thực hiện được.
Phong độ nhất thời hay đẳng cấp?
Câu hỏi được đặt ra vì sao trong trận thua Qatar, Indonesia không tạo ra được tình huống nào nguy hiểm và rõ ràng là đội ở chiếu dưới khi đối mặt với đội Qatar.
Trận thứ hai, Indonesia cũng chỉ có 36 % kiểm soát bóng, 1 lần sút trúng đích và thủ môn Ari liên tục bị tra tấn trước những đợt tấn công ào ạt của các tuyển thủ Úc nhưng họ lại kết thúc quá kém.
Trận thắng 1-0 trước Úc là nỗ lực đáng khen của Indonesia nhưng thế trận vẫn cho thấy Úc vẫn là đội chiếu trên.
Tất nhiên người hâm mộ bóng đá Indonesia có cơ sở để hào hứng, phấn chấn khi đội Indonesia đã vượt qua vòng bảng ngay trong lần đầu tiên có mặt ở vòng chung kết.
Một thành tích mà trước đó chỉ có 4 đội thực hiện được đó là Qatar năm 2016; Palestine, Malaysia năm 2018 và Turkmenistan năm 2022. Thế nhưng chỉ có mỗi Qatar là vào đến bán kết trong khi ba đội còn lại đều dừng chân ở tứ kết.
Do đó chờ xem trận gặp "ngọn núi" Hàn Quốc vào lúc 20 giờ 30 phút ngày 25-4 ở tứ kết, khi đó mới biết sức mạnh thật của đội Indonesia gồm 13 tuyển thủ quốc gia và 3 tuyển thủ nhập tịch (1 mới bị CLB gọi về đó là tiền vệ trái Nathan Tjoe A-on đang thi đấu ở giải vô địch Hà Lan).
Thái Lan vẫn là số 1
Thái Lan bất ngờ thắng Iraq 2-0 mở ra cơ hội lớn tiến vào tứ kết, thế mà họ lại thua Ả Rập Saudi 0-5 rồi thua tiếp Tajikistan 0-1 để không chỉ bị loại mà còn rơi xuống vị trí cuối bảng.
Kết quả này phản ánh đúng chất lượng đội hình của Thái Lan tham dự giải. Nếu như trận thua toàn diện trước đương kim vô địch Ả Rập Saudi còn có lý do khi đối thủ quá mạnh, thì trận thua quyết định trước Tajikistan bị đánh giá yếu hơn, rõ ràng thực lực của đội Thái Lan không mạnh như từng ảo tưởng sau trận thắng Iraq.
Kết quả không như mong đợi này lại phản ánh đúng tâm thế của Thái Lan khi đến với giải. Khác hoàn toàn với Indoensia, Việt Nam, Thái Lan không có lực lượng tốt nhất vì thiếu nhiều cầu thủ giỏi.
Nói không quá khi đây là đội hình hai do thiếu vắng dàn cầu thủ tinh binh: hậu vệ Bukkoree Lemdee, hậu vệ Chatmongkol Rueangthanarot, tiền vệ tấn công Channarong Promsrikaew; trung phong Yotsakorn Burapha (Chonburi, Thái Lan); trung vệ Maximilian Steinbauer (Sukhothai, Thái Nan); tiền vệ Airfan Doloh (Uthai Thani, Thái Lan); tiền vệ Suphanat Mueanta (Oh Leuven, Bỉ); tiền đạo Achitpol Keereerom (FC Augsbutg II, Đức)…
Có nghĩa là bóng đá Thái Lan ưu tiên phát triển Thai-League, không dừng giải vô địch quốc gia vì các giải trẻ mà ở đây là Cúp U23 châu Á, từ đó các CLB toàn quyền về việc đồng ý hay không chấp thuận nhả quân.
Như Chonburi đã từ chối cung cấp 4 cầu thủ cho đội tuyển U23 Thái Lan. Ngay cả các CLB nước ngoài cũng không đồng ý nhả quân khi Cúp U23 châu Á không nằm trong hệ thống thi đấu FIFA cấp đội tuyển quốc gia.
Đây cũng là lý do vì sao dù có đến 5 lần có mặt ở vòng chung kết Cúp U23 châu Á, nhưng thành tích tốt nhất của Thái Lan là mới chỉ một lần đứng nhất bảng và dừng chân ở tứ kết năm 2020.
Với Thái Lan, họ ưu tiên phát triển giải vô địch quốc gia và tập trung vào thành tích của đội tuyển quốc gia. Vì vậy, dù thành tích ở các giải trẻ của Thái Lan gần đây không đứng đầu khu vực ĐNA, nhưng thành tích cấp đội tuyển quốc gia thì Thái Lan vẫn là số 1 khu vực.
AFF Cup không đổi mới
AFF Cup ra đời từ năm 1996 với 2 năm tổ chức một lần và cho đến nay hành trình của giải đã là 28 năm. Giải mới đầu tổ chức vào tháng 9 sau đó chuyển dần cố định trong quãng thời gian dao động từ tháng 11 đến tháng 12 hoặc từ tháng 12 năm này qua tháng 1 năm sau.
Giải được hình thành là đúng vì đây không khác nào là giải vô địch ĐNA dành cho các đội tuyển quốc gia trong khu vực, một giải vô địch chất lượng, uy tín mà các đội tuyển quốc gia đều phải tập trung tham tham gia.
Tuy nhiên, cái không đúng của LĐBĐ ĐNA đó là tổ chức giải diễn ra trong thời gian các giải vô địch quốc gia trong khu vực đang được tiến hành, thay vì như FIFA hay UEFA luôn tổ chức World Cup hay EURO vào quãng thời gian cố định từ tháng 6 đến tháng 7, khi mà các giải vô địch quốc gia đã kết thúc thường là vào cuối tháng 5.
Lịch thi đấu không hợp lý của LĐBĐ ĐNA đã khiến cho các quốc gia ở khu vực bị động. Như để tham dự AFF Cup 2024, V-League 2024-2025 dự kiến phải ngưng 32 ngày để đội tuyển Việt Nam tham gia. Ngược lại, Thai-League vẫn tiến hành và các CLB vẫn có quyền không nhả quân cho đội tuyển thi đấu AFF Cup.
Vậy mà Thái Lan dù vắng gần 10 cầu thủ trụ cột vẫn vượt qua được ĐTVN qua hai trận chung kết lượt đi và về năm 2022 để bảo vệ thành công danh hiệu vô địch AFF Cup.
Nói lên thực tế này, để thấy Thái Lan đang nỗ lực đi đúng với xu hướng phát triển chung của thế giới bóng đá chuyên nghiệp. Đây là con đường bóng đá Việt Nam cũng phải đi theo nếu muốn phát triển.
Đồng thời quan chức của các LĐBĐ quốc gia trong khu vực ĐNA và nhất là những ai trong những tổ chức này mà tham gia trong ban điều hành của LĐBĐ ĐNA cần lên tiếng quyết liệt để thay đổi lịch thi đấu AFF Cup sao cho các giải vô địch quốc gia không bị gián đoạn.
Có thay đổi này, đội tuyển các quốc gia mới có thể tham dự giải với lực lượng mạnh nhất.
Điểm sơ qua cách đầu tư, định hướng cùng bộ máy điều hành bóng đá của các quốc gia hàng đầu ĐNA cũng như là LĐBĐ ĐNA, chúng ta sẽ hiểu hơn vì sao bóng đá ĐNA vẫn mãi bị xem là vùng trũng. Đơn giản vì bóng đá ĐNA gieo như thế nào sẽ gặt như thế đó.
Bình luận (0)